Bài 1: Nâng cao vai trò của doanh nghiệp

Lào Cai có nhiều nhà máy hóa chất và chế biến khoáng sản, luyện kim nên nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường không khí rất cao. Vì vậy, công tác quản lý hoạt động quan trắc khí thải tự động của các cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang đặt ra cấp thiết.

Chủ động quan trắc, ngăn ngừa ô nhiễm khí thải công nghiệp

Nguy cơ ô nhiễm khí thải gia tăng

Trong những năm gần đây, tình trạng các nhà máy chế biến khoáng sản, hóa chất và phân bón xả khí thải gây ô nhiễm môi trường xảy ra không ít với mức độ ảnh hưởng có chiều hướng gia tăng. Thậm chí, có nhà máy phải đóng cửa vì khi hoạt động không kiểm soát được khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí do Nhà máy Luyện kim màu Lào Cai gây ra, năm 2018 nhiều diện tích dứa tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương đã bị mất mùa.

Do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí do Nhà máy Luyện kim màu Lào Cai gây ra, năm 2018 nhiều diện tích dứa tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương đã bị mất mùa.

Nhiều người còn nhớ sự việc xảy ra tại Nhà máy Luyện kim màu Lào Cai của Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh tại Km15, Quốc lộ 4D (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương). Theo đó, từ tháng 6/2017 đến tháng 11/2018, trong quá trình sản xuất do không có hệ thống quan trắc tự động để giám sát khí thải, nhà máy này đã làm phát sinh lượng khí thải SO2 vượt quá ngưỡng cho phép ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, khiến hàng trăm ha cây trồng của nhiều hộ xung quanh bị táp lá, chết khô...

Nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí luôn tiềm ẩn ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí luôn tiềm ẩn ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Gần đây, sáng 24/5/2022, trong quá trình sản xuất, Nhà máy Sản xuất DAP số 2 (Công ty Cổ phần DAP số 2-Vinachem) trong Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng xảy ra sự cố làm phát thải lượng lớn khí thải ra môi trường, gây táp lá, chết héo hoa màu, cây cối của người dân địa phương trên diện rộng (có 339 ha cây trồng của 289 hộ, cá nhân bị ảnh hưởng).

Sau khi xảy ra 2 vụ việc nêu trên, việc điều tra, làm rõ nguyên nhân nguồn xả khí thải độc hại gặp rất nhiều khó khăn do không có dữ liệu quan trắc. Ví dụ như vụ việc xảy ra tại Nhà máy Luyện kim màu Lào Cai, phải sau gần 1 năm, các cơ quan chức năng mới làm rõ nguyên nhân và tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất của nhà máy này.

Còn đối với Nhà máy Sản xuất DAP số 2, sự cố khiến khí thải độc hại tràn ra môi trường nhưng phải mất nhiều ngày, với sự vào cuộc điều tra của cơ quan chuyên môn Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như lực lượng cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), nguyên nhân mới được làm rõ. Theo kết luận của cơ quan chức năng, trong quá trình hoạt động sản xuất ca sáng 24/5/2022, do hệ thống quan trắc khí thải bị lỗi, không xác định được lượng xả thải khí SO2 tại xưởng SA (xưởng sản xuất axit sunfuric) dẫn đến hệ thống chuyển hóa và hấp thu khí không hoạt động, làm tăng lưu lượng khí thải độc hại ra môi trường gây sự cố.

Đâu là nguyên nhân?

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp - nơi tập trung các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất và luyện kim; ngoài ra còn có một số nhà máy phân bón, chế biến khoáng sản, lâm sản nằm rải rác tại các địa phương như Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát và Bảo Yên. Khí thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của các nhà máy hóa chất, phân bón và sản xuất kim loại (chủ yếu tập trung tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng) là nguồn gây ô nhiễm không khí chính; thành phần khí thải chủ yếu là SO2, NOx, hơi axit…

Việc xảy ra các sự cố môi trường liên quan đến khí thải của các nhà máy và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh thời gian qua khiến dư luận đặt câu hỏi về công tác quản lý của các cơ quan chức năng và ý thức chấp hành của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, một số nhà máy hóa chất, phân bón và sản xuất kim loại tại các khu, cụm công nghiệp… đã cải tạo, nâng cấp hệ thống thu khí để xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cùng với đó chủ động lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nhà máy chưa quan tâm thực hiện dẫn đến xảy ra sự cố nhưng chậm khắc phục, gây khó khăn cho việc truy tìm nguyên nhân của cơ quan chức năng.

Sự cố phát thải một lượng lớn khí thải ra môi trường, gây táp lá, chết héo hoa màu, cây cối của người dân. (Ảnh minh họa)

Sự cố phát thải một lượng lớn khí thải ra môi trường, gây táp lá, chết héo hoa màu, cây cối của người dân. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng hiện có 25 dự án đang hoạt động, với 13 nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất, 3 nhà máy luyện kim, 1 nhà máy tuyển quặng apatit… Do vậy, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vì khí thải rất cao, đặc biệt là các nhà máy phân bón, hóa chất, luyện kim. Tại đây, ngoài 2 trạm quan trắc không khí tự động do tỉnh xây dựng, cơ quan chức năng đã yêu cầu 13 nhà máy của các doanh nghiệp lắp đặt hệ thống, thiết bị quan trắc khí thải tự động tại các điểm phát khí thải, tuy nhiên đến nay vẫn còn một số đơn vị chưa lắp đặt.

Giải thích về sự chậm trễ, hầu hết các doanh nghiệp nêu do khó khăn về kinh tế; vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khó mua thiết bị hoặc đang chờ đối tác để lựa chọn công nghệ… Đặc biệt, có đơn vị dù đã triển khai lắp đặt nhưng thiết bị hoạt động lại không đạt yêu cầu.

Nhà máy Sản xuất Phốt pho 5, Công ty Cổ phần Phốt pho vàng Lào Cai thuộc đơn vị bắt buộc phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, tuy nhiên đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa thể hoàn thiện việc lắp đặt. Ông Nguyễn Đoàn Thông, đại diện Ban Giám đốc Nhà máy Sản xuất Phốt pho 5 cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc nhập khẩu thiết bị gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, thời hạn chót phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động là cuối năm 2024 nên đơn vị đang tham khảo, lựa chọn thiết bị lắp đặt.

Nhiều diện tích chè của xã Phú Nhuận bị táp lá do khí thải độc hại từ Nhà máy sản xuất DAP số 2 (Công ty Cổ phần DAP số 2-Vinachem) phát tán đầu tháng 5/2022.

Nhiều diện tích chè của xã Phú Nhuận bị táp lá do khí thải độc hại từ Nhà máy sản xuất DAP số 2 (Công ty Cổ phần DAP số 2-Vinachem) phát tán đầu tháng 5/2022.

Ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: Về thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải, theo quy định chi tiết tại một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thì thời hạn hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc bụi, khí thải công nghiệp, nước thải tự động, liên tục và kết nối, truyền số liệu trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh chậm nhất là ngày 31/12/2024. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp chưa khẩn trương lắp đặt, vận hành thiết bị. Mặt khác, tại phụ lục 29 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định đối tượng lắp đặt quan trắc tự động liên tục dựa trên lưu lượng, công suất của công trình thiết bị từ 100.000 m3/giờ (tính cho tổng lưu lượng của các công trình, thiết bị cùng loại) trở lên, vì vậy hiện nay, một số doanh nghiệp có tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn nhưng lại không nằm trong danh sách đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục khí thải, gây khó khăn cho địa phương trong việc kiểm soát nguồn khí thải (sản xuất phốt pho, NPK...).

Cũng theo ông Cường, hiện một số nhà máy dù đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động nhưng trong quá trình vận hành gặp trục trặc hoặc hư hỏng thiết bị cũng như hệ thống ghi dữ liệu, đồng thời không kết nối với hệ thống đường truyền về trung tâm theo dõi của Sở Tài nguyên và Môi trường, gây khó khăn trong công tác quản lý hoặc điều tra nguyên nhân khi xảy ra sự cố.

>>> Bài cuối: Cần giải pháp bền vững

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362862-bai-1-nang-cao-vai-tro-cua-doanh-nghiep