Bài 1: Ngoại giao thời kỳ kháng chiến
Việc ký kết Hiệp định Genève mới chỉ là kết thúc một chặng đường của cuộc kháng chiến gian khổ, trường kỳ của nhân dân Việt Nam để đi tới độc lập, tự do.
Những ngày cuối tháng 12.2021, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như từ lúc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Đảng tổ chức hội nghị chuyên sâu về công tác đối ngoại trên quy mô toàn quốc.
Để giữ vững sự bình yên của đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đầu tư trước một thế giới đầy biến động, công tác đối ngoại luôn được coi là mặt trận hàng đầu. Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ nhiều lần khẳng định, trong quan hệ quốc tế, Việt Nam chỉ chọn lẽ phải, không chọn bên. Nguyên tắc bất di bất dịch này ngày càng thể hiện rõ, đặc biệt trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
“Nước cờ hay xoay vạn kiêu binh”
“Mùa thu năm 1945 đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, một vũ khí sắc bén, đanh thép về pháp lý quốc tế, một thông điệp ngoại giao mạnh mẽ gửi tới cộng đồng quốc tế: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng tự cải tổ thành Chính phủ, trong đó có Bộ Ngoại giao mà Bác Hồ kiêm chức Bộ trưởng”- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu như vậy tại hội nghị toàn quốc về công tác đối ngoại theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm kể, sau Cách mạng tháng Tám một thời gian ngắn, thách thức lớn nhất là sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên đất nước ta. Theo quyết định của Hội nghị Potsdam, 20 vạn quân Tưởng đã vào miền Bắc nước ta (từ vĩ tuyến 16 trở ra) và quân Anh phải vào miền Nam để giải giáp quân Nhật nhưng đã thỏa thuận nhường việc giải giáp cho quân Pháp. Lợi dụng việc này, ngày 23.9.1945, thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai.
Trong bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ kêu gọi toàn Đảng, toàn dân đoàn kết quyết tâm bảo vệ cách mạng và ra sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh.
Trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, Bác Hồ triển khai nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng. Đầu tiên, Bác gửi công hàm cho các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh và cho Liên Hợp Quốc để thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định tính hợp pháp của Nhà nước ta và tố cáo thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương.
Dự báo trước được việc thực dân Pháp sẽ từ miền Nam kéo quân ra Bắc, Bác Hồ quyết định ký với Pháp Hiệp định sơ bộ về những việc mà hai bên phải làm. Trong quá trình chuẩn bị ký Hiệp định này, Bác được biết Tưởng Giới Thạch đã thỏa thuận với Pháp về việc quân Pháp sẽ thay quân Tưởng thực hiện giải giáp quân Nhật ở miền Bắc.
Để thỏa hiệp với quân Tưởng, vào ngày ký Hiệp định (6.3.1946), Bác cho mời đại diện của Tưởng tham dự và chuyển từ Hiệp định Việt - Pháp thành hiệp định ba bên. Ký được Hiệp định, ta để dành được thời gian xây dựng, củng cố lực lượng. Sau khi Hiệp định được ký kết, Chính phủ ta khéo léo vận dụng điều khoản thay quân của Hiệp định Hoa-Pháp để đẩy quân Tưởng về nước, loại trừ bớt một kẻ thù vô cùng nguy hiểm của cách mạng nước ta.
Cuối tháng 5.1946, Hồ Chủ tịch lên đường sang Pháp với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp. Trên đường đi, Bác tranh thủ thăm một số nước, tiếp xúc với lãnh đạo các nước đó.
Chuyến thăm và làm việc tại Pháp là hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của nước ta trong giai đoạn 1945-1946. Tháng 7.1946, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sang Pháp.
Cuộc đàm phán chính thức Việt - Pháp từ 6.7 đến 12.9.1946 tại lâu đài Fontainebleau. Các thế lực phản động Pháp được Mỹ hậu thuẫn tỏ ra ngoan cố. Chúng trắng trợn xóa bỏ Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3, không chịu chấp nhận bất cứ vấn đề gì đã được đề ra.
Để thể hiện thiện chí của Chính phủ ta, Bác Hồ ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Tạm ước ngày 14.9.1946, trong đó có nhượng bộ Pháp một số vấn đề. Việc ký kết với Pháp Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3 và Tạm ước 14 tháng 9 là đỉnh cao của nghệ thuật ngoại giao của Bác Hồ về nhân nhượng có nguyên tắc.
Đẩy lùi chiến tranh
Nhưng, bản chất xâm lược và hiếu chiến, thực dân Pháp tiếp tục gây xung đột và từng bước mở rộng chiến tranh. Trước vận mệnh dân tộc bị đe dọa, đêm 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, phát huy truyền thống chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc, một lần nữa, toàn thể nhân dân Việt Nam đã đứng lên với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Nhiệm vụ hoạt động ngoại giao lúc này nhắm đến tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ đối với cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do, thống nhất dân tộc ta của các lực lượng dân chủ, yêu hòa bình, chống đế quốc. Bác Hồ đã đưa ra chủ trương đối ngoại “làm bạn với mọi nước dân chủ, không gây thù oán với một ai”. Chủ trương này trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tiến trình hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta.
Đến năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã qua giai đoạn cầm cự, đang chuẩn bị để thực hiện phản công. Lúc này, trên thế giới, nhất là ở châu Á, phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ.
Các diễn biến tích cực của tình hình thế giới, cùng với những thắng lợi ta giành được trên chiến trường, đã tạo những điều kiện thuận lợi để ta tiến hành và giành thắng lợi trong Chiến dịch Biên giới. Toàn bộ dải biên giới phía Bắc được giải phóng tạo điều kiện cho nước ta mở rộng quan hệ quốc tế, đặc biệt là xây dựng liên minh với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa.
Về phía quân Pháp, càng chiến tranh xâm lược phi nghĩa ở Việt Nam, càng bị thất bại nặng nề, hao người tốn của, càng bị lệ thuộc vào Mỹ, nội bộ càng phân hóa và nhân dân Pháp càng đấu tranh mạnh mẽ đòi chấm dứt chiến tranh và đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đứng trước thất bại không thể cứu vãn được trên chiến trường và sức ép của dư luận thế giới cũng như trong nước, Chính phủ Pháp buộc phải chấp nhận yêu cầu của Việt Nam là đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố lập trường của Việt Nam: “Nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì Nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”.
Ngày 8.5.1954, hội nghị bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã khai mạc ở Genève. Trải qua 75 ngày với 31 phiên họp- trong đó có 7 phiên họp toàn thể, 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, ngày 21.7.1954, Hiệp định đã được ký kết. Hiệp định công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Việc ký kết Hiệp định Genève mới chỉ là kết thúc một chặng đường của cuộc kháng chiến gian khổ, trường kỳ của nhân dân Việt Nam để đi tới độc lập, tự do. Hiệp định đã tạo cơ sở pháp lý cho nhân dân ta tiếp tục chiến đấu trong 21 năm nữa để thống nhất đất nước.
Hiệp định Genève đem lại hòa bình và độc lập ở miền Bắc, nhưng miền Nam vẫn còn nằm dưới ách thống trị của Mỹ. Từ đó, với việc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ngành Ngoại giao Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với những hoạt động rất sôi động, phong phú và khẩn trương.
Trong những năm 1955-1960, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn ra sức chống phá Hiệp định Genève nên nhiệm vụ hàng đầu của ngành Ngoại giao là vạch trần âm mưu và tố cáo các hành động phá hoại Hiệp định của chúng, ra sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, vận động viện trợ kinh tế, khoa học kỹ thuật của các nước để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển đất nước.
Giữa cao trào Đồng khởi khắp miền Nam, ngày 20.12.1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Kể từ đó, ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phối hợp với ngoại giao của Mặt trận (sau này là ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đẩy mạnh hoạt động quốc tế lên án đế quốc Mỹ xâm lược, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với Mặt trận.
Sau chiến thắng Xuân Hè 1972, Trung ương Đảng chủ trương chuyển hướng chiến lược, tranh thủ giải pháp hòa bình trong năm 1972 để đưa việc giải quyết cuộc chiến tranh sang một phương thức mới.
Tháng 10.1972, các bên đạt được thỏa thuận nội dung Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đó là kết quả của những cuộc thảo luận sâu sắc, sự phân tích, so sánh, cân nhắc, kết hợp đề xuất của tất cả các bên tham gia đàm phán, trong đó có Dự thảo Hiệp định của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trao cho đoàn Mỹ trước đó.
Đáng lẽ khi đó hội nghị 4 bên đã có thể quyết định ngày ký Hiệp định, nhưng do Nguyễn Văn Thiệu phản đối nên Kissinger phải bay đến Sài Gòn để thuyết phục. Trong cuộc gặp tại Sài Gòn, Thiệu với thái độ hết sức ngoan cố, đã phản đối từng điểm cơ bản của Hiệp định và phớt lờ mọi lời giải thích của Kissinger.
Nhằm gây sức ép với ta, Mỹ đột ngột đem không quân tập kích miền Bắc. Sau trận “Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ phải ngừng ném bom. Ngành Ngoại giao lại tiếp tục đấu tranh đòi Mỹ phải ra tuyên bố công khai việc chính thức chấm dứt ném bom và bắn phá miền Bắc, cam kết sẽ không lặp lại những hành động đó một lần nữa và Mỹ đã chấp nhận.
Ngày 8 tháng 1 năm 1973, Mỹ buộc phải trở lại bàn đàm phán ở Paris. Sau khi đàm phán nhóm họp trở lại, phía Mỹ một lần nữa đưa ra yêu sách đòi ta phải rút quân khỏi miền Nam, nhưng trước sự đấu tranh quyết liệt của ta, Mỹ đã phải rút lại yêu cầu này. Cuối cùng, ngày 27.1.1973, Hiệp định đã được ký kết. Ngày 30.4.1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối, đất nước thống nhất.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-ngoai-giao-thoi-ky-khang-chien-a140688.html