Bài 1: Đừng để 'vướng' kéo dài

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh, để không phải lâm vào tình cảnh 'sợ nên không dám làm' thì khi xuất hiện tình huống, cán bộ, công chức phải xem xét kỹ công việc này như thế nào, trách nhiệm ở đâu, thẩm quyền thế nào. Cán bộ phải 'thuộc bài' để làm đúng vai trò của mình. Việc gì trong thẩm quyền thì tự giải quyết, việc gì còn băn khoăn hoặc vượt thẩm quyền thì báo cáo lên cấp trên. Nhưng quan trọng là phải trả lời 'có làm được hay không' để không gây chậm trễ, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và kể cả trong hệ thống của mình…

Vực dậy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, phải đi đôi với “dám nghĩ, dám làm” của cán bộ, công nhân viên chức, lãnh đạo Ban, ngành. Nhiều trường hợp lâu nay “vướng” về thủ tục, pháp lý, ngay cả việc kéo dài của cơ quan quản lý cũng gây ra vô cùng khó khăn cho người dân sở hữu tài sản…

CHỜ MỎI MÒN…

Phản ánh đến Chuyên đề Công an TPHCM, ông N.D.T (ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) bức xúc, vốn gom góp mua được căn nhà tại Q2 (nay là TP.Thủ Đức, TPHCM), nhiều năm qua vẫn không thể nào hoàn thành thủ tục “hoàn công”. Trong khi đó, nhiều nhà tương tự trong khu vực của ông T. đã có giấy tờ hoàn công đầy đủ. Mặc dù vất vả, bỏ nhiều thời gian và công sức để tiến hành hàng loạt thủ tục, đủ cơ sở theo yêu cầu của cán bộ UBND, nhưng vẫn phải… chờ.

Cùng với đó, bao nhiêu vốn liếng, tiền bạc tập trung vào mua ngôi nhà cũng chung “số phận” là không thể nào xoay sở. Tình hình năm 2023 càng khó khăn về kinh tế, ông T. muốn vay ngân hàng, tài sản thế chấp là ngôi nhà cũng “kẹt cứng” vì không có giấy tờ hoàn công đẩy đủ. Ngôi nhà là tài sản cả đời vợ chồng ông T. gom góp mới có được, nhưng giao dịch mua bán cũng không xong, bởi giá cả thị trường đã “đông cứng”. Hơn nữa, nếu có người hỏi mua thì họ cũng “bỏ chạy” bởi vướng giấy tờ hoàn công như hiện nay. Vướng phải lời hứa “chờ” cứ kéo dài mà ông T. ngậm ngùi chờ vào sự đổi thay, dám nghĩ, dám làm của cơ quan quản lý Nhà nước, bởi toàn bộ giấy tờ đều đầy đủ, nhưng không ai dám ký, không ai dám làm, người dân như ông T. càng khó khăn…

Tương tự, trường hợp ông N.Q.A (ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM), mua căn hộ chung cư cao cấp 5 tỷ đồng, nhưng giấy tờ sở hữu nhà vẫn chưa được cấp. Như vậy, đồng nghĩa với toàn bộ giao dịch đều ngưng trệ. Khi khó khăn, ông A. muốn giao dịch căn hộ để trang trải cuộc sống, cũng như mua lại căn hộ với giá tiền ít hơn, nhưng ai hỏi mua cũng yêu cầu giấy tờ nhà chủ sở hữu, nên tình trạng chậm, trì hoãn, kéo dài thời gian các thủ tục pháp lý về căn hộ như ông A. cũng chờ mỏi mòn nhiều năm qua.

Đừng để người dân khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh minh họa

Đừng để người dân khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh minh họa

CẦN VÀO CUỘC QUYẾT LIỆT

Trong nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp bị “vướng” nguyên nhân về pháp lý, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các Ban, ngành TPHCM và TP.Thủ Đức. Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) có báo cáo nhanh kết quả giải quyết vướng mắc của 156 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị trên địa bàn TPHCM, cho thấy nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chủ tịch UBND TPHCM - Phan Văn Mãi, các Phó Chủ tịch UBND và lãnh đạo các Sở, ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức, mà việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn, nhất là vướng mắc pháp lý của 156 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn TPHCM bước đầu đã đạt được một số kết quả rất tích cực.

Theo HoREA, hầu hết trong số 156 dự án thuộc diện rà soát pháp lý đều có tính chất phức tạp, đã được xử lý qua nhiều thời kỳ, vướng nhiều quy định pháp luật do thiếu tính đồng bộ, thống nhất, hoặc do chưa được pháp luật quy định. Trong đó, có những dự án nguồn gốc đất công do Nhà nước quản lý theo chủ trương sắp xếp, xử lý tài sản công, di dời nhà xưởng ô nhiễm hoặc do thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định, hoặc dự án bị vướng do phải rà soát lại việc tính tiền sử dụng đất, tiền sử dụng đất bổ sung, dẫn đến bị dừng triển khai thực hiện dự án, bị dừng huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Hoặc bị vướng do việc xử lý phần tài sản thuộc sở hữu Nhà nước còn lại trong các dự án xây dựng lại nhà chung cư cũ như phần diện tích đất công nằm ngoài ranh khối, đến xây dựng nhà chung cư hoặc phần diện tích xây dựng thuộc quyền sử dụng chung trong nhà chung cư được bán hóa giá nhà trước đây. Hoặc bị vướng mắc do việc điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để thực hiện chủ trương ưu đãi và chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại. Hoặc việc thực hiện trách nhiệm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha phải dành 20% diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện nghĩa vụ này bằng tiền…

Qua nhiều lần trực tiếp gặp và lắng nghe một số doanh nghiệp trình bày các khó khăn vướng mắc, đến nay đã có một số kết quả. Cụ thể, TPHCM đã xem xét và cho phép 5 tập đoàn, doanh nghiệp chủ đầu tư của 5 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị mới (trong đó có 1 tập đoàn bất động sản nước ngoài) được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 5 dự án này, tương đương với 5.432 căn hộ (trong đó có 2.989 căn hộ thuộc 1 dự án khu đô thị mới) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn trong lúc chờ kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án thuộc diện rà soát pháp lý mà chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trước đây.

TPHCM cần phát triển thị trường bất động sản mạnh mẽ.

TPHCM cần phát triển thị trường bất động sản mạnh mẽ.

“CÁN BỘ SỢ SAI LÀ CHÍNH ĐÁNG, NHƯNG KHÔNG PHẢI VÌ SỢ MÀ KHÔNG LÀM”

Đó là câu nhấn mạnh của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hàng Đảng bộ Thành phố khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra sáng 04/4/2023 vừa qua. Đây là vấn đề rất được nhiều người dân TPHCM và doanh nghiệp về bất động sản quan tâm, cũng như hy vọng được giải tỏa những vướng mắc. Rất cần sự vào cuộc và gỡ vướng cho nhiều trường hợp lẽ ra không đáng có để thúc đẩy một thị trường to lớn về phát triển kinh tế, đó là bất động sản.

Như trường hợp dự án khu nhà chung cư tại Q4, TPHCM đã được UBND TPHCM cho ý kiến chỉ đạo các Sở, ngành rà soát giải quyết để sớm giải tỏa vướng mắc. Hay theo HoREA cũng đã đề nghị UBND TPHCM và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận dứt điểm đối với nhiều dự án (6 dự án), để thị trường bất động sản có thể đón nhận thêm hơn 5.000 căn hộ nữa, giúp tăng nguồn cung nhà ở, tạo được dòng tiền cho các doanh nghiệp và tăng tính thanh khoản cho thị trường, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, HoREA đề nghị các Sở, ngành khẩn trương rà soát, trình UBND TPHCM xem xét giải quyết các dự án tương tự mà các chủ đầu tư cũng đề nghị được huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai, để từng bước khai thông thị trường bất động sản và bảo đảm tính công bằng cho các doanh nghiệp. HoREA cũng cho hay, UBND TPHCM đã tổ chức các cuộc họp chuyên đề, trong đó có chuyên đề về điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 để tháo gỡ vướng mắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại hiện nay.

Trong buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ngày 16/4/2023 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết được 50 dự án bất động sản bị vướng mắc pháp lý. Tuy nhiên, HoREA kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và TPHCM, nhất là thông qua sự phối hợp hoạt động hiệu quả của Tổ công tác của Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM thì hầu hết trong số 156 dự án này sẽ được giải quyết ngay trong năm nay (2023).

(Còn tiếp...)

Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hàng Đảng bộ Thành phố khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh tế - xã hội Thành phố quý I/2023 gặp nhiều khó khăn nên không đạt mục tiêu đề ra. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã đề nghị các đại biểu với tinh thần khách quan, cầu thị, đánh giá đúng mức những mặt khó khăn, những hạn chế với tinh thần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan. Một trong những nguyên nhân được Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nêu ra là việc thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt yêu cầu, chưa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, khiến các dự án chậm được triển khai, trong đó nhiều người có thái độ e ngại, né tránh, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Trước vấn đề này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc sợ sai, sợ vi phạm không phải hoàn toàn tiêu cực, cán bộ cần biết sợ để tránh những việc không nên làm. Phải biết cân nhắc tới rủi ro, bởi sai lầm trong công việc là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu vì sợ mà không làm gì thì đó không phải là sự chọn lựa tốt.

Quốc Phong - Duy Luân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/giai-quyet-vuong-mac-kho-khan-ve-phap-ly-nhat-la-trong-bat-dong-san_146622.html