Bài 1: Những chính sách thiết thực, hiệu quả
Những năm qua, đồng bào dân tộc Lự (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương, nguyện một lòng theo Đảng và Bác Hồ. Nhờ những chính sách thiết thực, hiệu quả của Đảng, nhà nước, sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đồng bào dân tộc Lự nơi đây đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, 100% trẻ em được đến trường, diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc.
Dân tộc Lự là một trong những dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu (có số dân dưới 10.000 người), sinh sống chủ yếu ở huyện Tam Đường và Sìn Hồ. Tại huyện Tam Đường, dân tộc Lự sinh sống chủ yếu ở xã Bản Hon. Xã Bản Hon có 8 bản, với 594 hộ, trên 2.950 nhân khẩu, trong đó đồng bào Lự chiếm hơn 90%.
Theo những già làng trong xã, từ năm 1995 trở về trước đồng bào dân tộc Lự ở Bản Hon chỉ biết trồng lúa, ngô theo phương thức canh tác lạc hậu, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, vì vậy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp; cái đói, nghèo đeo bám quanh năm, tỷ lệ hộ nghèo cao. Không chỉ vậy, xã chưa có điện lưới quốc gia. Không có điện ảnh hưởng rất lớn tới việc học của con trẻ, người dân khó tiếp cận các mô hình phát triển kinh tế mới trên các phương tiện thông tin đại chúng dẫn tới trình độ dân trí thấp, cuộc sống lại càng khó khăn gấp bội phần.
Mặc dù xuất phát điểm thấp nhưng đồng bào dân tộc Lự nơi đây luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống mới. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ năm 2012, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Bản Hon được đầu tư kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) khang trang, các tuyến đường liên bản, nội bản được đổ bê tông sạch đẹp. Đặc biệt, năm 2012 xã Bản Hon được lắp đặt hệ thống điện lưới quốc gia, bà con được tiếp cận với "ánh sáng tri thức", "ánh sáng văn minh", từ đó tạo động lực để đồng bào dân tộc Lự yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, con đường nối từ bản Nà Khum tới bản Bãi Trâu (xã Bản Hon) được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 8,6 tỷ đồng; Bản Thẳm được hỗ trợ làm đường nội đồng với kinh phí trên 5,4 tỷ đồng, từ đó giúp việc đi lại của người dân thuận tiện, giao thương buôn bán của người dân với các xã lân cận được cải thiện hơn. Song song với đó, xã được đầu tư 4 công trình thủy lợi (Huổi Ít 2, Nà Nong Luống, Mương Tỏn, Huổi Ít) giúp phân phối nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp thuận lợi.
"Có sự thay đổi như ngày nay, trong mỗi người dân đồng bào dân tộc Lự ở xã Bản Hon, Bác Hồ luôn là niềm tin, niềm tự hào. Bà con một lòng theo Đảng, nhớ ơn Bác Hồ, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của nhà nước, không tin, không nghe theo kẻ xấu, luôn đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày một ấm no. Xã tích cực tuyên truyền cán bộ, đảng viên và bà con đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ”- đồng chí Tao Văn Ín - Phó Bí thư Đảng ủy xã Bản Hon chia sẻ.
Bà con dân tộc Lự luôn nở nụ cười tươi chào đón những vị khách tới thăm không chỉ bởi họ thân thiện, mến khách, mà những nụ cười đó thể hiện cuộc sống ngày một đủ đầy, hạnh phúc. Nhờ có chính sách của Đảng, nhà nước, bà con được hỗ trợ mô hình sinh kế trong trồng trọt, chăn nuôi (hỗ trợ tiền mua trâu, lợn; giống chè, phân bón), góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho bà con. Đến với các bản: Bãi Trâu, Đông Pao II, Chăn Nuôi... chúng tôi thấy những bắp ngô treo đầy hiên nhà, lúa đầy sân báo hiệu một cuộc sống ấm no đang về.
Được sự quan tâm của nhà nước, theo Quyết định 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong 2 năm (2022, 2023) có 3 bản: Bản Thẳm, Bãi Trâu, Đông Pao II (bản đặc biệt khó khăn của xã Bản Hon) với 127 hộ được hỗ trợ tiền mua trâu, với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng, tạo sinh kế cho bà con vươn lên phát triển kinh tế. Để trâu sinh trưởng, phát triển tốt, xã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp xuống các bản hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, xây dựng chuồng kiên cố, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin. Qua đó, đàn trâu của xã phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập cao cho bà con. Cùng với đó, 25 hộ dân của bản Đông Pao II được hỗ trợ 20 triệu đồng để nuôi lợn sinh sản (tổng đàn lợn hỗ trợ là 200 con) giúp người dân tạo sinh kế ổn định.
Trao đổi với chúng tôi, anh Tao Văn Kẻo - Trưởng bản Bãi Trâu cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước thông qua các chương trình, dự án, năm 2017 người dân trong bản được hỗ trợ giống chè, phân bón, đến năm 2021 chè bắt đầu cho thu hoạch, bà con phấn khởi lắm, cả bản hiện có 12ha chè, cho thu nhập ổn định. Song song với đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2022 mỗi gia đình được hỗ trợ hơn 18 triệu đồng để mua trâu sinh sản, hiện đàn trâu sinh trưởng, phát triển tốt, cả bản có 40 con. Từ nguồn hỗ trợ của nhà nước cộng với thay đổi nếp nghĩ cách làm, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất, chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con".
Nếu so với 20 năm trước, đồng bào dân tộc Lự đã có những bước phát triển vượt bậc, nhân dân xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng chè, trồng mắc-ca, chăn nuôi trâu, lợn theo hướng hàng hóa, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Đồng bào dân tộc Lự đồng lòng, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đảm bảo quốc phòng - an ninh.