Bài 1: Để các dự án nguồn điện tăng tốc
Nhắc đến các dự án truyền tải điện, cần phải khẳng định trước hết là sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan, quản lý các quy hoạch chuyên ngành. Việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý quy hoạch đã ảnh hưởng không nhỏ đến chậm trễ kéo dài dự án, thậm chí có dự án nguồn điện phải đắp chiếu không thể lên lưới vì thiếu đường dây.
Trong thực tế nhiều năm qua, các dự án đường dây và trạm biến áp được thực hiện đến bước xây dựng (xong bước thiết kế kỹ thuật) triển khai thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng thì phát hiện dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất, do không có trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh. Vì vậy phải thực hiện các thủ tục bổ sung, chờ Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Để khắc phục khó khăn vướng mắc và giải quyết nguyên nhân trên, ngoài việc tăng cường cơ chế phối hợp và vai trò trách nhiệm của các cơ quan nhà nước tại trung ương và địa phương. Luật Điện lực cần có quy định về trách nhiệm của UBND tỉnh/thành phố trong việc rà soát cập nhật danh mục dự án quy hoạch điện (QHĐ) quốc gia, QHĐ tỉnh vào quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, bố trí quỹ đất để thực hiện dự án điện.
Theo Chuyên gia cao cấp Năng lượng Nguyễn Thái Sơn - Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Luật Quy hoạch 2017 có nhiều nội dung về bổ sung điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với thực tế của nền kinh tế đang phát triển.
Ông Nguyễn Thái Sơn cho rằng, với đất nước đang trong giai đoạn phát triển nóng, việc phát triển phụ thuộc nhiều vào chính sách kêu gọi đầu tư, khuyến khích đầu tư thì việc bổ sung điều chỉnh cục bộ cả về quy mô các dự án điện là không tránh khỏi trong quá trình phát triển để đáp ứng nhu cầu điện của các phụ tải. Việc quy định thủ tục bổ sung quy hoạch phức tạp và hầu như không thể bổ sung quy hoạch không theo định kỳ sẽ là rào cản cho việc thu hút đầu tư và kịp thời cấp điện. Việc tích hợp mạng lưới phần điện vào quy hoạch cấp tỉnh không đảm bảo tính linh hoạt cho việc đáp ứng nhu cầu phụ tải điện.
Để khắc phục tình trạng trên, Luật Điện lực cần bổ sung nội dung áp dụng thực hiện bổ sung điều chỉnh quy hoạch cục bộ (không theo chu kỳ) và quy định giải pháp phạm vi danh mục dự án điện (nguồn điện trên 50 MW và lưới truyền tải không thuộc quan trọng ưu tiên đầu tư) thuộc QHĐ quốc gia và danh mục dự án điện (nguồn điện dưới 50 MW và lưới phân phối) tích hợp thuộc quy hoạch tỉnh.
Mặt khác, một số quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng trong các văn bản quy phạm pháp luật (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện) bị chồng chéo, không rõ ràng làm ảnh hưởng đến hiệu lực Luật và ách tắc dự án, nguyên nhân chính là các cơ quan xây dựng quy định pháp luật không đồng bộ, có thể chậm đổi mới, người soạn thảo luật chưa sát thực tế và có xu hướng thâu tóm quyền quản lý có lợi cho cơ quan phụ trách soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thực tế triển khai công trình đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đã phải mất thời gian 3 năm 6 tháng để cho quy trình thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (EVN trình Thủ tướng Chính phủ về hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2016 và được Bộ Công Thương thẩm định báo cáo TTCP, sau nhiều năm luẩn quẩn ý kiến tham mưu của Bộ Kế hoạch đầu tư, với nhiều văn bản qua lại của TTCP giao UBQLVNN tại Doanh nghiệp xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, cuối cùng, sau gần 4 năm kể từ khi EVN trình lần đầu, UBQLVNN tại DN mới có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào năm 2020).
Để khắc phục tình trạng trên cần khẩn trương sửa đổi bổ sung các Luật tương ứng theo hướng quy định rõ ràng các thủ tục và cơ quan giải quyết các thủ tục, tránh đùn đẩy trách nhiệm, đồng thời chú trọng phân cấp nhiều hơn cho người quản lý doanh nghiệp, tăng tính chủ động của doanh nghiệp khi thực hiện các dự án.
Trong công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng, các quy định hiện hành yêu cầu phải thực hiện các bước thẩm định tại các Cơ quan Quản lý Nhà nước từ giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến Báo cáo nghiên cứu Khả thi, Thiết kế cơ sở, Thiết kế khả thi hoặc Thiết kế bản vẽ thi công… Đó là chưa kể các thủ tục về thẩm định các chuyên ngành khác, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án. Thực tế là nhiều dự án các thủ tục này có tính hình thức như các dự án mở rộng công suất trạm biến áp, treo dây mạch 2 trên đường dây mạch một hiện có, nâng cấp hệ thống nhị thứ trạm biến áp…
Nguyên nhân chính của nhiều thủ tục trên là do “quan điểm chỉ đạo” của các cấp quản lý, không chỉ gây phức tạp không đáng có cho dự án mà còn có dấu hiệu “nhũng nhiễu doanh nghiệp - chuyên gia Nguyễn Thái Sơn nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng trên cần xem xét sửa đổi bổ sung các văn bản quy định pháp luật tương ứng theo hướng quy định trách nhiệm rõ ràng của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời chú trọng phân cấp nhiều hơn cho người quản lý doanh nghiệp, tăng tính chủ động của doanh nghiệp khi thực hiện các dự án. Cũng như điều chỉnh quy định về phân cấp công trình xây dựng điện, phù hợp với khối lượng đầu tư và mô hình quản lý của ngành điện.
Như vậy, để "dọn đường" cho các dự án truyền tải điện làm nhanh hơn, hiệu quả hơn đòi hỏi sự thay đổi tiếp cận và cách giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý bao gồm Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các luật liên quan. Chỉ có sự quan tâm thực sự của cả hệ thống chính trị mới có thể giải quyết 50% sự chậm chạp của hệ thống điện quốc gia.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-1-de-cac-du-an-nguon-dien-tang-toc-690872.html