Bộ Tài chính công bố lượng tiền công đức: Một di tích lịch sử thu hơn 220 tỷ đồng năm 2023
Tổng số tiền thực thu tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023 là 4 nghìn 100 tỷ đồng. Trong đó có một số di tích có mức thu từ tiền công đức cao nhất là Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, tỉnh An Giang 220 tỷ đồng.
Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính có báo cáo trình Chính phủ về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023. Trong tổng số 31 nghìn 581 di tích thành phần, có 15 nghìn 324 di tích (chiếm 49%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ.
Theo đó, tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4 nghìn 100 tỷ đồng. Trong đó, các cơ sở tín ngưỡng thu hơn 3 nghìn không trăm sáu hai tỷ đồng, chiếm 75% còn lại thu hơn 1 nghìn không trăm 38 tỷ đồng tại các cơ sở tôn giáo.
Một số di tích có mức thu từ tiền công đức cao nhất là Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang (220 tỷ đồng); Đền Bảo Hà ở Bảo Yên, Lào Cai (71 tỷ); Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo ở Bà Rịa Vũng Tàu (34 tỷ); Đền trình Ngũ Nhạc ở chùa Hương (33 tỷ)...
Còn với các cơ sở tôn giáo, có 15 di tích thu trên 5 tỷ đồng, trong đó, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Cà Mau thu 14,4 tỷ.
Hà Nội là địa phương có nguồn thu từ tiền công đức cao nhất với hơn 672 tỷ đồng. Ngoài ra, có 6 tỉnh thành phố khác cũng đạt mức thu trên 200 tỷ đồng gồm Hải Dương (278 tỷ), An Giang (277 tỷ), Bắc Ninh (269 tỷ), Hưng Yên (242 tỷ), Nam Định (215 tỷ).
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa hàng năm còn khiêm tốn, thì tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung.