Bài 1: Nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể bóng rỗi

Năm 2016, UNESCO công nhận bóng rỗi là Di sản văn hóa phi vật thể.

Trong kho tàng nghệ thuật trình diễn dân gian vô cùng phong phú ở Nam bộ, mọi người luôn nhắc đến đờn ca tài tử, nhạc lễ, hát bội… tất cả đã góp phần tạo nên đời sống văn hóa tinh thần đặc sắc ở vùng đất này, trong đó không thể không nhắc đến múa bóng rỗi.

Cô bóng Ngọc Trinh tập luyện diễn xướng bóng rỗi.

Cô bóng Ngọc Trinh tập luyện diễn xướng bóng rỗi.

Múa bóng rỗi còn được gọi là múa bóng hoặc bóng rỗi, là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, ra đời cách nay hơn 3 thế kỷ. Đi cùng với tín ngưỡng thờ Bà (nữ thần), vào dịp đầu xuân, các nghệ nhân sẽ biểu diễn nghi lễ múa hát tại các đình, miếu trong tiếng trống, tiếng đờn rộn ràng.

Năm 2016, UNESCO công nhận bóng rỗi là Di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó, nhận thức của người dân về bóng rỗi dần thay đổi, việc bảo tồn và phát huy những tinh hoa của loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian được quan tâm hơn.

Độc đáo nghệ thuật diễn xướng

Thời gian gần đây, bóng rỗi Tây Ninh được quan tâm, có nhiều bài viết, bài nghiên cứu của các tác giả góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật diễn xướng, đồng thời vinh danh các nghệ nhân bóng rỗi có những cống hiến cho sự phát triển của nghệ thuật dân gian.

Trải qua bao thăng trầm, bộ môn nghệ thuật này vẫn được gìn giữ và tồn tại đến hôm nay. Những người làm nghề không ngừng học hỏi, góp phần giới thiệu và đưa bộ môn nghệ thuật này đến gần với khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam bộ, các tiết mục múa bóng thường chia thành những phần riêng lẻ, nối tiếp nhau như: Khai tràng, chầu mời - thỉnh tổ, mời tiên ra tuồng, phước lộc, hát chặp…

Người múa phải có vũ đạo đẹp, hóa trang bắt mắt; vừa múa vừa đọc những bài vè thường nói về gốc tích đền, thờ mình đang biểu diễn hay những bài vè nói về tổ tiên, đất nước, tục lệ người xưa, tình yêu thương con người, sự hiếu thảo trong gia đình…

Bên cạnh đó, người múa phải có năng khiếu đặc biệt tổng hợp về ca, diễn và múa, phải có sức khỏe, sự khéo léo, dẻo dai, nhạy bén. Trang phục của người múa bóng rỗi thường rất sặc sỡ, đầy màu sắc.

Ở mỗi địa phương sẽ có các nghi thức và tiết mục khác nhau, nhưng đều thực hiện đầy đủ các bước. Trong bài viết “Bóng rỗi ở Tây Ninh” (Tây Ninh đất và người) của nhà nghiên cứu Phí Thành Phát, có đoạn viết: “Một cô bóng giỏi phải đạt bốn kỹ năng: dán mâm vàng, rỗi, hát múa và biểu diễn chặp.

Ngoài tài năng thiên phú, đòi hỏi người nghệ nhân cần phải có sự khổ luyện. Với những bài rỗi, yêu cầu cô bóng phải hát nhịp nhàng, chính xác theo từng roi trống, nhịp sanh và ban nhạc lễ; phải am hiểu nội dung của bài rỗi và phát âm phải tròn vành rõ chữ để truyền đạt lời trong bài rỗi đến người nghe.

Những điệu bộ múa mâm vàng, múa tạp kỹ với các vũ đạo như sân khấu cũng là một nghệ thuật không phải ai cũng thực hiện được mà phải được học và tập luyện rất công phu”.

Trình tự các tiết mục trong diễn xướng bóng rỗi tại Tây Ninh gồm có: vào đám, chầu mời - thỉnh tổ, rỗi chầu Bà, rỗi cúng chiến sĩ, cầu an cho bá tánh cúng mâm vàng, biểu diễn chặp bóng “Trạng - Địa - Nàng”.

Đến chính lễ có rỗi chầu Bà, cầu an cho bá tánh, cúng mâm vàng, dâng bông, dâng mâm, dâng huệ, biểu diễn tạp kỹ. Tiếp đến, cô bóng cầm mâm vàng, ly rượu đến chúc cho từng người trong ban Hội miếu và khách thập phương đi cúng, bán lộc, hóa mâm vàng, cúng an vị, đưa tiên, đưa tổ, đến đây phần cúng của bóng rỗi đã hoàn mãn…

Trước khi vào cúng, cô bóng dâng hương cầu nguyện trước ban thờ Bà, ban thờ tổ và khấn nguyện rằng: “Hôm nay, ở miếu mời con là tơ sứ đến đây cầu an, cầu thọ, cầu tài cho bá tánh nhân dân nơi này, con thỉnh Bà cùng thầy tổ chứng minh”. Tiếp đến với các nghi thức diễn xướng bóng rỗi lần lượt theo thứ tự.

Bên cạnh các động tác múa, phần âm nhạc, điệu hát rỗi thường vận dụng các điệu lý, hò, vè, nói thơ… quen thuộc trong dân gian. Để phối hợp cho lời hát thêm bay bổng còn có vai trò của các nhạc cụ dân tộc mà vai trò chủ đạo là cây đờn cò.

Ngoài ra còn có trống lệnh, để tăng thêm phần phong phú còn có thể có thêm đờn kìm, mõ, sênh, phách, song loan… Lời hát rỗi mang nội dung ca ngợi và chúc tụng thần linh, cầu mong những điều tốt lành cho dân chúng.

Với sự độc đáo và đặc sắc, diễn xướng bóng rỗi đã trở thành nét đẹp văn hóa được nhiều người biết đến và tìm đến thưởng thức, dự lễ vào các dịp lễ, tết tại các ngôi chùa, đền, miễu...

Bài biểu diễn nghệ thuật diễn xướng bóng rỗi của tỉnh Tây Ninh tại Liên hoan đờn ca tài tử và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng năm 2023.

Kế thừa và phát huy

Bộ môn nghệ thuật diễn xướng bóng rỗi mang trong mình những giá trị truyền thống không gì thay thế được. Đó là biểu trưng cho đời sống tinh thần của người dân trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Tại Tây Ninh, số người còn theo đuổi, giữ gìn bộ môn nghệ thuật này thưa dần. Họ là những người “giữ lửa”, cố gắng bảo tồn, lưu truyền giá trị nghệ thuật dân gian cho thế hệ mai sau. Trong số các nghệ nhân bóng rỗi lớn tuổi, gìn giữ được những bài bản truyền thống về bộ môn này có cô bóng Ngọc Phượng, tên thật là Nguyễn Thị Mướt, sinh năm 1949, ngụ huyện Gò Dầu.

Vừa qua, nghệ nhân Ngọc Phượng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian. Cô cũng là người đầu tiên tại Tây Ninh được tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian về diễn xướng bóng rỗi.

Tính đến nay, nghệ nhân Ngọc Phượng có hơn 60 năm theo nghiệp bóng rỗi. Những năm sau này, do tuổi cao nên trong khi thực hành diễn xướng nghi lễ dân gian bóng rỗi, cô chỉ đảm trách phần rỗi, dâng bông, bán lộc, các phần múa, biểu diễn tạp kỹ giao cho học trò thực hiện.

Nghệ nhân Ngọc Phượng vẫn tiếp tục nhận học trò để giảng dạy bộ môn bóng rỗi. Nhiều thế hệ học trò của cô đã thành nghề, thường tháp tùng cô đi cúng ở các miếu. Có người đi biểu diễn tại các liên hoan, hội thảo về bóng rỗi và giành được những giải thưởng lớn, điển hình như nghệ nhân Ngọc Trinh (tên thật Phạm Minh Sang, ngụ huyện Gò Dầu) vừa đoạt giải Nhất ở hạng mục Hát múa dâng lễ vật tại Liên hoan đờn ca tài tử và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng năm 2023.

Theo nhà nghiên cứu Phí Thành Phát- Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh), nghệ thuật diễn xướng nghi lễ bóng rỗi ở Tây Ninh chủ yếu được truyền dạy theo cách “cầm tay chỉ việc”, tức là người thầy sẽ viết bài, các đệ tử học thuộc lời; thầy chỉ dạy các điệu múa cho đệ tử học theo, hướng dẫn cách dán mâm vàng, bình bát tiên… Khi học, đệ tử sẽ sáng tạo thêm cho phù hợp với thị hiếu của khán giả.

Có thể thấy, sau thời gian dài bị mai một, nghệ thuật diễn xướng bóng rỗi tại Tây Ninh đang hồi sinh, góp phần “giữ lửa” cho loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.

Hoàng Yến - Ngọc Bích

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-net-dep-di-san-van-hoa-phi-vat-the-bong-roi-a154784.html