Bài 1: Nhiều sản phẩm được tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố và xuất khẩu

UBND tỉnh Hải Dương đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn phát triển và chuẩn hóa 166 sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 - 4 sao, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; nhiều sản phẩm tăng nhanh về doanh thu bán hàng đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU. Theo báo cáo kết quả điều tra xã hội học: 100% người dân đánh giá chất lượng các sản phẩm OCOP ở mức tốt và rất tốt; 100% người dân đánh giá khả năng mở rộng thị trường của các sản phẩm trong tương lai rất lớn, trong đó 40,8% người dân đánh giá nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu…

Đây là những kết quả nổi bật Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh qua giám sát chuyên đề kết quả thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh.

166 sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 - 4 sao

Sau 2 năm thực hiện Chương trình OCOP (2021 - 2023), các sở, ngành chuyên môn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các đề án, kế hoạch, cơ chế chính sách, truyền thông, tuyên truyền cũng như hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn phát triển và chuẩn hóa 166 sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 - 4 sao, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, tính đến thời điểm 30.6, toàn tỉnh có 234 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng bao gồm: 138 sản phẩm 3 sao, 94 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá 5 sao.

Chất lượng, hình thức, mẫu mã các sản phẩm được chú trọng, tạo được uy tín với khách hàng, bước đầu đã được người tiêu dùng đón nhận; một số sản phẩm đã ký hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, nhiều sản phẩm tăng nhanh về doanh thu bán hàng đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU như: Vải thiều Thanh Hà, nhãn Hoàng Tiến, cà rốt tươi Đức Chính, bánh đa cá rô đồng ăn liền, bánh gai Nga Tới, trứng gà Cẩm Đông, bột sắn dây nguyên chất Thành Nhàn, rượu nếp cái hoa vàng Phương Khiêm, các sản phẩm hương Đức Hùng, gạo nếp cái hoa vàng Phương Khiêm, rau củ quả Tân Minh Đức, chả rươi Hà Tiến, rau củ quả của Công ty cổ phẩn HD-Green....

Theo báo cáo kết quả điều tra xã hội học phục vụ hoạt động giám sát: 100% người dân được lấy phiếu đều bày tỏ sự quan tâm tới chương trình, đề án và các sản phẩm OCOP. Công tác tuyên truyền phát huy được hiệu quả khi có 64,5% người dân biết đến chương trình, đề án OCOP qua phương tiện thông tin báo, đài và hệ thống loa truyền thanh, số còn lại biết đến qua các trang mạng xã hội, tự tìm hiểu. 100% người dân đánh giá chất lượng các sản phẩm OCOP ở mức tốt và rất tốt (44,3% ở mức rất tốt, 55,7% ở mức tốt); 78,7% người dân đánh giá chất lượng các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP đều tốt hơn trước; 86,5% người dân đánh giá mức độ lan tỏa của các sản phẩm đã được người dân nhiều tỉnh, thành lân cận và trên phạm vi cả nước biết đến. Hầu hết các sản phẩm đã có hoạt động quảng bá, trong đó 51,3% người dân đánh giá có nhiều hoạt động quảng bá, có website của cơ sở/quảng bá trên mạng xã hội, có tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trong tỉnh; 100% người dân đánh giá khả năng mở rộng thị trường của các sản phẩm trong tương lai rất lớn, trong đó 40,8% người dân đánh giá nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.

Chưa chú trọng phát triển sản phẩm tiềm năng, sản phẩm mới

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn giám sát chỉ ra: sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm sẵn có, nhiều sản phẩm không mang tính đặc trưng của từng địa phương. Chưa chú trọng phát triển các sản phẩm tiềm năng, sản phẩm mới theo hướng chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu, các làng nghề và làng nghề truyền thống. Sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch chưa được quan tâm phát triển. Nhiều sản phẩm OCOP chưa khẳng định được vị thế, chưa quan tâm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp chất lượng, bao bì, tem nhãn; khi đưa ra thị trường vẫn phải thông qua nhãn mác, thương hiệu của bên thứ 3. Một số sản phẩm OCOP có mẫu mã bao bì đơn giản, chưa thu hút người tiêu dùng. Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa chưa đầy đủ thông tin.

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm chưa phát huy hiệu quả, thiếu đồng bộ, chưa khuyến khích, thúc đẩy chủ thể và sản phẩm OCOP phát triển. Hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế, chưa xây dựng chuyên trang giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh; chưa hình thành hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối chuyên sâu, bài bản để tạo hình ảnh, tăng độ nhận diện và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Nhiều địa phương không có điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP. Theo báo cáo kết quả điều tra xã hội học: 63,4% người dân đánh giá địa phương chưa có quầy hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP. Ứng dụng khoa học công nghệ vào chu trình OCOP còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa thực sự rõ nét, một số nơi vẫn coi đây là chương trình của riêng ngành nông nghiệp nên thiếu sự phối hợp, vào cuộc.

Trần Thu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/bai-1-nhieu-san-pham-duoc-tieu-thu-o-c%C3%A1c-tinh-thanh-pho-va-xuat-khau-i355363/