Bài 1: Nhu cầu điểm đỗ xe ngày càng cấp thiết

Đỗ xe là một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống người dân thành thị nhất là thủ đô Hà Nội. Việc quy hoạch, thiết kế thiếu đồng bộ, khoa học cộng với có thể có lợi ích nhóm đã tạo ra những khó khăn, bức xúc, ức chế cho cuộc sống người dân thủ đô. Báo Nhà báo và Công luận sẽ có tuyến bài về đề tài đang rất ' nóng' này... Thiếu điểm đỗ xe, người dân Hà Nội phải tận dụng mọi diện tích có thể từ đỗ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường, trong các ngõ ngách, thậm chí là tận dụng cả đường nội khu, sân chơi...

LTS: Trong nhiều năm qua, dù TP.Hà Nội đã có những nỗ lực nhưng thực trạng “khát” điểm đỗ xe vẫn hết sức cấp thiết đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đưa ra giải pháp căn cơ trước mắt cũng như lâu dài.

Mỏi mắt tìm điểm đỗ, lo ngại bị chặt chém

Dạo quanh các tuyến phố ở Hà Nội không khó để bắt gặp hình ảnh ô tô, xe máy đỗ tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường. Ghi nhận tại khu vực phường Cát Linh (quận Đống Đa), ô tô đỗ tràn lan 2 bên đường đầu ngõ 168 Hào Nam.

 Hiện các bãi đỗ xe thực hiện theo quy hoạch của Hà Nội vẫn còn ở mức hạn chế.

Hiện các bãi đỗ xe thực hiện theo quy hoạch của Hà Nội vẫn còn ở mức hạn chế.

Anh Nguyên (36 tuổi) chia sẻ :“Tôi có mua một chiếc ô tô để thuận tiện cho công việc và gia đình đi lại, gửi xe ở đây với mức phí 30.000 đồng/giờ được cho là cao nhưng khó có thể tìm được một điểm đỗ xe khác quanh đây nên tôi chấp nhận gửi”.

Còn với anh Minh - sống tại phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm), tìm một chỗ gửi xe tại khu phố cổ không hề đơn giản. Để phục vụ công việc anh cũng mua một chiếc ô tô đi lại nhưng nhiều khi anh phải gửi cách nhà vài cây số, rất bất tiện.

Không chỉ anh Minh mà nhiều người dân sống tại các “tuyến phố lõi” cảm thấy rất mệt mỏi trong việc tìm kiếm một điểm gửi xe và buộc phải gửi ở những “bãi xe chui”, phương tiện phơi mưa nắng mà giá gửi không hề rẻ.

Vừa cùng gia đình chuyển nhà từ TP.Vinh (Nghệ An) ra Thủ đô sinh sống và làm việc, chị Tuyết không khỏi bất ngờ cũng như ngán ngẩm khi mỗi di chuyển bằng ô tô ra đường.

“Đường phố đông đúc, phương tiện chen chúc nhau di chuyển trong giờ cao điểm. Đặc biệt nhiều khi chỉ dừng xe một chút vào siêu thị hay cửa hàng mua đồ là đã thấy có người đứng chờ thu tiền trông xe...”, chị Tuyến nói.

Tại khu vực trước cổng công viên Thủ Lệ, vỉa hè và thậm chí khu vực ga đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội cũng trở thành điểm trông giữ phương tiện.

Một tấm biển điểm trông xe, một người đàn ông với tấm băng bảo vệ đeo trên tay là có thể vô tư mời chào đỗ xe trên vỉa hè. Phụ huynh và các cháu nhỏ buộc phải đi dưới lòng đường nhường vỉa hè cho các phương tiện.

Hay đoạn đường Nghiêm Xuân Yêm (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), do khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ không có hầm để ô tô nên nhiều người dân đỗ xe tràn lan dưới lòng đường, thậm chí chiếm 2,3 làn xe của phương tiện di chuyển.

Việc thiếu các điểm đỗ xe khiến chủ phương tiện buộc phải để tài sản giá trị của mình trên vỉa hè, dưới lòng đường hay tại các điểm trông giữ tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Quá tải hạ tầng đô thị gây áp lực lớn cho giao thông

Số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho thấy, diện tích đất của thành phố dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có.

 Khu vực gầm cầu cũng được sử dụng làm điểm trông giữ phương tiện.

Khu vực gầm cầu cũng được sử dụng làm điểm trông giữ phương tiện.

 Chỉ với 1 tấm biển không có số Giấy phép được cấp, hoạt động trông giữ phương tiện trên vỉa hè, dưới lòng đường.

Chỉ với 1 tấm biển không có số Giấy phép được cấp, hoạt động trông giữ phương tiện trên vỉa hè, dưới lòng đường.

Còn lại 90% nhu cầu đang đỗ tại các bãi đất trống, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng như lòng đường, vỉa hè, bãi xe trong bệnh viện, trường học, công viên; trung tâm thương mại; khu chung cư, trụ sở cơ quan, đơn vị và tại nhà dân.

Với tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện gây áp lực rất lớn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh bãi đỗ, điểm đỗ xe...

Đáng chú ý, hàng loạt vi phạm trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng không theo quy hoạch tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã và đang gây áp lực lớn đến hạ tầng giao thông.

Một loạt dự án dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra các sai phạm. Nhiều đơn vị điều chỉnh quy hoạch sai quy định, nhồi cao ốc tăng tới gấp 6 lần.

Các dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán; có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.

Không chỉ trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu mà hiện nhiều tuyến đường của Hà Nội tại các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình... cũng đang trong tình trạng bị “bủa vây” bởi chung cư, cao ốc.

 Thực trạng loạt chung cư cao tầng mọc lên đã và đang gây ra áp lực lớn với tuyến đường Lê Văn Lương. Ảnh: T.L

Thực trạng loạt chung cư cao tầng mọc lên đã và đang gây ra áp lực lớn với tuyến đường Lê Văn Lương. Ảnh: T.L

KTS. Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, những cái sai như “nhồi” cao ốc sau khi di dời cơ quan, không ưu tiên xây dựng công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe... đã được chỉ ra. Với người dân thì thực trạng “rừng bê tông” này không xa lạ vì nó đã tồn tại hàng chục năm nay giữa Thủ đô.

Nhiều khó khăn vướng mắc

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20% - 26% cho đô thị trung tâm; diện tích đất cho giao thông tĩnh phải đạt 3 - 4%.

Tuy nhiên đến nay, dân số của Hà Nội đã đạt trên 8 triệu người chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người từ các tỉnh, thành phố khác thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố.

Số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến tháng 3/2024 là trên 8 triệu phương tiện các loại với xe ô tô là hơn 1,1 triệu phương tiện và xe máy là gần 6,8 triệu phương tiện.

 Phương tiện để ngổn ngang trên vỉa hè đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Phương tiện để ngổn ngang trên vỉa hè đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy.

Trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 12,13% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26 - 0,3%/năm) và diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới đạt dưới 1%.

Chiều 13/5/2024, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV tại Đơn vị bầu cử số 4 (quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm). Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường chủ trì phiên tiếp xúc.

Trước kiến nghị về những khó khăn, nhất là việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe phục vụ nhân dân trên địa bàn, ông Nguyễn Phi Thường cho biết, theo quy hoạch giao thông tĩnh của Hà Nội sẽ có 1.620 bãi đỗ xe.

Nhưng hiện mới đưa vào khai thác được 57 bãi đỗ xe, còn lại đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và còn rất nhiều vướng mắc.

Thời gian tới thành phố sẽ cân đối nguồn lực để sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông bảo đảm đồng bộ, phù hợp với nguồn lực.

( Đón xem Bài 2: Ngân sách thất thu, nhiều hệ lụy về mất an ninh trật tự, mỹ quan đô thị)

Thế Anh - Bảo Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-1-nhu-cau-diem-do-xe-ngay-cang-cap-thiet-post298814.html