Bài 1: Đòn bẩy xây dựng nông thôn mới

Nền tảng tài chính vững chắc; luôn dẫn đầu trong đầu tư cho 'Tam nông'; không ngừng đổi mới, sáng tạo sản phẩm dịch vụ; thái độ phục vụ tận tình… là những yếu tố khiến Agribank Quảng Nam trở thành một phần không thể thiếu của bà con nông dân xứ Quảng. Với họ, Agribank không chỉ là bệ đỡ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển mà còn là nơi đồng hành tin cậy trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Tạo đà cho dân bứt phá

Ông Hồ Viết Ký, thôn 3, xã Tiên Sơn hồ hởi dẫn chúng tôi tới thăm vườn tiêu vừa thu hoạch. Năm nay, tiêu được mùa và vẫn giữ giá, làm ra chỉ 150.000 - 200.000 đồng mà bán thô cũng được 400.000 - 500.000 đồng/kg. “Lãi hơn gấp đôi mà không có tiêu để bán. Còn gì mừng hơn nữa!” - ông Ký nói.

Hộ vay Hồ Viết Ký thôn 3, xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, Quảng Nam giới thiệu cách chăm sóc vườn tiêu sau thu hoạch với cán bộ Agribank Ảnh: Đức Kiên

Hộ vay Hồ Viết Ký thôn 3, xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, Quảng Nam giới thiệu cách chăm sóc vườn tiêu sau thu hoạch với cán bộ Agribank Ảnh: Đức Kiên

Đến 30.6.2022, tổng dư nợ cho vay của Agribank Quảng Nam đạt 15.636 tỷ đồng, tăng 604 tỷ đồng so với cuối năm 2021 (+4,02%), đạt 99,47% kế hoạch quý II.2022; đạt 98,96% kế hoạch năm theo số dư cuối và đạt 78,63% kế hoạch tăng trưởng năm.

5ha tiêu được ông Hồ Viết Ký đầu tư hơn 3 tỷ đồng, trong đó có đến 2 tỷ đồng là vốn vay của Agribank từ năm 2018 nay đã cho thu hoạch. Tiêu sẻ Tiên Phước là giống tiêu bản địa, có mặt tại xứ Quảng từ thế kỷ XVII và là loại tiêu có vị thơm, cay đặc trưng, khó có loại tiêu nào sánh kịp. Chính vì vậy, giá tiêu Tiên Phước luôn cao hơn giá tiêu thường trên thị trường 5 - 7 lần. Đó cũng là lý do để những người trồng tiêu ở Tiên Phước như ông Ký chấp nhận năng suất thấp để duy trì trồng tiêu hữu cơ theo phương pháp truyền thống, không bón phân hóa học, không chăm sóc nhiều để sản phẩm tiêu giữ được hương vị đặc trưng của đất rừng Tiên Phước.

Ông Hồ Viết Ký chia sẻ, làm nông nghiệp bấp bênh, đặc biệt sản xuất trên đất đồi rừng cần phải đầu tư lớn mà thời gian thu hoạch lâu nên nếu không có ngân hàng đồng hành, nông dân không thể duy trì sản xuất và trụ vững với nghề được. Trong xã, có không ít trường hợp đã đầu tư sản xuất nhưng trong khi chờ thu hoạch, không có vốn duy trì, phát triển vườn cây nên đi vay nóng, dần dần lãi mẹ đẻ lãi con, phải bán cả đất đai, vườn đồi...

Không chỉ đồng hành với nhà nông, sự chia sẻ của ngân hàng đã giúp không ít hộ nông dân, doanh nghiệp vực dậy sản xuất, chăn nuôi với chính sách hỗ trợ lãi suất kịp thời sau 2 năm lao đao vì dịch Covid-19. Nhờ chính sách giảm 10% lãi suất hiện hành của Agribank, với dư nợ 3 - 5 tỷ đồng tùy thời điểm, ông Cao Văn Đà ở xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) đã có thể duy trì chuồng trại và tái đàn cho trang trại chăn nuôi gà 15.000m2 với năng suất 60.000 con/lứa.

Theo ông Đà, dù giá thức ăn chăn nuôi, con giống và nhân công thời gian qua đều tăng nhưng nhờ có hợp đồng 3 bên với đối tác thu mua sản phẩm và đối tác cung ứng vật tư nên lợi nhuận có giảm chút ít nhưng tính chung hiệu quả đầu tư của trang trại vẫn tốt. Hiện, ông Đà đang tiếp tục đầu tư 28 tỷ đồng xây dựng thêm một cơ sở khác quy mô lên tới 30.000m2 chuồng trại hiện đại theo quy trình công nghệ cao, kết hợp với hệ thống năng lượng mặt trời, vừa cung cấp phục vụ trang trại chăn nuôi, vừa bán điện lưới. “Tất nhiên, chúng tôi rất cần sự đồng hành của Agribank!” - ông Đà khẳng định.

Trên hết là sự thấu hiểu…

Được biết, Agribank chi nhánh huyện Tiên Phước, Quảng Nam luôn là đơn vị dẫn đầu về doanh thu trong hoạt động của toàn hệ thống Agribank. Vậy điều gì đã giúp Chi nhánh giữ vững thành tích cao trong nhiều năm như vậy?

Giải đáp câu hỏi trên, ông Phạm Đức Dũng - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Tiên Phước, Quảng Nam cho biết, mạng lưới giao dịch rộng với đội ngũ cán bộ là người địa phương đã giúp chi nhánh bám sát tình hình thực tế của khách hàng để tìm hiểu nhu cầu sử dụng vốn. Đặc biệt, sự liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương để nắm bắt định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế đã hỗ trợ hoạt động của Agribank sát với thực tế nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất. Song, trên hết cả là sự gần gũi, thấu hiểu và đồng hành để giải quyết nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng, kịp thời.

Thực tế, không chỉ riêng chi nhánh Tiên Phước, TP. Tam Kỳ hay thị xã Điện Bàn mà 100% các chi nhánh của Agribank trên địa bàn Quảng Nam đều ở tình trạng cán bộ ít, địa bàn rộng. Có những xã cách trung tâm huyện đến 25 - 30km, yêu cầu nghiệp vụ phải kiểm tra, thẩm định kỹ nhưng thời vụ nông nghiệp cũng rất nhanh, nếu không tích cực, kịp thời hoàn thiện thủ tục để giải ngân nguồn vốn vay cho người dân kịp thời vụ sản xuất thì đồng vốn không mang lại hiệu quả, người dân không có niềm tin và gắn bó với ngân hàng.

Chia sẻ với những khó khăn và tình trạng quá tải mà các cán bộ Agribank Quảng Nam nói chung, Agribank thị xã Điện Bàn nói riêng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Thị Thúy Hằng đánh giá cao những đóng góp của Agribank đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thị xã. Agribank Điện Bàn là một trong những đơn vị thực hiện rất tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương cũng như của Thị ủy, HĐND, UBDN thị xã Điện Bàn. Nhiều mô hình kinh tế, mô hình an sinh do Agribank đầu tư đã mang lại hiệu quả cao, được Nhân dân tin tưởng, đón đợi.

“Điện Bàn là địa phương về đích nông thôn mới rất sớm - từ năm 2016. Kết quả này có đóng góp rất lớn của Agribank. Hiện nay, chúng tôi đang trên đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và sẽ hoàn thành vào năm 2025. Hơn lúc nào hết, chính quyền, bà con thị xã Điện Bàn rất cần sự chung tay, đồng hành của Agribank để đích đến nông thôn mới kiểu mẫu sẽ về đúng hẹn!” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Thị Thúy Hằng mong muốn.

Thật không uổng khi đến xứ Quảng vào tháng 7 - thời điểm cái nắng chát chúa nhất! Đến để tận mắt thấy nghị lực, tình yêu của bà con nông dân đối với quê hương. Đến để thấy sự tận tâm của những cán bộ dẫn vốn nông nghiệp. Chính tình yêu, nghị lực và sự gắn bó này đã đưa Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển, vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế đạt gần 103 nghìn tỷ đồng (năm 2021), tăng gấp 14,5 lần so với năm 2004; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm…

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/bai-1-don-bay-xay-dung-nong-thon-moi-i298010/