Bài 1: Dấu ấn khu công nghiệp đầu tiên

LTS - Không chỉ nổi tiếng với Nông Nại đại phố (nay thuộc phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) - thương cảng sầm uất một thời ở xứ Đàng Trong, gắn với chuyện mở cõi của kinh lược sứ Nguyễn Hữu Cảnh (năm 1698), Đồng Nai còn là địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN) nhất cả nước. Và ít ai biết, tiền thân của các KCN hiện nay là Khu kỹ nghệ Biên Hòa hình thành năm 1963, được coi là lá cờ đầu của ngành Công nghiệp Việt Nam, góp phần hình thành tư duy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai cho đến ngày nay.

(Xây dựng) - Một ngày đầu tháng 8/2024, chúng tôi trở lại KCN Biên Hòa 1 (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), nơi đây có hàng trăm xí nghiệp, nhà máy mọc lên san sát. Trong nhiều phân xưởng, người lao động vẫn bám dây chuyền, miệt mài làm việc, dù họ sắp phải dời đi nơi khác nhường mặt bằng cho Khu Trung tâm chính trị - hành chính mới của tỉnh và Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1 mọc lên trong một ngày không xa.

Tấm bảng cũ kỹ khắc dòng chữ Sonadezi - Khu kỹ nghệ Biên Hòa nhắc nhở về một thời vang bóng của KCN Biên Hòa 1. (Ảnh: Nguyên Dũng)

Tấm bảng cũ kỹ khắc dòng chữ Sonadezi - Khu kỹ nghệ Biên Hòa nhắc nhở về một thời vang bóng của KCN Biên Hòa 1. (Ảnh: Nguyên Dũng)

“Sonadezi - Khu kỹ nghệ Biên Hòa”

KCN Biên Hòa 1 nằm trên trục đường Quốc lộ 1A, giữa lòng đô thị Biên Hòa sầm uất. Giờ tan tầm, khu vực có hàng nghìn công nhân chạy xe máy từ các xí nghiệp, nhà máy ùa ra chật cứng các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 để trở về nhà. Ngay ngã tư Vũng Tàu là trụ sở của Tổng Công ty Sonadezi (đơn vị quản lý KCN Biên Hòa 1) với tòa nhà cao chọc trời, gần đó là tấm biển cũ kỹ khắc dòng chữ “Sonadezi - Khu kỹ nghệ Biên Hòa” nhắc nhở về một KCN có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời.

Chúng tôi tìm gặp Thạc sỹ Trần Quang Toại (Chủ tịch Hội Sử học), nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai. Ông Toại là một trong số ít người hiểu rõ về lịch sử phát triển của Khu kỹ nghệ Biên Hòa.

Rót ly trà nóng mời khách, ông Toại cho hay, năm 1963, Trung tâm khuyếch trương kỹ nghệ Biên Hòa được thành lập với diện tích 376ha tại 2 xã Tam Hiệp và Long Bình (còn gọi là Sonadezi), giúp phân tán lực lượng công nhân tập trung ở Sài Gòn, giãn dân đô thành, phát triển công nghiệp đều khắp, khắc phục sự mất cân đối giữa Sài Gòn với các địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 300.000 người dân quận Tu Đức (tỉnh Biên Hòa bấy giờ).

Để phát triển ngành Công nghiệp, chủ đầu tư các khu kỹ nghệ Sonadezi đã kêu gọi các nhà đầu tư từ khắp các nước Pháp, Đức, Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông… rót vốn xây dựng nhà máy, xí nghiệp. Hầu hết, các loại máy móc thiết bị hiện đại nhập từ Nhật, Đài Loan, Pháp về.

Thạc sỹ Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Đồng Nai chia sẻ về lịch sử hình thành và phát triển của KCN Biên Hòa 1. (Ảnh: Ly An)

Thạc sỹ Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Đồng Nai chia sẻ về lịch sử hình thành và phát triển của KCN Biên Hòa 1. (Ảnh: Ly An)

Ông Toại cho biết thêm, tính đến năm 1975, khu kỹ nghệ có 94 nhà máy, xí nghiệp với diện tích 1,2 triệu m2. Trong số các xí nghiệp, nhà máy có 42 nhà máy đang hoạt động, thu hút 6.503 lao động tham gia sản xuất hóa mỹ phẩm, cơ khí luyện kim, kim khí điện máy; vật liệu xây dựng và nhóm các mặt hàng khác.

Nhờ tiếp quản trọn vẹn Khu kỹ nghệ Biên Hòa và các cơ sở kinh tế khác, chính quyền cách mạng nước ta bước vào thời kỳ phục hồi sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Những người tiên phong

Rời Hội Sử học tỉnh Đồng Nai, chúng tôi đến căn nhà nhỏ nằm cách mặt đường Hà Huy Giáp (khu phố 1, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa) chừng hơn 50m, nơi sinh sống của ông Nguyễn Đình Hoàng, kỹ sư hóa – thực phẩm đời đầu của ngành Công nghiệp Đồng Nai sau giải phóng năm 1975. Sau khi nghỉ hưu, ông Hoàng còn sáng tác thơ, văn với một niềm đam mê tột bậc và với ông, KCN Biên Hòa là “một thời mãi nhớ” được ghi chép kỹ lưỡng trong cuốn tự truyện cùng tên.

Ông chia sẻ: “Tôi đến Ty Công nghiệp Đồng Nai nhận việc đầu tháng 10/1975, được biên chế ở Phòng Kỹ thuật công nghiệp. Trách nhiệm của chúng tôi lúc tiếp nhận chuyển giao từ Ủy ban Quân quản sang quản lý của UBND Cách mạng là phải nắm chắc, tìm hiểu kỹ Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Tình hình máy móc, thiết bị, vật tư và nguyên liệu tồn trữ cho sản xuất, nắm vững công nghệ chế biến của các doanh nghiệp”.

Nhiều xí nghiệp, nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 đặt ven sông Đồng Nai. (Ảnh: Nguyên Dũng)

Nhiều xí nghiệp, nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 đặt ven sông Đồng Nai. (Ảnh: Nguyên Dũng)

Từ ngoài Bắc mới chuyển vào, ông Hoàng và đồng nghiệp đọc tên ghi trên các bảng chỉ đường, hướng vào các công ty hay trong các tài liệu hồ sơ, lúc đầu ông hơi bị “khựng” để suy đoán từ tên sang nhiệm vụ sản xuất của công ty. Những cái tên nghe mới lạ, như Vikyno (Việt Nam kỹ nghệ nông cơ), Vilaplyco (Việt Nam ván ép công ty) nhưng cũng thành quen.

Tháng 5/1976, ông Hoàng nhận quyết định rời Phòng Kỹ thuật về Nhà máy Satico (công ty sản xuất tinh bột) với chức danh Phó Ban Kỹ thuật với nhiệm vụ hoàn chỉnh thiết kế và xây dựng Công ty Satico thành Nhà máy sản xuất tinh bột làm bột ngọt, mì ăn liền, bánh phồng tôm, mạch nha.

Là kỹ sư thực phẩm, ông Hoàng cũng ấn tượng với Công ty sản xuất bột ngọt (mì chính) Ajinomoto theo công nghệ Nhật Bản hoàn toàn mới, hấp dẫn và nguyên liệu chính để sản xuất ra bột ngọt là tinh bột, chủ động được nguyên liệu, giá thành rẻ hơn rất nhiều, hầu như không thể thiếu trong bữa ăn của các gia đình.

Cuối năm 1976, KCN bừng lên khí thế phục hồi sản xuất, các nhà máy Trung ương quản lý sản xuất bột ngọt, vỏ ruột xe, xe đạp lần lượt cải tiến những bộ phận, thiết bị phù hợp, như: Taluco (sản xuất vỏ ruột xe hiệu Miceline), xí nghiệp may Quốc y trang, cán sắt Vicasa, gỗ dán Vinaplyco lần lượt tỏa khói trên bầu trời.

KCN Biên Hòa sôi động hơn, khí thế hơn nhưng việc đưa vào sản xuất tựa gánh nặng ngàn cân bởi những khó khăn chồng chất. Trước hết là nguyên vật liệu, vật tư thiếu trầm trọng do bị cấm vận; Liên Xô và khối Đông Âu giúp đỡ chỉ đủ để duy trì sản xuất các xí nghiệp quốc doanh ở các tỉnh phía Bắc, nay lại san sẻ, hỗ trợ thêm các tỉnh phía Nam.

Nhiên liệu thiếu, điện thiếu nên bị cắt điện luân phiên, ngay cả các xí nghiệp sản xuất bằng nguyên liệu trong nước không có điện cũng phải dừng hoạt động.

Đứng trước khó khăn, Ty Công nghiệp Đồng Nai sau khi đã tăng cường thêm đội ngũ cán bộ có trình độ quản lý kinh tế và kỹ thuật thì lần lượt nhận lệnh xuống cơ sở để xây dựng lại các xí nghiệp đã được giao “có tên nhưng chưa có tuổi”. Những người tiên phong khi đó có ông Ba Đức, Bảy Phước, kỹ sư Hồ Chất về đặt nền móng đầu tiên cho Nhà máy cơ khí Biên Hòa; ông Ba Tơ, ông Bi và ông Minh về thành lập Công ty Vật tư công nghiệp. Hay các ông Phan Văn Sảnh, Nguyễn Xuân Ba rời Phòng Tổ chức – Hành chính về xây dựng và điều hành Nhà máy ắc quy Biên Hòa… Đặc biệt, ông Ba Đại tình nguyện rời Ty Công nghiệp về mặt bằng cũ của Nhà máy dệt Thành Tâm ở Hố Nai nhặt nhạnh máy móc đã tháo bỏ ném đi ráp lại, chế tạo thêm để cho ra đời Nhà máy dệt Thống Nhất.

Gian khó bủa vây

Ông Hoàng kể tiếp, sau năm 1975, bước sang thời kỳ UBND cách mạng tiếp nhận, quản lý là thời kỳ chuẩn bị ổn định sản xuất.

Cũng bấy nhiêu con người, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và được tăng cường thêm cán bộ kinh tế và kỹ thuật từ các Bộ, các Tổng Cục, các địa phương kết nghĩa từ ngoài Bắc, KCN Biên Hòa sôi động hơn và có khí thế hơn nhưng việc đưa khu công nghiệp này vào sản xuất là cả “gánh nặng tựa ngàn cân”. Những nhà máy lớn được chuyển giao các Bộ, như Bộ Công nghiệp nhẹ có Công ty Vikyno (chế tạo nông cụ), Cogivina (sản xuất giấy); Bộ Lương thực – Thực phẩm quản lý những nhà máy chế biến thực phẩm, đồ hộp, sữa và bột ngọt Ajinomoto, nhà máy đường Biên Hòa, nhà máy sữa bột Dielac, nhà máy cà phê hòa tan Nescafe; Tổng cục Hóa chất cũng “nhận vào phần mình” những nhà máy sản xuất hóa chất, nhà máy sản xuất hơi hàn gió và những xí nghiệp chế biến cao su.

Kỹ sư Nguyễn Đình Hoàng chia sẻ về những ngày đầu tiên tham gia xây dựng nhà máy, xí nghiệp tại KCN Biên Hòa. (Ảnh: Ly An)

Kỹ sư Nguyễn Đình Hoàng chia sẻ về những ngày đầu tiên tham gia xây dựng nhà máy, xí nghiệp tại KCN Biên Hòa. (Ảnh: Ly An)

Khi ấy, hệ thống sản xuất trong KCN Biên Hòa bị phân tán sản xuất, ngành Công nghiệp phụ trợ gần như bị mất vì không có thiết bị, phụ tùng thay thế, nhiều nhà máy phải “đắp chiếu”. Nhà máy cà phê hòa tan Nestle (Vinacafe), Công ty sữa Dielac là những đơn vị có công nghệ hiện đại nhưng chưa sản xuất thử và cũng không có hồ sơ kỹ thuật. Các Bộ, Tổng cục của Trung ương chê nhưng “bỏ thì thương, vương thì tội” và Ty Công nghiệp Đồng Nai đã nhận lấy lập dự án, xin kinh phí xây dựng và phát triển nhà máy, xí nghiệp của tỉnh Đồng Nai.

Bài 2: Cho những công trình vươn cao

Nguyên Dũng - Ly An

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-1-dau-an-khu-cong-nghiep-dau-tien-381715.html