Bài 1: Mường Bo - ký ức hào hùng

Mường Bo - theo tiếng đồng bào địa phương là bản giữa núi có dòng suối chảy qua. Đây còn được biết đến là 'cái nôi' cách mạng địa phương. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đội du kích Mường Bo cùng cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc nơi đây một lòng đi theo Đảng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào cách mạng, đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giải phóng Sa Pa vào ngày 3/11/1950. Kế thừa truyền thống vẻ vang đó, các dân tộc Mường Bo hôm nay nỗ lực xây dựng Mường Bo thành xã nông thôn mới điển hình của thị xã Sa Pa.

Mường Bo vững bước dưới cờ Đảng

Toàn cảnh xã Mường Bo.

Toàn cảnh xã Mường Bo.

Năm nay đã 86 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, từng giữ nhiều trọng trách tại địa phương trước khi về sinh sống tại thôn Mường Bo 1, xã Mường Bo, trong ký ức của cụ Trần Văn Dẻn vẫn nhớ như in những dấu mốc tự hào của phong trào cách mạng quê hương. Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng, chúng bóc lột của cải của Nhân dân, thêm vào đó còn có một số thế lực khác tìm mọi cách chống phá cách mạng. Đời sống của người dân cực khổ vô cùng, cơm không có ăn, áo không có mặc, người dân chủ yếu đào củ bố, củ nâu ăn. Nhân dân các dân tộc Mường Bo đã đoàn kết đứng dậy đấu tranh chống lại thực dân Pháp cũng như nạn phỉ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân Mường Bo đã nuôi giấu, che chở cho cán bộ, bộ đội hoạt động, đánh thắng kẻ thù, tiêu diệt thổ phỉ.

Đầu năm 1947, thực dân Pháp ráo riết tuyển mộ thêm binh lính tấn công lên Tây Bắc, chuẩn bị tấn công vùng tự do đánh chiếm Lào Cai - Yên Bái. Khi quân địch chiếm được Sa Pa, lực lượng của ta phải rút xuống Tả Van, sau đó chuyển xuống Mường Bo và các xã hạ huyện Sa Pa. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Mặt trận Việt Minh tỉnh phát động phong trào “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không, nhà trống”, tăng cường bảo mật, phòng gian, thực hiện 3 không (không biết, không nghe, không thấy). Dưới sự lãnh đạo của Huyện bộ Việt Minh, các tầng lớp thanh niên, dân quân, tự vệ tham gia hàng nghìn ngày công bằng các phương tiện thô sơ, phá hủy biệt thự, công sở của Pháp, chặn đường tiến của quân Pháp. Cơ sở quần chúng phát triển mạnh, đội công tác lấy khu Mường Bo làm căn cứ hoạt động. Các ông Nùng A Khì, Lục Đức Trung, Sèn A Pai… là những quần chúng tham gia phong trào du kích sớm nhất tại địa phương, phạm vi hoạt động từ Mường Bo tới Nậm Cang, Nậm Ngấn, Suối Thầu, Thanh Kim. Chính tại thôn Mường Bo, chàng thanh niên Lù Đức Quang, dân tộc Tày được kết nạp Đảng và là 1 trong 3 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng ở Sa Pa năm 1949. Cũng tại nơi đây, đội du kích Mường Bo do ông Hoàng Đức Độ làm đội trưởng được thành lập…

Chính quyền luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên.

Chính quyền luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và với sức mạnh của khối đoàn kết toàn quân, toàn dân, từ năm 1950, phong trào cách mạng ở địa phương đã khiến thực dân Pháp ngày càng thất bại nặng nề. Do có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, ta liên tiếp thu được thắng lợi. Ngày 1/11/1950, thị xã Lào Cai được giải phóng, địch phải mở đường máu chạy vào Sa Pa. Từ khu Mường Bo, Ban Cán sự Đảng và Ủy ban Kháng chiến Sa Pa cùng Đội Du kích Mường Bo đã tiến lên thị trấn Sa Pa, phối hợp với các đơn vị chủ lực đánh chiếm các khu căn cứ của Pháp, giải phóng hoàn toàn Sa Pa lần thứ 2 vào chiều 3/11/1950. Hòa bình lập lại, xã Mường Bo chia tách thành 5 xã gồm Thanh Phú, Nậm Sài, Nậm Cang, Bản Hồ, Suối Thầu.

Ông Trần Văn Dẻn kể: Giai đoạn này khó khăn nhất là phát triển kinh tế. Đời sống Nhân dân vô cùng cực khổ do tàn tích chiến tranh, nhưng bà con vẫn một lòng đi theo Đảng, cùng đoàn kết xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc. Đầu tiên, việc phát triển kinh tế tại địa phương là trồng lúa và khoai tây. Chúng tôi cũng là những người đi đầu trong việc trồng 2 loại cây này, chăm sóc tốt để người dân làm theo, cùng nhau thi đua, hăng say lao động, sản xuất…

Tháng 12/2019, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Sa Pa, 2 xã Thanh Phú, Suối Thầu được sáp nhập với tên gọi Mường Bo. Thêm một lần nữa, Mường Bo - vùng quê giàu truyền thống cách mạng - lại được trở về với tên gọi đầy tự hào, hun đúc thêm tình yêu quê hương của thế hệ trẻ hôm nay.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà (Trường PTDT bán trú THCS Mường Bo, thị xã Sa Pa) chia sẻ: Chúng tôi luôn giáo dục, định hướng cho học sinh lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa thăm các gia đình có công với nước, vệ sinh nghĩa trang, khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ… để bày tỏ lòng biết ơn, lòng tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương.

Đã bao đời nay, cộng đồng 4 dân tộc anh em chung sống đoàn kết trên mảnh đất Mường Bo vẫn luôn son sắt tình yêu với cách mạng, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Để xứng với niềm tin của Nhân dân, Đảng bộ xã Mường Bo với hơn 300 đảng viên đang sinh hoạt tại 15 chi bộ trực thuộc tiếp tục kế thừa, vận dụng sáng tạo sức mạnh truyền thống với những tri thức thời đại mới, đưa vùng quê cách mạng tiếp tục đổi thay toàn diện cùng sự phát triển của thị xã Sa Pa. Đồng chí Hoàng Văn Phang, Bí thư Đảng ủy xã Mường Bo khẳng định: Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ xã luôn chú trọng phát triển đảng viên đi đôi với xây dựng tổ chức đảng vững mạnh; tập trung lãnh đạo Nhân dân đoàn kết, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Mường Bo hôm nay đang bước vào ngày mới với những hứa hẹn về cuộc đổi thay toàn diện. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ xã tập trung cho mục tiêu xây dựng Mường Bo thành xã nông thôn mới điển hình của thị xã Sa Pa.

------------------------------------------------

Bài cuối: Hành trình “về đích” nông thôn mới

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/347632-bai-1-muong-bo--ky-uc-hao-hung