Bài 1: Nghệ thuật truyền thống: Khó trăm bề!
Trong thời buổi các loại hình giải trí thời thượng lấn át, những bộ môn nghệ thuật truyền thống đang vấp phải những khó khăn riêng để tồn tại và tiếp tục mạch ngầm trong dòng chảy cuộc sống hiện đại. Thật xúc động khi vẫn còn đó những con người đam mê, nỗ lực gìn giữ và trao truyền nghệ thuật dân tộc đến thế hệ kế thừa. Và vẫn còn đó những người trẻ đang âm thầm tiếp nối ngọn lửa nghệ thuật truyền thống...
Với con mắt của những người đi trước, các đạo diễn, soạn giả, giảng viên... đang tích cực hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống chia sẻ nỗi niềm với người trẻ khi phải chật vật theo đuổi đam mê. Khó trăm bề để giữ cho sàn diễn dân tộc sáng đèn!
Khát nhân lực trẻ
Là người phụ trách mảng đào tạo diễn viên cho Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TPHCM mấy chục năm nay, NSƯT Hữu Danh mang nhiều trăn trở về việc tìm kiếm thế hệ kế thừa cho nghệ thuật Hát Bội. Ở nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ lãnh đạo ông đã nhiều lần lên tiếng về việc ngày càng thiếu diễn viên trẻ bổ sung cho Hát Bội. Ông cho biết, để đào tạo một diễn viên có thể hát được trong lĩnh vực Hát Bội phải mất ít nhất khoảng 3, 4 năm. Từ những năm 2000, nhà hát được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để mở lớp đào tạo diễn viên nhưng chỉ được vài khóa do kinh phí tương đối hạn hẹp, nên một số người không chịu nổi bỏ ngang. Một khóa tuyển từ 8 - 10 em nhưng đến cuối cùng số lượng trụ lại cũng không nhiều.
Ông nhấn mạnh, hiện tại do thiếu người nên trong vở diễn, mỗi diễn viên của nhà hát phải gánh tới 2 vai. Ông tính, 5 năm nữa nếu vẫn tiếp tục không tuyển được người thì mỗi diễn viên phải choàng luôn 3 vai. Và 10 năm nữa tình trạng này không cải thiện thì không còn nghệ sĩ cho Hát Bội.
Là một giảng viên dày dạn kinh nghiệm và hết lòng với học trò, tiến sĩ - NSƯT Hải Phượng, phó khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TPHCM nhiều năm qua luôn sát cánh, nâng đỡ, tạo điều kiện cho các sinh viên của khoa có cơ hội cọ xát nghề nghiệp, lĩnh hội được những tinh túy của tiếng đàn dân tộc.
Chị chia sẻ, chúng ta vẫn chưa có đãi ngộ xứng đáng nên những người theo âm nhạc truyền thống đa phần vì sự đam mê. Vẫn có thực trạng là người học âm nhạc dân tộc muốn tồn tại phải đi 2, 3 chân, vừa làm nhạc cổ, vừa làm nhạc mới, bao sân mới dễ kiếm tiền.
Người trẻ còn thiếu cơ hội
Điều Hải Phượng băn khoăn là trong một số cuộc thi về nghệ thuật dân tộc những năm gần đây chúng ta vẫn còn tình trạng chạy đua thành tích. Thật ngạc nhiên khi thấy những người dày dạn kinh nghiệm là nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân vẫn "chạy" không mệt mỏi từ cuộc thi này sang cuộc thi khác.
"Khi họ xuất hiện, thứ nhất là không có cơ hội cho người mới, cho các em trẻ tham gia cuộc thi. Thứ hai là thấy họ thi các em trẻ ngại không dám thi vì tâm lý "trò sao đấu lại thầy?". Mà không tham gia cuộc thi, không có sự cọ xát các em khó trưởng thành, nâng cao tay nghề. Tham gia cuộc thi mà đoạt được giải thưởng cũng chính là động lực để các em tiếp tục theo đuổi đam mê. Chúng ta lại có thêm một đội ngũ kế thừa. Vì vậy, tôi mong những người đi trước, người thầy nên nhường cơ hội lại cho lớp trẻ để họ thêm tự tin khẳng định bản thân" - Hải Phượng bày tỏ quan điểm.
Ở lĩnh vực Cải lương, một trong những vấn đề của hôm nay là thiếu những soạn giả có sự am hiểu và giỏi nghề. Trong hoàn cảnh đó, Hoàng Song Việt là cái tên nổi bật của giới soạn giả Cải lương thời hiện tại. Không chỉ có vị trí trong giới bởi tài chuyển Cải lương rất mượt mà, giàu tình cảm mà Hoàng Song Việt còn được ghi nhận với tấm lòng dành cho lớp nghệ sĩ Cải lương trẻ.
Từ cả chục năm về trước anh là người khởi xướng thành lập nhóm hát Thắp sáng niềm tin tập trung những nghệ sĩ trẻ tài năng, đoạt các giải cao từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng, Trần Hữu Trang... Từ môi trường này mà nhiều gương mặt trẻ đã có cơ hội trưởng thành như: Tú Sương, Võ Minh Lâm, Lê Hồng Thắm, Thanh Thảo, Lê Trung Thảo... Gần đây nhất, anh cùng NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương VN và NSƯT Quang Khải thành lập sân khấu mới Đại Việt dàn dựng những vở diễn nghiêm túc, tạo cơ hội tỏa sáng cho các nghệ sĩ trẻ mà vở Chuyện tình Khau Vai là một minh chứng. Dù bận rộn với nhiều dự án và đắt sô chuyển thể Cải lương nhưng khi các đạo diễn trẻ Cải lương làm vở tốt nghiệp tìm đến, anh đều tranh thủ giúp họ và rất nhiều lần anh không nhận thù lao chuyển thể để ủng hộ cho người trẻ.
Anh nhìn nhận từ các cuộc thi như: Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng, Tài năng trẻ, giải Trần Hữu Trang... chúng ta đang sở hữu một lực lượng diễn viên trẻ rất phong phú chứ không hề thiếu. Tuy nhiên, nếu không có môi trường hoạt động nghề tốt thì các em mãi mãi chỉ là những viên đá không thể tỏa sáng thành ngọc được.
Ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, người trẻ hôm nay còn gặp áp lực rất lớn là sự so sánh. Mỗi lần họ xuất hiện, thường gặp phải những phán xét như "Làm sao bằng nghệ sĩ gạo cội A, B...". Thực tế, là trong điều kiện khó khăn vẫn còn những nghệ sĩ trẻ không chịu khó trau dồi, hời hợt với vai diễn, chỉ tận dụng giọng ca để chạy sô kiếm tiền nên nhận chỉ trích cũng có lý do. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bạn trẻ có khả năng, đam mê, nhiệt huyết nhưng họ không có đất để dụng võ.
Nghệ sĩ Lệ Thủy nói về người trẻ với tình yêu thương: "Nhiều em trẻ bây giờ có giọng ca hay, sắc vóc đẹp và khả năng diễn cũng tốt. Nhưng thương các em bởi sàn diễn cải lương ngày càng khó khăn. Một vở diễn tập 1 đến 2 tháng diễn chừng 1, 2 suất rồi ngưng vì không bán được vé. Cả tháng trời mới diễn một lần thì hỏi sao các em giỏi nghề được. Lớp nghệ sĩ đi trước tụi tui thương các em mà không biết làm sao. Thôi ráng làm gì hỗ trợ được cho các em thì cứ hỗ trợ, để như tiếp thêm niềm tin cho các em có động lực với nghề!".
(Còn tiếp...)