Bài 1: 'Điểm sáng' hàng Việt Nam ở thị trường nước ngoài

Sau 2 năm triển khai, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đã kiên định mục tiêu đưa hàng Việt Nam xuất khẩu bền vững ra nước ngoài.

Điểm sáng xuất nhập khẩu

Xuất nhập khẩu được coi là điểm sáng trên bức tranh kinh tế cả nước. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu đạt 37,79 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 265,44 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiều ngược lại, nhập khẩu ghi nhận kim ngạch 33,74 tỷ USD trong tháng 8, giảm nhẹ 0,4% so với tháng trước.

Lũy kế hết tháng 8, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 246,87 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế. Ảnh: Cấn Dũng

Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế. Ảnh: Cấn Dũng

Như vậy, từ đầu năm đến hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 512,31 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư 18,57 tỷ USD.

Trong giai đoạn gần 40 năm kể từ khi chúng ta mở cửa hội nhập đến nay, xuất nhập khẩu luôn là lĩnh vực tăng trưởng rất mạnh vì nước ta đưa ra chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ đó, hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước xuất khẩu lớn thứ 20 trên thế giới trong số 240 nền kinh tế. Hiện nay, chúng ta đứng top đầu thế giới trong nhiều mặt hàng như: Gạo, cà phê, hạt điều, dệt may, da giày…

Tuy nhiên, xuất khẩu của chúng ta còn nhiều hạn chế, trong đó, lớn nhất là phát triển chưa bền vững, kim ngạch xuất khẩu tuy cao nhưng giá trị gia tăng không cao vì xuất khẩu vẫn tập trung số lượng chứ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường hiện nay tập trung quá lớn vào một số thị trường trọng điểm và các sản phẩm chủ lực.

Trong bối cảnh thị trường thế giới thay đổi đang đặt ra những yêu cầu mới cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được xây dựng trong bối cảnh các cơ quan chức năng đã nhận diện kinh tế thế giới sẽ có những biến động tương đối khó lường và phức tạp, đòi hỏi hoạt động xuất nhập khẩu cần phải có những đổi mới theo kịp với thực tế. Do đó, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa cũng đặt ra những yêu cầu, những mục tiêu phát triển bền vững lên hàng đầu.

Theo Chiến lược này, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hướng tới 3 mục tiêu xuyên suốt. Thứ nhất, phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; gắn với thương mại xanh và thương mại công bằng, với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, tuần hoàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.

Thứ ba, phát triển xuất nhập khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Đáng chú ý, mục tiêu xuyên suốt của Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đó là phát triển bền vững, với sự cân đối, hài hòa về cả chủ thể xuất khẩu, thị trường xuất khẩu. Đồng thời, phát huy lợi thế cạnh tranh, tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết; phát huy vai trò, vị thế của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu để tiếp tục coi xuất khẩu là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Sau 2 năm thực hiện chiến lược, chúng ta đã chuyển dịch tương đối thành công cơ cấu hàng hóa xuất khẩu khi đã tăng được tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như tăng tỷ trọng mặt hàng chế biến, giảm tỷ trọng mặt hàng sơ chế, nguyên liệu khoáng sản. Hiện nay, tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm khoảng 87-88% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm khoáng sản và nông sản chỉ chiếm khoảng 12%.

“Cơ cấu mặt hàng ngày càng đa dạng về chủng loại, quy mô hàng hóa xuất khẩu tăng cao. Đồng thời, chúng ta cũng phát triển được một số mặt hàng mới như dụng cụ, phụ tùng, đồ chơi. Hay với rau quả, chúng ta thấy sự nổi bật của mặt hàng sầu riêng” – bà Nguyễn Cẩm Trang nêu rõ.

Về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong những năm qua, khi các thị trường lớn, thị trường truyền thống của chúng ta gặp khó khăn do lạm phát tăng cao và nhu cầu tư các thị trường này giảm, chúng ta cũng đã rất thành công khi duy trì tăng trường xuất khẩu tại các thị trường Tây Á, Đông Âu, châu Phi.

Năm 2023, khi khu vực thị trường châu Âu gặp khó khăn, chúng ta đã tận dụng được cơ hội từ việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này. Từ đó, đóng góp rất tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu chung của toàn ngành.

Dưới góc độ chuyên gia, TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương nhận định, qua 2 năm thực hiện Chiến lược, chất lượng hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được nâng cao, thể hiện ở dù kinh tế thương mại thế giới khó khăn trong suốt 2 năm 2022 - 2023, song ta đã đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu, đặc biệt là thanh long, dừa, vải, nhãn, gạo, cà phê… được đẩy mạnh xuất khẩu với giá cao hơn nhiều, vào được các thị trường khó tính, khắt khe, nghiêm ngặt như: Mỹ, EU, Nhật Bản…

“Vì sao nông sản của nước ta vào được các thị trường này? Vì chất lượng nông sản đang không ngừng được nâng lên và uy tín được tạo dựng. Để tạo được uy tín thì nông sản đã đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn khắt khe mà các thị trường đưa ra. Trước đây, ta chưa đạt được thì nay đã đạt được” – TS. Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Doanh nghiệp vào cuộc

Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp xuất khẩu cũng nỗ lực đưa ra thị trường nhiều sản phẩm khác như dệt may, da giày với giá cả cạnh tranh, quy trình sản ngày càng tiên tiến hơn, sản phẩm đa dạng hơn theo hướng xanh hóa và nâng cao chất lượng.

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 28,32 tỷ USD, tăng 6,19% so với cùng kỳ 2023. Dự báo, xuất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới nhờ nỗ lực nâng cao chất lượng và “xanh hóa” sản phẩm.

Các doanh nghiệp nỗ lực "xanh hóa" sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Các doanh nghiệp nỗ lực "xanh hóa" sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Đơn cử, Tổng công ty May 10 đã triển khai việc xanh hóa sản xuất trong khoảng 3 năm qua, bằng những việc làm cụ thể như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng, hay như đầu tư nhiều vào hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái, liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm từ tái chế, từ thiên nhiên để đảm bảo tỷ trọng xuất xứ nguyên liệu từ sợi trong cấu thành của sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng.

Theo ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, việc xanh hóa trong sản xuất đã không còn là việc muốn hay không mà đến nay đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Việc dần thích ứng của doanh nghiệp Việt sẽ giúp xuất khẩu hàng hóa bền vững.

Ngay cả trong quá trình sản xuất, những nhiên liệu đầu vào đốt bằng than cũng đang được chuyển đổi sang nhiên liệu bằng điện sinh khối để đảm bảo khí thải carbon được ít nhất. Dự kiến, trong năm 2024, nếu toàn bộ dự án của May 10 đi vào hoạt động sẽ giúp giảm phát thải được hơn 20 nghìn tấn carbon ra môi trường.

Hoặc, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) áp dụng các giải pháp giảm thiểu carbon khi đo lường dấu chân carbon trong vòng đời sản phẩm; đồng thời xây dựng chiến lược sản xuất xanh, tuần hoàn. Đến nay, về môi trường, lượng điện sử dụng trong các thành viên tập đoàn giảm 2% so với năm 2022 trên một đơn vị sản phẩm.

Đối với nông sản, ở Đồng bằng sông Cửu Long, những cánh đồng liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap, giữa doanh nghiệp với nhà nông liên tục được mở rộng trong những năm gần đây. Dù là bao tiêu theo giá thị trường hay thỏa thuận kí kết với mức cố định, mô hình liên kết này vẫn cho hiệu quả nhất định.

"Gạo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì mới vào châu Âu được. Kể cả Mỹ cũng thế, nếu có những chất cấm là người ta loại ra ngay", ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhấn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo sang một số thị trường khu vực Âu Mỹ đã ghi nhận mức tăng đột biến trong nửa đầu năm nay khi đạt con số tăng trưởng cao, lên đến gần gấp đôi so với cùng kỳ.

Khu vực Âu Mỹ mặc dù không phải là thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có khả năng xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử, tận dụng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP... Tiếp tục khai thác có hiệu quả và mở rộng thị trường, Việt Nam xác định phát triển theo hướng trở thành nhà cung cấp phân khúc gạo cao cấp, tập trung xuất khẩu sang khu vực Âu Mỹ các loại gạo thơm, giá trị cao, là đặc sản, có thương hiệu của Việt Nam. Đồng thời, phát triển các sản phẩm chế biến từ gạo như phở, bún, bánh đa… để mang lại hiệu quả tốt hơn.

Bài 2: Chuẩn hóa hàng Việt, kiên định mục tiêu xuất khẩu xanh

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-diem-sang-hang-viet-nam-o-thi-truong-nuoc-ngoai-348074.html