Bài 1: Đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn
Lời tòa soạn: Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây tác động rất tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội đất nước và người dân. Sau 2 năm, qua giám sát tối cao của Quốc hội, kết quả thực hiện cho thấy, hầu hết chính sách, biện pháp ban hành tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 là kịp thời, hợp lòng dân, đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn cuộc sống. Cùng nhìn lại những kết quả nổi bật cũng như tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nghị quyết này để thấy rõ hơn ý nghĩa của một quyết sách ra đời trong bối cảnh đặc biệt, chưa có tiền lệ của Quốc hội.
2021 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, cũng là năm đất nước ta cũng như toàn cầu phải đối mặt với dịch Covid-19, tác động tiêu cực đến sức khỏe, tính mạng người dân cũng như mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, nhiều quyết sách đặc biệt, chưa có tiền lệ ra đời. Trong đó có Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, mang tính đặc thù nhằm đạt “mục tiêu kép”: hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch.
Đúng lúc, kịp thời, mạnh mẽ
Với mục đích sáng rõ như vậy, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đã kịp thời được tiến hành trong phạm vi cả nước, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong phòng, chống đại dịch, từng bước kiểm soát và kết thúc dịch Covid-19, đưa đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm.
Qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã cơ bản hoàn thành. Một số chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời. Nổi bật là chính sách tín dụng qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế suất giá trị gia tăng đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh; các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua đã phát huy hiệu quả, tăng cường tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, phát huy hiệu quả dự án đầu tư.
Đây là một trong những kết quả nổi bật được Đoàn giám sát của Quốc hội về “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” khẳng định sau quá trình giám sát trực tiếp tại 10 địa phương, làm việc với Chính phủ và 12 bộ, ngành, cơ quan.
Nhìn lại việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nêu rõ, với Nghị quyết này, Quốc hội đã thể chế hóa rất kịp thời Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII; và Nghị quyết số 43/2022/QH15 cùng với các nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia ngay trong 2 năm đầu tiên nhiệm kỳ Khóa XV, đã góp phần tạo động lực, nguồn lực, củng cố niềm tin rất “đúng lúc, kịp thời và mạnh mẽ”. Đồng thời, các nghị quyết của Quốc hội cũng đã hỗ trợ tích cực và thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội không chỉ cho hai năm 2022, 2023 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nhấn mạnh tính chất đặc biệt của Nghị quyết số 43/2022/QH15, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội, nêu rõ, trước tình huống đặc biệt, Quốc hội đã đưa ra nhiều cơ chế đặc biệt, thậm chí là “chưa bao giờ gợi mở, thông thoáng” đến như vậy. Quan trọng hơn, trong bối cảnh nguồn lực của đất nước đang vô cùng khó khăn, việc ưu tiên bố trí nguồn lực khá lớn để thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với quy mô gần 350.000 tỷ đồng là một nỗ lực rất lớn.
Trong đó, để bảo đảm bố trí đủ nguồn lực, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội quyết nghị cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1 - 1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, Nghị quyết cũng quy định việc xây dựng phương án huy động phù hợp với từng thời điểm thông qua các công cụ phát hành trái phiếu Chính phủ, vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và cơ chế để điều hòa linh hoạt nguồn lực…
Chính sách đi kèm nguồn lực
Một đặc điểm rất riêng của Nghị quyết số 43/2022/QH15, như đánh giá của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Thị Lưu Mai, đó là cùng với các chính sách đưa ra, Nghị quyết cũng quy định cụ thể phương án bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách; đồng thời cho phép Chính phủ linh hoạt trong điều hòa nguồn lực, cùng 3 cơ chế đặc thù để đơn giản hóa thủ tục, quy trình thực hiện… Nói cách khác, với việc ban hành Nghị quyết này, để ứng phó hiệu quả với tình hình lúc đó, “những gì Quốc hội có thể làm thì Quốc hội đã làm đầy đủ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Thị Lưu Mai nói.
Cụ thể và thiết thực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, thành viên Đoàn giám sát, nhận thấy, một nguồn lực rất lớn đã được ưu tiên để đầu tư cho các dự án thực sự cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kích cầu qua chi tiêu công, tạo việc làm cho người lao động, hỗ trợ các hộ nghèo sản xuất kinh doanh nhỏ và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Đặc biệt, bên cạnh những chính sách có tính chất đặc thù mang tính ngắn hạn và thời điểm, thì trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng quy định một số chính sách mang tính chất dài hạn. Ví dụ, Nghị quyết đã giao Chính phủ và các bộ, ngành phải giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp cũng như bố trí một nguồn lực cụ thể để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển hạ tầng viễn thông… Đánh giá cao những chính sách này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến nhấn mạnh, trên thực tế, những chính sách và nguồn lực thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ, thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu… là một nội dung quan trọng trong thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng mạnh vào chất lượng và hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng trong nước.
Có thể khẳng định, đến hết năm 2023, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, nước ta đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước từ trạng thái thích ứng với dịch bệnh nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường, từng bước phục hồi và ổn định hơn; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được đẩy mạnh, tiếp tục thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế, đầu tư, thương mại, dịch vụ, phát triển kinh tế số… Các yếu tố này đóng vai trò nền tảng quan trọng để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022, 2023 và những năm sau.