Bài 1: Đặt nền móng cho một nền hành chính hiện đại

MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2 CẤP

Để xây dựng nền hành chính nhà nước theo chính thể dân chủ, cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra các nguyên tắc khoa học về tổ chức bộ máy và cán bộ, trong đó có nguyên tắc “xây dựng một Nhà nước ít tốn kém” và nguyên tắc “vì việc mà tìm người chứ không vì người mà đặt việc”. Người cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của chính quyền địa phương cấp cơ sở: “Cấp xã là gần gũi Nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”. Đó là những nguyên tắc và triết lý tiên tiến trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay.

Bài 1: Đặt nền móng cho một nền hành chính hiện đại

Tiếp thu tinh hoa cách thức tổ chức nhà nước của các quốc gia trên thế giới để áp dụng vào thực tiễn nhà nước cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn và là “kiến trúc sư” lỗi lạc thiết kế nên mô hình chính quyền địa phương (CQĐP) nước ta, đặt nền móng xây dựng một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt và một nền hành chính hiện đại ngay từ những ngày đầu thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 Trung tâm hành chính công tỉnh Lâm Đồng luôn nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân

Trung tâm hành chính công tỉnh Lâm Đồng luôn nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân

Chính quyền do dân cử ra

Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền và sau khi giành được chính quyền, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2.9.1945; đường lối nhất quán của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải xây dựng một Nhà nước theo tinh thần dân chủ, tiến bộ, khoa học, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Đó là Nhà nước mà mọi quyền lực đều bắt nguồn từ Nhân dân, bộ máy chính quyền nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều do Nhân dân cử ra, thể hiện ý chí của Nhân dân, phù hợp với nguyên tắc nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Xuất phát từ cơ sở chính trị đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh - là linh hồn và là “kiến trúc sư” lỗi lạc thiết kế mô hình CQĐP nước ta - với tầm tư duy chiến lược, nhìn xa trông rộng, đã tiếp thu tinh hoa cách thức tổ chức nhà nước của các quốc gia trên thế giới áp dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người ký ban hành Sắc lệnh đầu tiên về tổ chức CQĐP số 63-SL ngày 22.11.1945 quy định rõ ngay tại Điều 1: Ở hai cấp xã và tỉnh có đầy đủ hai cơ quan Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban hành chính (UBHC), ở các cấp huyện và kỳ chỉ có UBHC mà không tổ chức HĐND. Nghĩa là ở cấp huyện chỉ có cơ quan hành chính phục vụ dân, là “một hình thức Chính phủ ở địa phương”, chăm lo đời sống cho Nhân dân, nhằm một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Đó là mô hình tổ chức CQĐP thể hiện sự kế thừa một cách sáng tạo, đặt nền móng cho một nền hành chính hiện đại ngay cả trong điều kiện đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn khi mới giành được độc lập.

Không những thế, Người cũng đã có sự phân biệt rất rõ mô hình tổ chức chính quyền ở nông thôn với chính quyền ở đô thị trong Sắc lệnh số 77-SL ngày 21.12.1945 về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã, thành phố. Sắc lệnh số 77-SL quy định: “ở mỗi thành phố sẽ đặt ba thứ cơ quan: HĐND và UBHC thành phố và UBHC khu phố. Như vậy, ở thành phố trực thuộc Trung ương khi đó chỉ có hai cấp hành chính là thành phố và khu phố (còn được gọi là nguyên tắc “một cấp chính quyền, hai cấp hành chính”).

Trải qua 30 năm chiến tranh và trường kỳ kháng chiến từ năm 1945 - 1975, mô hình tổ chức 2 cấp CQĐP (từ năm 1962 thực hiện 3 cấp CQĐP), 3 cấp hành chính ở nước ta đã làm tròn sứ mệnh quản lý hành chính nhà nước trong thời chiến, phục vụ Nhân dân, tập hợp, huy động tối đa nguồn lực để vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, góp phần quan trọng quyết định thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến, cùng toàn dân và cả hệ thống chính trị đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Phù hợp yêu cầu thực tiễn cách mạng trong thời kỳ đổi mới

Từ sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, CQĐP nước ta vẫn duy trì 3 cấp CQĐP: tỉnh, huyện, xã; kế thừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo mô hình hành chính công truyền thống. Đó là mô hình quản lý hành chính theo cách thức tổ chức và hoạt động của các kiểu nhà nước cộng hòa tồn tại trong lịch sử nhân loại, đã qua các thời kỳ tiến hóa, được các nước phát triển áp dụng hiệu quả. Cơ sở lý luận của mô hình hành chính công truyền thống là tổng hợp lý thuyết về mối quan hệ giữa chính trị, kinh tế và hành chính của nhà khoa học chính trị người Mỹ Thomas Woodrow Wilson (1856 - 1924) và lý luận về tổ chức hành chính lý tưởng của nhà xã hội học, luật học người Đức Max Weber (1864 - 1920). Sau này có nhiều nhà khoa học chính trị, hành chính thế giới kế thừa, phát triển.

Khái quát đặc điểm của mô hình hành chính công truyền thống là tối ưu hóa, bảo đảm tuân thủ luật lệ, quy trình, quy tắc, thủ tục chặt chẽ, có tính ổn định vận hành, tính pháp lý bằng văn bản, tính chuyên môn hóa cao chức năng công việc, phân chia cấp bậc theo chiều dọc... với mục tiêu duy nhất và cao nhất là hiệu quả kinh tế của quản lý, tức chi phí đầu tư nhỏ nhất để có kết quả lớn nhất.

Tuy nhiên, một nền hành chính phục vụ, công bộc của dân, không chỉ coi trọng giá trị hiệu quả kinh tế, mà còn phải quan tâm đến các giá trị của nền dân chủ, giá trị công bằng xã hội, tính công khai, minh bạch, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm giải trình trước Nhân dân... Đó là vấn đề mà mô hình hành chính truyền thống chưa đáp ứng thỏa mãn do mâu thuẫn nội tại vì chủ yếu thiên về tính “cai trị”, mệnh lệnh đơn phương, “cứng nhắc”, chậm thích ứng với các biến đổi; độ trễ chính sách khá lớn, dễ “biến tướng” thành hành chính quan liêu.

Thực tiễn những năm từ 1975 - 1985, nền hành chính công nước ta duy trì quá lâu mô hình hành chính truyền thống theo cơ chế tập trung, bao cấp chỉ phù hợp trong thời chiến, cấm vận nên dần dần trở nên quan liêu, xa dân; vai trò hành chính phục vụ, nhất là bộ máy hành chính địa phương rất mờ nhạt, chậm đổi mới, chồng chéo, phức tạp, gây khó cho người dân và doanh nghiệp, không còn phù hợp với xu thế phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo chủ trương của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ; đòi hỏi một cuộc cải cách tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành phù hợp yêu cầu thực tiễn cách mạng trong thời kỳ đổi mới.

Vân Hậu – Thanh Hòa

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-dat-nen-mong-cho-mot-nen-hanh-chinh-hien-dai-post408561.html