Bài 1: Không gian xanh vẫn rất thiếu

Không gian xanh đô thị là phần diện tích được 'phủ xanh' của thành phố. Đây được coi là 'lá phổi' tạo lập môi trường sống trong lành, tươi đẹp, góp phần nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Hiện nay, quá trình đô thị hóa mang lại cho Thủ đô Hà Nội một bộ mặt mới khang trang hiện đại hơn, nhưng đi liền với đó là phần không gian xanh vẫn chưa phát triển tương xứng.

Cấu trúc cân bằng bị phá vỡ

Hệ thống cây xanh trồng mới trên một số tuyến phố đang phát huy hiệu quả

Hệ thống cây xanh trồng mới trên một số tuyến phố đang phát huy hiệu quả

Không gian công cộng, không gian xanh đô thị là một trong những “huyết mạch” của các đô thị hiện đại trên thế giới và Hà Nội không nằm ngoài số này. Tuy nhiên, chưa khi nào không gian công cộng lại trở thành vấn đề nóng bỏng với Hà Nội như hiện nay. Quá trình đô thị hóa nhanh và thiếu kiểm soát đã khiến cho các không gian xanh đô thị tại Hà Nội bị thu hẹp. Mặc dù được gọi là “đô thị của sông hồ” nhưng thực tế cho thấy, hệ thống sông, hồ của Thủ đô đang chịu sự xâm lấn nghiêm trọng. Việc bê tông hóa làm mất dần vai trò của hệ thống sông, hồ cả về giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan đô thị lẫn hiệu quả về thoát nước. Trong khi đó, diện tích các mảng xanh lại chưa được đầu tư phát triển. Mặc dù có thêm nhiều vườn hoa, công viên hay các khu cây xanh đặc thù, không gian xanh đô thị vẫn là yếu tố “xa xỉ” đối với Hà Nội.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã đẩy nhanh việc cải tạo hệ thống các sông, hồ, công viên, cây xanh nhưng hiệu quả chưa cao. Các vành đai xanh, hành lang xanh được đề cập trong các quy hoạch phân khu nhưng quy hoạch chi tiết như thế nào chưa được nghiên cứu hoàn thiện và còn nhiều lúng túng... Đặc biệt, mức độ phân bố các không gian xanh tại Hà Nội chưa đồng đều. Ở khu vực nội đô, không gian xanh có tỷ lệ thấp. Nhiều khu đất được quy hoạch cho chức năng không gian xanh vẫn chưa được đầu tư, bị bỏ hoang hoặc tận dụng cho kinh doanh tạm. Các dòng sông thì bị biến thành những mương thoát nước thải cho đô thị, làm mất dần vai trò hành lang sinh thái, trở thành những không gian cảnh quan kém hấp dẫn và ô nhiễm nhất trong đô thị…

Chia sẻ bức tranh tổng thể về thực trạng không gian xanh trong đô thị, Phó viện Trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và phát triển đô thị Trần Thị Thanh Ý cho biết, trong các văn bản chính sách thì vấn đề cây xanh đô thị được đề cập rất nhiều và đầy đủ theo từng tầng bậc. Có thể thấy vấn đề cây xanh đô thị đã được đề cập rất nhiều. Cụ thể, cây xanh đô thị hiện nay là lá phổi của toàn đô thị. Có những con số để so sánh rằng nếu diện tích không gian xanh của đô thị từ độ khoảng 20-50% thì sẽ giảm được nhiệt độ của đô thị từ 3-7 độ. Đây là một con số rất đáng kể. Trong đô thị hiện nay, sự quan tâm về cây xanh đô thị đã được đề cập trong các văn bản pháp lý. Trong các lĩnh vực quy hoạch, chúng tôi bao giờ cũng coi đây là việc bắt buộc.

Còn nhiều khó khăn

Thành phố Hà Nội hiện nay có diện tích lên đến hơn 3.345km2, dân số hơn 8 triệu người, là một trong 17 thành phố lớn nhất trên thế giới. Khu vực phát triển tính từ Vành đai 2 trở ra là những khu đô thị mới, đường phố mới rộng vài chục mét với hàng trăm tòa nhà cao hàng chục tầng. Thế nhưng, chính những nơi được coi là phát triển hiện đại này lại rất thiếu cây xanh, mặt nước, công viên, không gian công cộng… Nói một cách thực tế hơn, khi hàng loạt khu chung cư, nhà ở cao tầng mọc lên thì diện tích đất dành cho cây xanh hầu như chỉ có trên bản vẽ.

Phủ kín cây xanh để tạo thành một đô thị xanh góp phần để Thủ đô Hà Nội thực sự là thành phố xanh, sạch, đáng sống

Phủ kín cây xanh để tạo thành một đô thị xanh góp phần để Thủ đô Hà Nội thực sự là thành phố xanh, sạch, đáng sống

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, mặc dù thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch phân khu - công cụ quản lý cơ bản ban đầu nhưng việc hình thành một vành đai xanh đúng nghĩa thực sự chưa có những tiến triển, chủ yếu mới dừng ở một vài cụm đô thị, chưa có được một công viên nào trên chuỗi vành đai này. Việc bảo vệ không gian này là rất khó khăn trước hành vi xây dựng, lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. “Thành phố đã đẩy nhanh việc cải tạo hệ thống các công viên nhưng hiệu quả chưa cao. Các vành đai xanh, hành lang xanh được đề cập trong các quy hoạch phân khu nhưng quy hoạch chi tiết như thế nào chưa được nghiên cứu hoàn thiện và còn nhiều lúng túng vì có những khu vực có điểm dân cư nông thôn, khu vực làm nông nghiệp, khu vực làng nghề... Hà Nội vừa mới tập trung nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng trở thành trục không gian cảnh quan trung tâm của Thành phố. Tuy nhiên, các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh khác như Vân Trì, Cổ Loa nhiều năm qua chưa làm được”, KTS Đào Ngọc Nghiêm phân tích.

Còn theo KTS. Đinh Đăng Hải, Chuyên gia cao cấp Chương trình Thành phố Sống tốt, cho biết: Cái khó khi quy hoạch không gian sống xanh tại các đô thị, điển hình như tại Hà Nội là đô thị lịch sử có từ hàng nghìn năm, quỹ đất không còn để phát triển cây xanh. Theo thống kê, tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người của Hà Nội hiện chưa đến 2m2/người. Thậm chí, tại các quận trung tâm, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,9m2/người. Trong khi tiêu chuẩn đặt ra là 7m2/người. Thiếu không gian xanh nhưng Hà Nội hiện đang là Thành phố có nhiều công viên đang bỏ hoang hoặc xuống cấp nghiêm trọng nhất cả nước…

Thủ đô Hà Nội đang đứng trước một giai đoạn phát triển về chất chứ không phải theo số lượng. Bởi vậy, không có lý do gì chúng ta không quan tâm nhiều hơn đến phát triển không gian công cộng, để chứng minh rằng chúng ta dù không phải thành phố giàu nhất nhưng là thành phố vì con người nhiều nhất.

Hiện nay, tỉ lệ cây xanh tính theo đầu người ở nội đô Hà Nội chưa đến 2m2. Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉ lệ cây xanh trung bình cũng mới đạt 10-15 m2/người (tiêu chuẩn mà Liên Hợp Quốc đề ra là 39m2/người).

Tuấn Dũng - Kim Tiến

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-1-khong-gian-xanh-van-rat-thieu-158162.html