Bài 1: Đất nước nơi đầu sóng
Những ngày thiên tai liên tiếp xảy ra ở miền Trung vừa qua, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) kiêm Trưởng ban Phòng, chống lụt bão (PCLB) Trung ương (nay là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai) thường ngồi lặng trước màn hình ti vi, khuôn mặt vốn đã khắc khổ nay trông càng buồn, nhất là khi có tin nhiều đồng bào thiệt mạng và những người lính làm nhiệm vụ ngã xuống...
Đã bước sang tuổi 83 nhưng ký ức về những năm tháng gánh vác nhiệm vụ phòng, chống bão lũ cứ ùa về và ông muốn được sẻ chia, mong thiệt hại do thiên tai sẽ giảm...
Cuộc chiến với “nàng Linda”
Ngày 1-11-1997, chỉ sau khi ông nhậm chức Bộ trưởng 10 ngày, cơn bão số 5 mang tên Linda dự kiến sẽ đổ bộ vào Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang... nơi mà từ trước tới nay rất hiếm bão. Bộ trưởng Lê Huy Ngọ triệu tập Ban chỉ đạo PCLB. Trung ương để nghe Tổng cục Khí tượng Thủy văn báo cáo. Dự cuộc họp còn có Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tá Lê Thành, cán bộ Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, con người sẽ gắn bó mật thiết với ông trong các cuộc chống thiên tai sau này. Ông Lê Huy Ngọ nói với trực ban:
- Cậu nối điện thoại đến 4 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, yêu cầu trưởng ban PCLB của tỉnh báo cáo tình hình để chúng tôi cùng nghe.
Ở đầu đường dây Kiên Giang, một tiếng cười sảng khoái cất lên:
- Vùng biển Kiên Giang là thánh địa, xưa nay chưa bao giờ có bão. Bác Ngọ ơi, bác mới về bộ nên chưa hiểu hết đâu. Các bác ngoài đó đừng lo lắng quá mức nhé!
Ông gọi điện về Bà Rịa-Vũng Tàu, yêu cầu chỉ huy PCLB phải có mặt. Nhưng hôm đó là thứ bảy, cán bộ đều về nhà riêng, chỉ có vài người trực ban.
Tình hình thật khẩn cấp. Được phép của Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Lê Huy Ngọ thành lập Tổ công tác đặc biệt do ông phụ trách, cùng một số thành viên chủ chốt gồm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Thủy sản lên đường vào Nam.
Trực thăng bay ra Côn Đảo. Ông Lê Huy Ngọ yêu cầu phi công cho bay một vòng thấp quanh đảo để quan sát. Một cảnh tượng làm ông lo lắng: Hàng nghìn tàu, thuyền của ngư dân chạy dạt vào nơi neo đậu, nhưng âu tàu không chứa nổi đành phải đậu ở ngoài. Kinh nghiệm của ngư dân vùng này trong neo chằng tàu, thuyền chưa có, chắc chắn bão vào, một thuyền bị đánh chìm sẽ kéo theo nhiều tàu, thuyền khác chìm theo. Phải tìm cách đưa ngư dân lên bờ trước đã, lo chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho họ. Tàu, thuyền có thể bị đắm nhưng người dân phải an toàn. Ông yêu cầu chính quyền địa phương dùng mọi phương tiện hiện có cùng với hải quân, Bộ đội Biên phòng nhanh chóng đưa bà con lên bờ, được người nào quý người đó. 9 giờ đêm hôm ấy, ông hội ý với các thành viên trong Tổ công tác đặc biệt. Cả tổ đều thống nhất là tình hình rất nguy kịch. Bão mạnh, khả năng chịu đựng của Côn Đảo rất có hạn. Gió đã mạnh lên, lại về đêm, lực lượng ứng cứu không thể ra cùng bà con được nữa. Ông nói:
- Cố gắng sắp xếp lại làm sao để âu tàu chứa được nhiều tàu, thuyền. Lực lượng cứu hộ trực suốt đêm nay giúp bà con ổn định nơi ăn nghỉ trên đảo, sẵn sàng ngày mai ra ứng cứu ngư dân còn mắc kẹt ngoài biển.
Sáng 3-11, bão tan. Ngồi trên trực thăng bay ra vùng biển Côn Đảo, ông thấy một cảnh tượng kinh hoàng: Hàng trăm thuyền bị lật, chìm, nghiêng ngả ở âu tàu. Trên bờ biển, một dãy dài bà con ngư dân ngồi thẫn thờ bất lực đăm đăm nhìn ra biển. Phải bằng mọi cách cứu hàng nghìn ngư dân cùng tàu, thuyền của họ đang ở ngoài khơi. Ông Ngọ nói với Đại tá Lê Thành:
- Bây giờ chỉ có ca nô nhỏ mới ứng cứu nhân dân được. Cứu dân đã, còn tàu, thuyền tính sau. Anh điện về Bộ tư lệnh Quân khu 7 cho ca nô ra ứng cứu.
Sau khi ca nô, tàu của Quân khu 7, của hải quân cứu ngư dân lên bờ, ông xin Chính phủ cung cấp xăng dầu tiếp ứng để huy động tàu, thuyền của ngư dân, của hải quân tiếp tục cứu dân và tìm cách đưa tàu, thuyền bị lật, bị chìm vào bờ. Lực lượng quân đội bao giờ cũng nhanh nhất, hiệu quả nhất. Suốt bao năm chống lụt bão sau này, quân đội luôn luôn sát cánh với Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn giúp dân. Chỉ trong mấy ngày (từ 3 đến 7-11-1997), đã có 23 tàu hải quân, 7 tàu của Bộ đội Biên phòng và 16 lần máy bay của không quân tham gia tìm kiếm cứu nạn, chuyển được 1.200 người từ Côn Đảo vào đất liền. Trong hơn một tháng, lực lượng quân đội phối hợp với lực lượng tàu, thuyền ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng đã tìm kiếm, cứu sống 5.400 ngư dân đưa vào đất liền, dẫn dắt 1.700 tàu, thuyền vào bờ.
Mấy hôm sau, ông Lê Huy Ngọ vào kiểm tra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nhà cửa bà con mình hồi đó còn làm sơ sài, bão qua, nhiều nơi bị cuốn sạch, 5.760 người "màn trời chiếu đất".
- Gần 3.000 người của nước ta chết và mất tích vì Linda-vừa đưa các số liệu cho tôi, ông Lê Huy Ngọ vừa nói-Một bài học đau đớn về ứng phó với bão, đồng thời cũng là thử thách lớn, giúp chúng ta phải khắc sâu ghi nhớ và có kinh nghiệm hơn trong phòng, chống thiên tai sau này.
Đại hồng thủy năm 1999 - kiên cường Thừa Thiên Huế
Sáng 1-11-1999, trời đầy mây và có mưa nhẹ. Đó là một trạng thái thời tiết rất bình thường của miền Trung vào mùa này. Thế nhưng đến chiều mưa to hơn và tối thì mưa sầm sập. Mưa suốt đêm và mờ sáng 2-11, nước đã ngập khắp nơi. Cả miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định ngập dần trong biển nước, nghiêm trọng nhất là Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Sáng sớm 2-11, ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khi đó gọi điện ra, giọng rất khẩn cấp:
- Anh Ngọ ơi, tỉnh tôi nguy ngập lắm rồi. TP Huế đã ngập 1,8m, có nơi 2,2m. Bà con phải trèo lên mái nhà tránh lụt. Chúng tôi đã có kế hoạch đối phó từ trước, nhưng nay đã vượt khỏi tầm tay của chúng tôi. Đề nghị Trung ương cứu viện!
Trưa 2-11, ông Lê Huy Ngọ báo cáo Thủ tướng Phan Văn Khải và được Thủ tướng đồng ý, thành lập đoàn công tác đặc biệt của Chính phủ do ông Lê Huy Ngọ làm trưởng đoàn, chiều hôm đó vào ngay Huế để chỉ đạo ứng cứu. Nhưng do mưa to gió lớn, đường từ Hà Nội vào Huế nhiều đoạn bị ngập sâu, đường từ Đà Nẵng ra bị tắc do đèo Hải Vân bị sụt lở nên mãi đến chiều 4-11, đoàn công tác mới đến được sở chỉ huy PCLB của tỉnh Thừa Thiên Huế. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mễ lội nước đón đoàn.
Ông Mễ báo cáo, TP Huế tê liệt hoàn toàn. Giao thông, điện, thông tin, điều kiện sống của bà con bị cắt đứt. Cùng với chính quyền địa phương, lực lượng Quân khu 4 và công an ngoài bộ tăng cường, câu hỏi lớn cần phải giải đáp là làm thế nào để thoát nước cho TP Huế? Cần phải phá thế bị cô lập của TP Huế, cứu nhân dân là ưu tiên số một.
Ông Lê Huy Ngọ gọi điện thoại cho Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lúc này đang chỉ đạo chống lũ lụt ở Đà Nẵng, đề nghị quân đội đưa lực lượng giải quyết đoạn đường sụt lở trên đèo Hải Vân để đưa lương thực từ Đà Nẵng ra Huế cứu bà con; tăng cường lực lượng hải quân, biên phòng đến vùng biển Thừa Thiên Huế để cứu tàu, thuyền của ngư dân đang mắc kẹt ngoài biển...
Tối hôm đó, ông Lê Huy Ngọ đề nghị xe lội nước của quân đội, ca nô, xuồng đến từng khu phố, xóm làng để cứu dân. Sáng hôm sau, máy bay trực thăng quân đội đến từng nơi mà xe lội nước chưa đến được, thả bánh mì, lương khô, nước uống xuống tiếp tế cho người dân.
Khác với Đồng bằng sông Cửu Long trong cơn bão Linda, người dân Huế xưa nay sống trong vùng ngập lũ nên rất có kinh nghiệm chống chọi với "thủy thần". Nếu là nhà mái ngói, người dân đều mở mái bên trên, làm thành cái giàn cho trẻ con khỏi ngập nước, bên cạnh là những hũ nước, gạo rang, thuốc men... để sẵn. Ở Huế có rất nhiều đồi núi nên nhân dân sơ tán lên đó nhiều. Những người già, trẻ em bị mắc kẹt, xe lội nước, ca nô của quân đội và các đội cứu trợ đến đưa họ lên đồi. Chính quyền tổ chức các bệnh viện dã chiến tại đó nhanh chóng chăm sóc nhân dân. Nhờ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nên sau 3 ngày, khi thông được đường trên bộ và trên biển, tinhg hình ở Huế đã bớt căng thẳng...
(còn nữa)
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-1-dat-nuoc-noi-dau-song-645423