Bài 1 - Lạng Sơn bật dậy từ nền móng chính sách vùng dân tộc
Từ một vùng biên viễn từng gặp nhiều thách thức trong hành trình phát triển, Lạng Sơn hôm nay đang từng bước trỗi dậy mạnh mẽ nhờ dòng chảy của những chính sách nhân văn, bài bản.
Sau gần 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2021–2025), những đổi thay nơi đây đã hiện hữu không chỉ qua các con số, mà còn ánh lên trong ánh mắt, nụ cười và khát vọng vươn lên của người dân miền sơn cước vùng Đông Bắc.
Tạo chuyển biến từ nền móng thể chế và bộ máy vận hành đồng bộ
Ngay từ những ngày đầu triển khai, tỉnh Lạng Sơn đã xác định rõ: Muốn chương trình đi vào thực chất, phải bắt đầu từ nền tảng thể chế và tổ chức bộ máy vận hành đồng bộ, xuyên suốt. Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt nghị quyết, kế hoạch và văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình, cụ thể hóa các định hướng, quy định từ Trung ương thành hành động cụ thể trên địa bàn tỉnh.

Phụ nữ dân tộc Tày, Nùng biểu diễn hát then, đàn tính tại hội nghị tập huấn triển khai xây dựng mô hình CLB văn hóa dân gian ở xã Yên Phúc, huyện Văn Quan (nay là xã Yên Phúc, tỉnh Lạng Sơn) minh chứng cho sự lan tỏa của chính sách chạm tới từng thôn bản nơi đại ngàn
Chỉ đạo xuyên suốt này đã được thực hiện đồng bộ ở tất cả 11 huyện, thành phố và 181 xã toàn tỉnh (trước ngày 1.7), tạo nên một hệ thống điều hành thống nhất, hiệu quả.
Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh được thành lập từ rất sớm, sau đó là các Ban chỉ đạo cấp huyện, xã, cùng các tổ công tác chuyên môn, tổ giám sát… Từng thành viên Ban chỉ đạo được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, gắn trách nhiệm với kết quả triển khai.
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện định kỳ hằng năm, đảm bảo phát hiện và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong triển khai, từ đó nâng cao chất lượng thực hiện chương trình.
Đặc biệt, tỉnh đã chủ động ban hành hàng loạt chính sách đặc thù như cơ chế quay vòng vốn hỗ trợ sản xuất cộng đồng, cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình và dự án.
Việc cho phép cấp huyện, xã được chủ động thực hiện các dự án quy mô nhỏ, không cần duyệt danh mục chi tiết, đã tạo sự linh hoạt và sát với thực tiễn tại địa phương, một điểm sáng trong công tác phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện chương trình.
Trong giai đoạn 2021–2025, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt gần 3.918 tỉ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương chiếm phần lớn, khoảng 3.732 tỉ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp và vốn tín dụng), ngân sách địa phương đối ứng gần 185 tỉ đồng.
Tính đến hết tháng 3.2025, tỉnh đã giải ngân được hơn 2.157 tỉ đồng, đạt 55% kế hoạch vốn. Dự kiến đến cuối năm 2025, con số này sẽ đạt khoảng 3.062 tỉ đồng, tương đương 78% tổng vốn được bố trí, cho thấy quyết tâm và nỗ lực lớn của địa phương trong bối cảnh triển khai chương trình đồng thời với nhiều thách thức về tiến độ, thủ tục, năng lực điều hành.
Đáng chú ý, nhờ chính sách thí điểm phân cấp cho cấp huyện, hai địa phương Tràng Định (nay là xã Trang Định) và Lộc Bình (nay là xã Lộc Bình) đã mạnh dạn điều chỉnh giảm 107,9 tỉ đồng vốn sự nghiệp để chuyển sang đầu tư hạ tầng, giúp thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tại các xã đặc biệt khó khăn.
Cách làm này vừa tăng hiệu quả sử dụng vốn, vừa tạo ra những bước phát triển thiết thực tại cơ sở, đúng với tinh thần “đưa nguồn lực về gần dân hơn”.
Bên cạnh đó, cơ chế lồng ghép nguồn vốn được áp dụng đồng bộ từ đầu nhiệm kỳ cũng góp phần giảm áp lực dư thừa vốn sự nghiệp. Số vốn sự nghiệp dư dự kiến ban đầu lên đến hơn 330 tỉ đồng thì đến thời điểm rà soát gần nhất, sau khi điều chỉnh linh hoạt, đã giảm còn 126 tỉ đồng, tức đã giải quyết được khoảng 62% lượng vốn khó giải ngân, một thành tích đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều tỉnh khác còn lúng túng với dòng vốn sự nghiệp.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã xây dựng, ban hành Quyết định số 34/2022/QĐ-UBND quy định rõ ràng về cơ chế quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư được giao cho cộng đồng thực hiện, một bước tiến trong việc tăng tính minh bạch và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Những quả ngọt từ chính sách nhân văn – khi “sức dân” hòa quyện với “sức nước”
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cách triển khai linh hoạt, sát thực tiễn, những thành quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Lạng Sơn đã không còn nằm trên giấy.

CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng, Dao các thôn xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập (nay là xã Kiên Mộc, tỉnh Lạng sơn) đi vào hoạt động góp phần góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến với cộng đồng
Nó hiện hữu rõ nét trong sự đổi thay từ những bản làng xa xôi, trong giọng nói rổn rảng niềm vui của người dân, trong ánh mắt tự tin của thế hệ trẻ và đặc biệt là trong những chỉ số phát triển đầy lạc quan của một tỉnh biên giới từng chịu nhiều thiệt thòi.
Một trong những “trái ngọt” dễ thấy nhất chính là thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng trưởng qua từng năm. Nếu như năm 2021, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 52 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2024, con số này đã vọt lên 61,1 triệu đồng, một bước nhảy vọt gần 10 triệu đồng chỉ sau 3 năm.
Dự kiến đến hết năm 2025, GRDP bình quân đầu người sẽ cán mốc 69,41 triệu đồng/người/năm, không chỉ vượt xa mục tiêu đặt ra ban đầu, mà còn tiệm cận mức trung bình của toàn quốc. Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của những chính sách đầu tư sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ sinh kế… đã đến đúng người, đúng nơi, đúng lúc.
Sự đổi thay ấy càng rõ nét hơn khi nhìn vào bức tranh hạ tầng giao thông, yếu tố then chốt giúp phá vỡ sự biệt lập vùng cao. Đến tháng 3.2025, toàn tỉnh Lạng Sơn có 99,43% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; và có 88,11% số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa.
So với năm 2021, tỷ lệ này đã tăng gần 10%. Dự kiến đến cuối năm 2025, tỷ lệ đạt chuẩn này sẽ đạt tuyệt đối ở cấp xã (100%) và 90% ở cấp thôn, không chỉ là một con số khô khan, mà còn là lời khẳng định chắc chắn: người dân vùng cao giờ đây không còn “nghe tiếng xe mà chưa thấy đường”.
Những con đường nối bản đến trung tâm không chỉ mở ra cơ hội giao thương, phát triển du lịch, mà còn mang theo cả tri thức, y tế, và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Bức tranh giảm nghèo cũng ghi dấu nỗ lực bền bỉ. Với tốc độ giảm bình quân 2,71%/năm, Lạng Sơn đang là một trong những địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất vùng Đông Bắc.

Lớp truyền dạy góp phần "Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn Lạng Sơn. Ảnh: Hoàng Như
Đặc biệt, đến hết năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 47/47 xã và 315/315 thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng này, một cột mốc đáng tự hào, ghi nhận sự đồng hành hiệu quả giữa chính sách của Đảng, Nhà nước và ý chí vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Mỗi hộ thoát nghèo là một câu chuyện của sự đổi thay: từ làm nương đơn lẻ sang chăn nuôi tập trung; từ trồng cây truyền thống sang cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; từ nhận hỗ trợ sang chủ động làm chủ mô hình sinh kế.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa cũng đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần hoàn thiện bức tranh phát triển toàn diện. Trong lĩnh vực giáo dục, tỉnh đã triển khai xây dựng và sửa chữa hàng trăm phòng học, ký túc xá bán trú, nhà công vụ giáo viên; trang bị bổ sung thiết bị dạy học cho các trường vùng cao.
Tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp THCS và THPT vùng dân tộc thiểu số giảm đáng kể; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã được kiểm soát tại nhiều địa bàn từng là “điểm nóng”.
Trong y tế, tỉnh đã hỗ trợ mua sắm, nâng cấp hàng loạt trang thiết bị cho trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện; bố trí nhân lực y tế đảm bảo tại 100% xã đặc biệt khó khăn.
Các chương trình khám chữa bệnh lưu động, khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc bệnh tật được triển khai đến tận các bản vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.
Dịch COVID-19 từng khiến nhiều bản làng bị cô lập, nay đã trở thành chất xúc tác để địa phương nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.
Văn hóa, linh hồn của bản làng cũng được thắp sáng trở lại. Các thiết chế văn hóa xã, nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng hoặc cải tạo trong giai đoạn 2021–2024, tạo nên những không gian sinh hoạt cộng đồng ấm áp và đậm bản sắc.
Các lễ hội truyền thống, nghệ thuật dân gian của đồng bào Tày, Nùng, Dao… được phục dựng, quảng bá. Những đội văn nghệ không chuyên, câu lạc bộ dân ca, múa xòe, hát sli… đã xuất hiện ở hầu khắp các xã vùng cao, không chỉ gìn giữ nét đẹp văn hóa, mà còn gắn kết cộng đồng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Cùng với đó, hệ thống phát thanh, truyền hình, truyền thanh cơ sở được củng cố, mở rộng; 100% xã có hệ thống truyền thanh không dây phủ sóng. Báo chí, sách, tài liệu tuyên truyền đến với người dân bằng tiếng dân tộc thiểu số, giúp đồng bào dễ tiếp cận chủ trương, chính sách mới. Đây là bước tiến đáng kể trong việc bảo đảm quyền được thông tin và bình đẳng tiếp cận tri thức cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Không quá lời khi nói rằng, sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Lạng Sơn đã làm sống động một “cuộc cách mạng vùng cao” nơi mà chính sách không dừng lại ở hội trường, văn bản mà trở thành hành động cụ thể; nơi mà sự đổi thay không chỉ hiện diện trong những con số, mà còn in dấu trong đời sống hằng ngày của từng thôn bản, từng hộ dân.
(Còn tiếp)