Bài 1: Nỗi khổ khi phải mua thêm gói bảo hiểm
Việc muốn được giải ngân gói vay, khách hàng buộc phải ký vào một hợp đồng nhân thọ đi kèm là hiện tượng khiến người dân bức xúc trong một thời gian dài. Vì vậy, trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua được nhiều người chờ đợi bởi trong bộ Luật này, hành vi ngân hàng bán bảo hiểm đã bị nghiêm cấm.
“Ngân hàng bán bảo hiểm” và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi):
Người dân bức xúc, doanh nghiệp kêu khổ khi ngân hàng bán bảo hiểm
Đã từng vay ngân hàng và chứng kiến chuyện ngân hàng bán bảo hiểm, chị Trịnh Thu Hương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã phải chấp nhận bỏ 1 số tiền để ký vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Chị Hương cho biết, trước đó chị có nhu cầu mua nhà chung cư, nhưng do nguồn vốn tự có không đủ nên chị đã đến làm thủ tục vay vốn mua nhà tại ngân hàng B…
Với khoản vay 1 tỷ đồng trong 10 năm, chị Hương được nhân viên tư vấn là phải mua thêm gói bảo hiểm cho người vay vốn với giá trị rẻ nhất là gần 13 triệu đồng cho năm đầu tiên, những năm sau thì có thể lựa chọn mua hoặc không mua.
Chị Hương kể lại: “Thời điểm đó, nhân viên ngân hàng yêu cầu tôi phải mua gói bảo hiểm này thì mới đồng ý giải ngân cho vay. Họ cũng giải thích lý do đây là gói bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng, nếu chẳng may khách hàng có… mệnh hệ gì thì sẽ có bảo hiểm đứng ra trả khoản vay cho ngân hàng.”
Tương tự, anh Trần Văn Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước đây khi làm hồ sơ vay vốn tại một ngân hàng thương mại cổ phần để vay 5 tỷ đồng. “Lãi suất mà ngân hàng đưa ra lúc đầu là 9,99%/năm. Nhưng khi ký hợp đồng tín dụng, họ lại bảo tôi phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ thì mới đủ điều kiện vay và được giải ngân sớm. Khoản bảo hiểm họ bảo tôi đóng là 50 triệu đồng, tương đương với khoản vay 5 tỷ đồng", anh Hòa kể lại.
Cũng theo chia sẻ của anh Hòa, kiểu ép mua bảo hiểm này của ngân hàng đã đặt khách vào tình cảnh "cực chẳng đã" vì khi đó, thời điểm anh cần tiền để đóng tiền nhà đã cận kề.
"Không đồng ý mua cũng không được, vì nếu chạy đi tìm ngân hàng khác thì tôi không còn đủ thời gian. Vì từ lúc nộp hồ sơ đến khi ngân hàng đi thẩm định, cấp quyết định cho vay cũng mất mấy hôm rồi" – anh bức bối kể lại. Không chỉ người dân, kể cả đại diện các doanh nghiệp cũng nhiều lần lên tiếng về “vấn nạn” này.
Hồi tháng 6/2023, tại hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố" được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, đại diện một doanh nghiệp phản ánh, doanh nghiệp rất cần vốn tín dụng ngân hàng nhưng nếu cuối năm ngoái là khó khăn về hạn mức (room) tín dụng, ngân hàng đang giải ngân thì hết room nên ngừng lại. Đến khi mở room, lãi suất đột ngột tăng cao lên hơn 11-12%/năm khiến doanh nghiệp không dám vay.
"Đến khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, lại phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân. Nhân viên ngân hàng chỉ đưa ra một lựa chọn cho doanh nghiệp, mua bảo hiểm mới được lãi suất ưu đãi, không mua thì phải chịu lãi suất cao hoặc không được giải ngân. Đây là một cách "lách" của ngân hàng nên dù đã có quy định cấm, doanh nghiệp vẫn rất khó" – doanh nghiệp này than.
Trước đó, tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng, đại diện một Công ty xây dựng cũng cho biết khi vay vốn ở ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bị bắt buộc phải mua bảo hiểm.
“Doanh nghiệp không có tiền, phải “cắn răng” vay, nhờ ngân hàng cứu giúp cho doanh nghiệp. Thậm chí lương không có trả, họ vay để trả; thuế không có để đóng, thì ngân hàng phải thấu hiểu chứ sao lại bắt buộc mua bảo hiểm. Doanh nghiệp khó khăn vay tiền về làm ăn mà bắt mua bảo hiểm là trái ngược”, đại diện doanh nghiệp này bức xúc.
Ngoài ra, người này còn cho biết, có trường hợp khi ngân hàng ép doanh nghiệp mua bảo hiểm nhưng doanh nghiệp không mua thì phải cam kết rút tiền mặt làm doanh nghiệp tốn nhiều chục triệu.
Những trăn trở
Tại các cuộc họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng đã từng rất trăn trở về vấn đề này.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, góp ý vào Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn ĐBQH Bình Dương) cho biết, thời gian vừa qua, nhiều tranh chấp xảy ra giữa cá nhân, tổ chức có hoạt động vay vốn ngân hàng gửi tiết kiệm và sử dụng các dịch vụ với các tổ chức tín dụng nói chung và hệ thống ngân hàng riêng.
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, thực tế, có tình trạng các tổ chức tín dụng sử dụng hợp đồng cấp tín dụng không rõ ràng, không minh bạch thông tin về lãi suất, mức phí, mức lãi phạt, loại hình, mục đích sản phẩm. Nhiều trường hợp, khách hàng không đọc kỹ hợp đồng do nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu dẫn đến thiệt thòi, quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra.
Đặc biệt, có tình trạng khách hàng, nhất là khách hàng lớn tuổi đến ngân hàng gửi tiết kiệm, nhưng được tư vấn mua hợp đồng bảo hiểm, mua trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại cung cấp hợp đồng, cấp tín dụng cho khách hàng kèm hợp đồng bảo hiểm và xem đây là điều kiện để giải ngân.
Còn đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn ĐBQH Bắc Giang), cho rằng cần cân nhắc việc để cho ngân hàng làm đại lý bảo hiểm. Bởi vì vấn đề này qua lý luận sẽ gặp tình trạng xung đột lợi ích và thực tiễn đã chứng minh.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, mức chiết khấu 70-80% cho doanh thu phí bảo hiểm 2 năm đầu đối với bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và hỗn hợp là mức rất hấp dẫn. Các bên rất khó có thể cưỡng lại và việc kiểm soát rất khó khăn…
(Còn nữa)