Bài 1: Những tồn tại của Nghị định 95

Tuy được ban hành để sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu nhưng Nghị định 95/2021/NĐ-CP (Nghị định 95) vẫn còn tồn tại nhiều điều không phù hợp thực tế, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Nghị định số 95/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành vào ngày 1/11/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 2/1/2022. Theo đó, Nghị định 95 được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu.

Khi Nghị định 95 vừa được ban hành, áp dụng vào thực tiễn đã có những bất cập, dù trước khi ban hành đã 5 lần sửa đổi với hàm lượng bổ sung, sửa đổi lớn với 22/43 điều. Trong đó, tại Điều 2 khoản 2 của Nghị định 95 về hiệu lực thi hành quy định: bãi bỏ khoản 6 Điều 9, khoản 18 Điều 9, khoản 7 Điều 15, khoản 7 Điều 18, Điều 36, điểm e khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 40 của Nghị định số 83 ngày 3 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tuy đã có nhiều ý kiến kiến nghị, nhưng hơn 1 năm nay, Nghị định 95 vẫn đang được lấy ý kiến để tiếp tục cập nhật, sửa đổi.

Sau khi được ban hành, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu tiếp tục được kiến nghị với những bất cập gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh xăng dầu của nhiều doanh nghiệp.

Sau khi được ban hành, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu tiếp tục được kiến nghị với những bất cập gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh xăng dầu của nhiều doanh nghiệp.

Một số thay đổi tại Nghị định 95 về đảm bảo dự trữ, lưu thông xăng dầu dẫn đến việc điều hành không linh hoạt, gây bất cập. Cụ thể, Nghị định 83 quy định, doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo dự trữ, lưu thông trong 30 ngày; các doanh nghiệp sản xuất dự trữ dầu thô từ 30 – 60 ngày, phòng khi có sự cố bất ngờ thì các cơ quan chức năng có thể chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối kịp thời nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo phục vụ thị trường để tránh đứt gãy nguồn cung. Điều này được quy định rõ ở Nghị định 83, nhưng đến Nghị định 95 thì được rút ngắn xuống còn 20 ngày, khiến tiềm ẩn những rủi ro khi các nhà máy lọc dầu bị thiếu hụt nguồn cung, gây đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước.

Cùng nguyên do, khi Nghị định 95 tiếp tục rút ngắn quy định của Nghị định 83 về việc đến kỳ điều hành, cơ quan quản lý Nhà nước chưa điều hành thì doanh nghiệp được tăng bao nhiêu % theo khung mức. Điều này chưa được thể hiện trong Nghị định 95, chỉ đề cập “tăng trên 10% thì báo cáo Chính phủ điều hành”. Nghị định 95 được đánh giá chưa thể hiện được việc để doanh nghiệp dần tiếp cận thị trường, chủ động trong kinh doanh, còn cơ quan quản lý Nhà nước minh bạch trong công tác điều hành như Nghị định 83.

Bên cạnh đó, về việc điều hành thị trường xăng dầu, công thức tính giá cơ sở xăng dầu hiện còn những bất cập gây bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu. Trong buổi làm việc giữa Đoàn giám sát Quốc hội và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã nhận định về việc Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu hiện đang tồn tại nhiều bất cập trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Ông Huyên cho rằng, việc nhập khẩu dầu thô theo giá quốc tế nhưng sản xuất, bán ra với giá trong nước theo công thức tính giá xăng dầu của Nghị định 95 có thể sẽ khiến 2 nhà máy lọc dầu trong nước là NMLD Dung Quất và Nghi Sơn buộc phải chịu lỗ.

Hiện Nghị định 95 đang được tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi để đảm bảo việc kinh doanh của các đơn vị và tránh đứt gãy nguồn cung xăng dầu.

Hiện Nghị định 95 đang được tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi để đảm bảo việc kinh doanh của các đơn vị và tránh đứt gãy nguồn cung xăng dầu.

Với nhiều tồn tại trong Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã có ý kiến và đã có đơn trình lên Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị sớm sửa đổi và ban hành lại Nghị định. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiệm vụ soạn thảo Dự thảo sửa đổi các Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu và đã trình lên Chính phủ. Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát, kết hợp gửi Công văn cho các Bộ ngành, địa phương về việc rà soát và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Dự thảo mới sẽ tập trung vào việc sửa đổi thời gian điều hành giá, với thời gian điều hành từ 10 ngày xuống còn 7 ngày; sửa đổi quy định về điều kiện cấp phép, quy định về việc nhập nguồn cung xăng dầu của doanh nghiệp, các hoạt động của doanh nghiệp đầu mối… Ngoài ra, Nghị định mới cũng sẽ có các quy định được định hướng sẽ đưa các mặt hàng xăng dầu từng bước vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường nhằm giải quyết những mối quan hệ kinh tế giữa các đơn vị tham gia trong thị trường xăng dầu.

Thành Linh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-1-nhung-ton-tai-cua-nghi-dinh-95-691234.html