Bài 1: Giàn trưởng 9X trên hành trình tìm lửa

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Khai thác dầu tại Đại học Dầu khí quốc gia Nga Gubkin với tấm bằng loại ưu, năm 2017, Lưu Thế Anh (SN 1994) trở về Việt Nam, bắt đầu công tác tại Liên doanh Vietsovpetro (Vietsovpetro), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chỉ sau 6 năm không ngừng học hỏi và nỗ lực, năm 2023, anh đã trở thành một trong những giàn trưởng trẻ tuổi nhất Petrovietnam khi mới bước vào tuổi 29.

Từ trước đến nay, cuộc sống ở những giàn khoan dầu khí trên biển rất ít người được biết. Bởi lẽ, hiếm người có thể ra được giàn khoan và những người thợ dầu khí cũng ít khi kể về mình...

Trong suốt cuộc trò chuyện trên nhà giàn giữa biển cả, hòa quyện với tiềng ì ầm của những con sóng, chàng kỹ sư trẻ quê Thái Bình Lưu Thế Anh say sưa kể về cuộc sống 21 ngày đêm giữa biển khơi. Trong ánh nhìn của người giàn trưởng, tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động trên nhà giàn đều luôn "cháy" hết mình với ước mong ước sẽ thắp sáng mãi ngọn lửa làm giàu, dựng xây đất nước.

Họ - những con người không ngủ, sẵn sàng "vượt nắng thắng mưa" đương đầu với những khó khăn, thử thách khắc khiệt của môi trường làm việc trên biển. Tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và vui mừng khi hoạt động sản xuất trên giàn được an toàn và hiệu quả.

Anh kể, cụm giàn MSP-6 có 62 cán bộ, công nhân viên; trong đó có 2 cán bộ người Nga. Những kỹ sư, công nhân trên giàn làm việc 12 tiếng một ngày, liên tục trong 21 ngày, về bờ nghỉ 21 ngày, rồi lại ra khơi. Người dầu khí gọi là chế độ "21 off" và "21 on".

Với vai trò giàn trưởng, Thế Anh chỉ đạo trực tiếp công tác vận hành và bảo dưỡng hiệu quả quỹ giếng khai thác, hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý dầu khí trên giàn cố định MSP-6 và 3 giàn nhẹ trực thuộc gồm BK ThTC-1, BK-19, BK-21.

Lặng lẽ hồi tưởng, Thế Anh vẫn nhớ như in cảm giác choáng ngợp xen lẫn tự hào khi lần đầu tiên đặt chân đến giàn MSP-6. Trước biển cả bao la, rộng lớn, anh thấy giàn khoan thật nhỏ bé nhưng cũng quá đỗi kiên cường. Sống và làm nhiệm vụ giữa biển khơi mênh mông, với thời tiết, điều kiện sống khắc nghiệt luôn đòi bản lĩnh và ý chí kiên cường của người kỹ sư trẻ.

Bước vào môi trường mới, tất nhiên những kiến thức lý thuyết từ giảng đường đại học không thể áp dụng ngay vào thực tế công việc được, nhận nhiệm vụ là kỹ sư vận hành, chàng trai 23 tuổi (thời điểm năm 2017 - PV) cũng không tránh khỏi những khó khăn, áp lực bởi khối lượng công việc, những điều phải học hỏi, làm quen rất lớn.

Nhận được sự đào tạo, hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo, anh em trong ca kíp vận hành, những ngày tháng đầu hầu như Thế Anh trực chiến ngoài hiện trường để đi nghiên cứu công nghệ, thiết bị và học hỏi các quy trình vận hành; những điểm chưa hiểu, chưa rõ anh không ngần ngại hỏi đàn anh có kinh nghiệm, các trưởng ca, kíp để nắm bắt và hiểu rõ sâu sát hơn.

Rồi những lúc bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị chàng trai trẻ cũng chủ động xin đi theo, nghiên cứu, hỏi han để tìm hiểu, nắm rõ hơn những công nghệ, hiểu sâu hơn nguyên lý của thiết bị, góp phần bổ sung kiến thức cho công tác vận hành.

Khi nghe tới dầu khí, đa phần người ta cho rằng người làm ở đó lương cao, chế độ đãi ngộ tốt... Tất cả các liệt kê trên đều đúng, đều là sự thật. Nhưng phía sau đó khó có thể diễn tả hết những khó khăn và thách thức mà những người lao động dầu khí trên các công trình biển đã và đang trải qua để giữ cho công trình vận hành an toàn, đảm bảo sản xuất.

Tiếp câu chuyện, Thế Anh kể: Một ngày của những người đàn ông giữa biển Đông bắt đầu từ 5h sáng. Từng bước đi giữa khối sắt thép phải được bảo hộ bằng giày mũi sắt, mũ bảo hộ, từng động tác làm việc đều phải cẩn trọng từng ly. Mọi việc đều có quy trình chặt chẽ, một vết đứt tay, một nốt sưng chân trên người anh em đều sẽ phải báo cáo, rà soát tìm cho ra nguyên nhân, rút kinh nghiệm toàn giàn.

"Với những người làm việc trên giàn khoan, tập trung cao độ để hoàn thành chính xác từng thao tác trong dây chuyền công việc là yêu cầu đầu tiên. Bởi chỉ cần không tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình công việc hoặc quy định về an toàn lao động giàn khoan thì tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhẹ thì dập tay, dập chân, hỏng mắt do mạt sắt và hóa chất bắn vào. Nặng thì rơi xuống biển khi trèo lên các bậc cầu thang dốc đứng, chênh vênh ngoài biển khơi", anh nói.

Cùng với đó, còn có những khoảng lặng đặc thù của công việc. Dù bây giờ, ngoài giàn khai thác dầu khí điều kiện ăn ở đã tốt hơn, nhưng người đi giàn luôn phải đối mặt với trạng thái lao động cường độ cao liên tục, căng thẳng, thậm chí nhiều người thợ dầu khí ngoài biển phải tìm đến bác sĩ tâm lý. Ngày ngày đối mặt với sóng cả, gió lớn và nỗi nhớ thương gia đình, vợ con.

Khi được hỏi làm việc trên giàn, kỷ niệm nào anh nhớ nhất? Anh bảo rằng, mỗi ngày cùng anh em, đồng đội lao động, cống hiến đều là kỷ niệm đẹp. Nhưng ấn tượng nhất là những dịp cùng nhau đón Tết giữa biển khơi.

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giàn xảy ra sự cố, phải huy động tất cả nhân lực làm việc xuyên ngày đêm. Khắc phục xong cũng là thời khắc Giao thừa. Tết năm đó mọi người chẳng kịp chuẩn bị gì, quần áo, mặt mũi lấm lem, nhưng tất cả đều cười hân hoan.

"Tuy đã quen nhưng cứ gần Tết hay vào đêm giao thừa, anh em cũng không tránh khỏi tâm trạng nhớ nhà, nhớ gia đình. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là niềm tự hào đã góp một phần nhỏ trong duy trì sự hoạt động thường xuyên, liên tục của ngành dầu khí trên biển nói chung và của Vietsovpetro nói riêng, duy trì ngọn đuốc của ngành Dầu khí được thắp sáng liên tục trên biển Đông”, Thế Anh tâm sự.

Là người quản lý, kiểm soát tất cả các hoạt động và công việc trên giàn, giàn trưởng có trách nhiệm bảo đảm hai mục tiêu quan trọng hàng đầu là an toàn và hiệu suất vận hành luôn ở mức cao. Anh tiếp nhận ý kiến từ tất cả các bộ phận, đưa ra quyết định để khắc phục các sự cố nhanh nhất có thể tránh để xảy ra tai nạn ảnh hưởng con người và thiết bị cũng như tránh để dừng giàn ngoài kế hoạch.

Bên cạnh đó, anh còn có nhiệm vụ làm việc với trưởng các bộ phận trên giàn và các phòng ban trong bờ để đưa ra kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trên giàn, triển khai các dự án. Nghiên cứu đưa ra giải pháp, sáng kiến hoặc lựa chọn các giải pháp, sáng kiến từ các nhân viên ngoài biển và trong bờ để tiến hành khắc phục sự cố hoặc cải hoán thiết bị, hệ thống để nâng cao hiệu quả khai thác và tăng sản lượng cho MSP-6.

Làm việc trên công trình dầu khí biển là công việc nặng nhọc, vất vả và cực kỳ nguy hiểm. Một người thợ, kỹ sư hay nhân viên trên giàn phải làm việc 12 giờ/ngày, bất kể cuối tuần hay lễ, Tết… Đây là một thử thách lớn đối với bất kỳ người lao động dầu khí nào.

Thế nhưng, đối với giàn trưởng thì thời gian làm việc gần như là 24/24, không kể ngày đêm. Khi có sự cố thì bất kể thời điểm nào, giàn trưởng cũng phải chỉ đạo và làm việc với các bộ phận liên quan để khắc phục sự cố nhanh nhất có thể, không để nguy hiểm và mất an toàn cho con người và thiết bị, bằng mọi cách khôi phục hoạt động khai thác để giảm thiểu mất sản lượng.

Giàn trưởng Lưu Thế Anh quán triệt an toàn lao động trước khi vào ca làm việc

Giàn trưởng Lưu Thế Anh quán triệt an toàn lao động trước khi vào ca làm việc

Dù tính chất công việc khá vất vả, nhưng với cương vị là Bí thư Chi bộ, giàn trưởng Lưu Thế Anh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm với mọi nhiệm vụ được giao. Không chỉ làm tốt chức trách, nhiệm vụ, trong quá trình công tác, anh còn phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ, có nhiều sáng kiến, giải pháp hữu ích, nhằm nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, chất lượng.

Từ năm 2021 đến nay, anh đã có 3 sáng kiến được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công nhận và ứng dụng rộng rãi trong toàn hệ thống.

Điển hình là sáng kiến "Tối ưu hóa vận hành hệ thống công nghệ trên các giàn nhẹ BK, RC bằng cách xây dựng logic mới để điều khiển áp suất bình V-400". Giải pháp giúp tối ưu hóa khả năng khai thác của quỹ giếng trên các giàn đầu giếng BK, RC của Liên doanh Vietsovpetro và hiện nay đã được áp dụng trên hầu hết các giàn nhẹ.

Trong năm đầu tiên áp dụng thử nghiệm trên 3 công trình, giải pháp được công nhận giúp gia tăng sản lượng khai thác lên 3.847 tấn dầu (26.929 thùng), tương đương với 2.010.250 USD tính theo giá bán dầu trung bình năm 2022 là 74,65 USD/thùng.

Hay như sáng kiến "Tối ưu hóa hệ thống điều khiển máy ép rác nhằm giảm chi phí mua sắm vật tư, thiết bị bằng giải pháp thay thế bộ điều khiển điện tử có tích hợp màn hình LCD của máy ép rác POTTINGER bằng bộ điều khiển tự động sử dụng relay và nút nhấn" mang lại giá trị kinh tế trực tiếp 2.455 USD; ngoài ra còn giúp đưa máy ép rác trên giàn MSP-6 nhanh chóng trở lại hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường.

Trước đó, giải pháp "Hoán cải giàn cố định MSP để giảm chi phí vận hành" của Thế Anh cũng đã đạt giải Nhất hạng mục "Giải pháp công nghệ mang lại giá trị ứng dụng cao nhất" trong hội thi chuyên gia trẻ do Công ty Zarubezhneft (Liên bang Nga) tổ chức năm 2020.

Theo Thế Anh, đưa ra được các sáng kiến, giải pháp là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn, quyết định để sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn là nhờ các cấp lãnh đạo luôn quan tâm, động viên, tin tưởng, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo.

"Ở Vietsovpetro, khi người lao động nảy ra ý tưởng gì đó, trao đổi với các cấp lãnh đạo, lãnh đạo sẵn sàng hỗ trợ hết mức, cử những người có chuyên môn cùng ngồi thảo luận, đánh giá ý tưởng đó, nếu thấy khả thi sẽ bắt tay ngay vào nghiên cứu sâu và khi thấy hiệu quả thì sẽ nhanh chóng triển khai thử nghiệm, thậm chí đầu tư luôn nếu thấy đã có đầy đủ các đánh giá khả thi", anh chia sẻ.

Kiến thức không giữ cho riêng mình, Bí thư chi bộ 9X còn thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi chuyên môn cùng các đồng nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết của bản thân trong quá trình tìm tòi và học hỏi chuyên môn.

Anh nói rằng, bản thân rất vui xen lẫn tự hào và còn cảm thấy thật hạnh phúc khi mỗi ngày nhìn thấy sáng kiến của mình được sử dụng. Nghiên cứu được các sáng kiến, giải pháp và cải tiến được máy móc thiết bị là điều quan trọng, nhưng để đạt được thành quả đó không phải chỉ có sự nỗ lực của bản thân mà là trí tuệ, công sức của cả một tập thể đoàn kết, là sự quan tâm và tin tưởng của các cấp lãnh đạo.

Mỗi ngày qua đi, người giàn trưởng ấy luôn tự tạo năng lượng cho chính mình và cho đồng nghiệp. Thế Anh đã và đang xem giàn khoan là ngôi nhà thứ hai, là nơi gắn kết tình đồng nghiệp, nơi hạt mơ ước được "ươm mầm" và "nở hoa".

Ngày 26/3/2024, tại Hà Nội, trong khuôn khổ buổi đối thoại trực tuyến của Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Ngọc Sơn với đoàn viên, thanh niên Dầu khí đã diễn ra Lễ tuyên dương "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác". Giàn trưởng Lưu Thế Anh được vinh danh ở hạng mục Nhà quản lý trẻ tiêu biểu.

Anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Ngọc Sơn trao hoa và biểu trưng cho đoàn viên thanh niên đạt danh hiệu Nhà quản lý trẻ tiêu biểu, Cán bộ Đoàn tiêu biểu (Giàn trưởng Lưu Thế Anh thứ 2 từ trái sang)

Anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Ngọc Sơn trao hoa và biểu trưng cho đoàn viên thanh niên đạt danh hiệu Nhà quản lý trẻ tiêu biểu, Cán bộ Đoàn tiêu biểu (Giàn trưởng Lưu Thế Anh thứ 2 từ trái sang)

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh, những thanh niên được tuyên dương là những tấm gương tiên tiến xuất sắc, tiêu biểu nhất trên các lĩnh vực: Nhà quản lý trẻ; cán bộ Đoàn; đoàn viên, lao động trẻ tiêu biểu đại diện cho hơn 10.000 đoàn viên thanh niên trong toàn Tập đoàn.

Mỗi tấm gương là một câu chuyện sinh động cho sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, không ngại khó khăn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trên mọi lĩnh vực, trong nghề nghiệp, trong cuộc sống. Đây chính là những tấm gương tiêu biểu nhất để lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới đoàn viên, thanh niên trong toàn Tập đoàn và cộng đồng.

Nội dung: Nguyên Thảo - Nguyễn Cường - Hoàng Hải
Trình bày: Nguyên Thảo

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-gian-truong-9x-tren-hanh-trinh-tim-lua-322435.html