Bài 1: Phân tích điểm mạnh - điểm yếu phát triển công nghiệp Quảng Ninh
Bài viết chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu chủ yếu trong phát triển công nghiệp của Quảng Ninh, làm cơ sở đề xuất các giải pháp chiến lược trong thời gian tới.
Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng, giảm sự phụ thuộc vào 'kinh tế nâu'.Tỉnh cũng chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, và các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đồng thời đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, và cụm công nghiệp.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã xác định công nghiệp là một trong những ngành kinh tế trụ cột, đóng vai trò then chốt trong chuyển dịch cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế địa phương. Với lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, hạ tầng kết nối, tài nguyên thiên nhiên và môi trường đầu tư thuận lợi, Quảng Ninh đang từng bước chuyển mình từ một trung tâm công nghiệp khai khoáng sang phát triển công nghiệp xanh, công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế rõ nét, công nghiệp Quảng Ninh vẫn đang đối mặt với một số hạn chế và thách thức nhất định trong quá trình phát triển bền vững và hiện đại hóa.
Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng loạt bài viết của TS.LS, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp với chủ đề: Nhận diện thời cơ, thuận lợi và khó khăn để Quảng Ninh phát triển công nghiệp xanh, bền vững.
Bài 1: Phân tích điểm mạnh - điểm yếu phát triển công nghiệp Quảng Ninh

1. ĐIỂM MẠNH
Vị trí địa lý chiến lược
Tỉnh Quảng Ninh sở hữu vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế. Là cửa ngõ giao thương quốc tế phía Bắc của Việt Nam khi tiếp giáp với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái – là một trong những điểm kết nối quan trọng của hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và gần các trung tâm kinh tế lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, tạo thuận lợi cho liên kết vùng, phát triển công nghiệp phụ trợ và logistics.
Nằm trên trục phát triển trọng điểm của quốc gia và khu vực, Quảng Ninh có điều kiện thuận lợi để triển khai các chiến lược liên kết vùng, hội nhập quốc tế và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng bền vững Phù hợp định hướng phát triển “Một vành đai, hai hành lang” và các chiến lược vùng.
Quảng Ninh là cầu nối trực tiếp giữa thị trường ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc, góp phần đưa tỉnh trở thành một trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ công nghiệp của khu vực phía Bắc.

Hệ thống hạ tầng đồng bộ và kết nối đa phương thức
Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trên cả nước có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển toàn diện, đồng bộ giữa đường bộ, đường biển, đường sắt và hàng không, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển công nghiệp và logistics. Cụ thể:
Đường bộ: Hệ thống cao tốc hiện đại gồm các tuyến: Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội, rút ngắn thời gian di chuyển từ Quảng Ninh đến các trung tâm kinh tế lớn phía Bắc. Kết nối trực tiếp các khu công nghiệp trọng điểm như KCN Đông Mai, KCN Hải Yên, KCN Texhong Hải Hà với các cảng biển và cửa khẩu.
Đường biển: Cảng biển nước sâu Cái Lân – cảng loại I, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn, phục vụ trực tiếp xuất nhập khẩu công nghiệp. Cụm cảng Hải Hà – Vạn Gia – Móng Cái đang được đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực logistics khu vực biên giới.
Đường hàng không: Sân bay quốc tế Vân Đồn hiện đại, hoạt động thương mại và hàng hóa, kết nối Quảng Ninh với các trung tâm kinh tế, tài chính lớn trong nước và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Góp phần thu hút đầu tư công nghệ cao, công nghiệp có yêu cầu logistics cao.
Đường sắt: Tuyến đường sắt Hạ Long – Cái Lân – Yên Viên đang được quy hoạch phát triển, phục vụ vận chuyển hàng hóa công nghiệp. Hướng kết nối đường sắt với Trung Quốc qua Móng Cái sẽ mở rộng không gian giao thương quốc tế.
Hạ tầng khu công nghiệp – đô thị: Các khu công nghiệp lớn (KCN Hải Hà, KCN Đông Mai, KCN Việt Hưng...) được quy hoạch bài bản, hạ tầng đồng bộ về điện, nước, viễn thông, xử lý môi trường. Hệ thống logistics, kho vận, trung tâm dịch vụ logistics đang được đầu tư để hình thành trung tâm công nghiệp – logistics vùng Đông Bắc.
Môi trường đầu tư năng động, cải cách thủ tục hành chính
Quảng Ninh là địa phương đi đầu cả nước trong cải cách thể chế, đổi mới tư duy quản trị và xây dựng chính quyền phục vụ, qua đó tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch và hiệu quả cho các doanh nghiệp công nghiệp. Những điểm nổi bật bao gồm:
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở nhóm dẫn đầu cả nước: Quảng Ninh 6 năm liên tiếp (2018–2023) giữ vững vị trí quán quân PCI, phản ánh sự hài lòng cao của cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền tỉnh. Trong đó các chỉ số thành phần như "Chi phí thời gian", "Tiếp cận đất đai", "Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp" đều đạt điểm rất cao.
Mô hình chính quyền đồng hành – phục vụ doanh nghiệp: Tỉnh duy trì hiệu quả các mô hình: “Cà phê doanh nhân”, “Tổ công tác xúc tiến và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư”, “Trung tâm phục vụ hành chính công” với tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt trên 98%. Chủ trương của tỉnh là “một cửa, tại chỗ, minh bạch” giúp rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, thủ tục xây dựng, đất đai, môi trường, PCCC, hải quan...
Chuyển đổi số trong cải cách hành chính: Tỉnh triển khai đồng bộ các nền tảng số trong giải quyết thủ tục hành chính, quản lý khu công nghiệp, cấp phép đầu tư qua môi trường mạng. Doanh nghiệp có thể theo dõi tiến độ, kết quả xử lý hồ sơ trực tuyến, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Cơ chế linh hoạt, ưu tiên cho nhà đầu tư chiến lược: Quảng Ninh xây dựng cơ chế đặc thù, ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư công nghiệp, góp phần thu hút các tập đoàn lớn như Foxconn, Amata, Texhong, Jinko Solar...Thường xuyên đối thoại và giải quyết nhanh chóng các kiến nghị của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Nguồn tài nguyên phong phú – nền tảng thúc đẩy công nghiệp chế biến, năng lượng và vật liệu
Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng tài nguyên thiên nhiên đa dạng bậc nhất cả nước, đặc biệt là về khoáng sản, biển và rừng. Đây là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm như khai thác – chế biến than, năng lượng, vật liệu xây dựng, công nghiệp ven biển...
- Khoáng sản than – lợi thế độc tôn: Quảng Ninh được mệnh danh là "thủ phủ than" của cả nước với trữ lượng lớn, tập trung tại Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Uông Bí...Than đá không chỉ phục vụ sản xuất điện mà còn là đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp chế biến sâu, luyện kim, hóa chất. Việc tái cơ cấu ngành than hướng tới khai thác hiệu quả, an toàn và thân thiện môi trường là chiến lược quan trọng trong chuyển dịch công nghiệp của tỉnh.
- Tài nguyên biển và ven biển: Quảng Ninh có bờ biển dài hơn 250 km, trên 2.000 hòn đảo và vùng biển rộng lớn, thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp chế biến thủy sản, đóng tàu, logistics cảng biển và công nghiệp ven biển. Vùng biển Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn... đang được quy hoạch phát triển thành trung tâm công nghiệp – dịch vụ cảng và đô thị ven biển.
- Tài nguyên đất và nguyên liệu cho vật liệu xây dựng: Quảng Ninh có trữ lượng lớn đá vôi, đá xây dựng, cao lanh, đất sét, cát thủy tinh... là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp xi măng, gốm sứ, vật liệu xây dựng mới. Một số dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất gạch, kính, xi măng, vật liệu không nung đã và đang hoạt động hiệu quả tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên...
- Tiềm năng năng lượng tái tạo: Ngoài than, tỉnh có tiềm năng phát triển năng lượng gió ven biển, điện mặt trời và các hình thức điện sinh khối từ nguồn phụ phẩm công – nông nghiệp. Đây là tiền đề để Quảng Ninh phát triển các khu công nghiệp sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải carbon.

Cảnh đẹp trên khu vực cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Quỹ đất công nghiệp lớn - dư địa phát triển lâu dài, linh hoạt
Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030, Quảng Ninh xác định công nghiệp là ngành trụ cột để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng bền vững. Phương án quy hoạch phát triển không gian công nghiệp được xây dựng theo hướng đồng bộ – phân vùng hợp lý – gắn với hạ tầng – bảo vệ môi trường. Định hướng phát triển khoảng 20 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 11.000 ha, tập trung tại các hành lang phát triển công nghiệp: Hạ Long – Quảng Yên; Đông Triều – Uông Bí; Móng Cái – Hải Hà – Đầm Hà và phát triển thêm trên 40 cụm công nghiệp, quy mô mỗi CCN khoảng 50–75 ha, bố trí tại các huyện/thị xã để phát triển công nghiệp địa phương, hỗ trợ chuyển dịch lao động nông thôn.
Tỉnh Quảng Ninh có lợi thế nổi bật về quỹ đất công nghiệp quy hoạch bài bản, diện tích lớn, vị trí chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các khu công nghiệp tập trung, thu hút các nhà đầu tư quy mô lớn và định hướng lâu dài. Các điểm nhấn chính bao gồm:
Diện tích đất khu công nghiệp hiện có và tiềm năng mở rộng lớn
Hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, sẵn sàng mặt bằng: Các khu công nghiệp như KCN Đông Mai (Quảng Yên), KCN Hải Yên (Móng Cái), KCN Texhong Hải Hà, KCN Bắc Tiền Phong (thuộc DEEP C) đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước, xử lý môi trường). Nhà đầu tư có thể tiếp cận quỹ đất sạch, pháp lý rõ ràng, hạ tầng kết nối nhanh chóng, rút ngắn thời gian triển khai dự án.
Vị trí quỹ đất gần cảng biển, sân bay, cửa khẩu: Các khu công nghiệp đều gắn với hệ thống giao thông thuận lợi: gần đường cao tốc, cảng biển (Cái Lân, Hải Hà), sân bay Vân Đồn và cửa khẩu Móng Cái, thuận tiện cho xuất nhập khẩu, logistics và sản xuất quy mô lớn.
Định hướng phát triển khu công nghiệp chuyên đề, sinh thái: Quảng Ninh chủ trương phát triển các khu công nghiệp theo mô hình hiện đại, có khả năng tiếp nhận các ngành công nghệ cao, công nghiệp xanh và công nghiệp phụ trợ. Một số khu như KCN Bắc Tiền Phong, Song Khoai, Hải Hà giai đoạn 2 đã được định hướng theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, đa chức năng, tích hợp đô thị – dịch vụ.
Cam kết chuyển dịch sang công nghiệp sạch – xanh
Nhận thức rõ những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng công nghiệp từ "nâu" sang "xanh". Đây là bước đi chiến lược để bảo đảm phát triển công nghiệp lâu dài, hiệu quả, phù hợp với xu thế toàn cầu.
- Chủ trương đóng cửa mỏ than lộ thiên, hạn chế công nghiệp ô nhiễm: Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên ở một số khu vực đô thị, tiến tới phục hồi môi trường và tái định hướng sử dụng đất công nghiệp hiệu quả. Chủ động không thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường như luyện kim, hóa chất độc hại, nhiệt điện than mới...
- Ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch: Tỉnh tập trung kêu gọi các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực: sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, công nghệ sinh học...Các khu công nghiệp mới như KCN Song Khoai, KCN Bắc Tiền Phong, KCN Hải Hà giai đoạn 2 được quy hoạch theo hướng khu công nghiệp sinh thái, phát thải thấp.
- Yêu cầu cao về đánh giá môi trường trong quy hoạch và đầu tư: Quảng Ninh áp dụng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt trong phê duyệt dự án công nghiệp; gắn trách nhiệm giảm phát thải – bảo vệ môi trường với doanh nghiệp. Các KCN buộc phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn, khu xử lý chất thải riêng, và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn.
- Gắn phát triển công nghiệp với bảo tồn cảnh quan và du lịch.Mô hình "công nghiệp không khói – công nghiệp xanh" được ưu tiên tại các vùng giáp ranh khu du lịch (Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô...). Tỉnh khuyến khích hình thành các cụm công nghiệp sạch, thân thiện môi trường ở những khu vực có giá trị sinh thái cao.
- Ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn trong sản xuất: Quảng Ninh định hướng phát triển công nghiệp thông minh (smart industry), khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu suất và giảm chất thải. Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong các KCN, như tái sử dụng phụ phẩm, tuần hoàn nước sản xuất, kết nối doanh nghiệp theo chuỗi bền vững.

1. ĐIỂM YẾU
Bên cạnh nhiều lợi thế vượt trội, quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh cũng đang đối mặt với một số điểm yếu và hạn chế mang tính căn cơ, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh dài hạn và hiệu quả sử dụng tài nguyên. Các điểm yếu chủ yếu bao gồm:
Cơ cấu công nghiệp còn thiên lệch, phụ thuộc khai khoáng
Ngành công nghiệp khai thác than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP ngành công nghiệp, gây áp lực về môi trường và phụ thuộc vào tài nguyên hữu hạn.
Trong quý II/2025, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đặt mục tiêu sản lượng than tiêu thụ đạt 15,8 triệu tấn, bằng 28,7% kế hoạch năm, nâng tổng tiêu thụ 6 tháng đầu năm lên khoảng 28,5 triệu tấn (đạt 57% kế hoạch)
Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến – chế tạo tuy có tăng nhưng giá trị gia tăng còn thấp, chủ yếu gia công, lắp ráp, thiếu các khâu công nghệ cao.
Thiếu liên kết chuỗi giá trị và công nghiệp phụ trợ
Các ngành công nghiệp tại Quảng Ninh còn rời rạc, thiếu liên kết chiều sâu giữa các doanh nghiệp nội tỉnh cũng như giữa doanh nghiệp trong nước và FDI.
Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, dẫn đến việc phụ thuộc nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu, làm giảm sức cạnh tranh.
Hạn chế về nhân lực công nghiệp chất lượng cao
Nguồn lao động kỹ thuật, chuyên gia trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, tự động hóa, năng lượng mới còn thiếu và yếu.
Các trung tâm đào tạo nghề, đại học trong tỉnh chưa đáp ứng kịp tốc độ và yêu cầu chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp.
Một số khu công nghiệp triển khai chậm, hạ tầng chưa đồng bộ
Một số KCN (như Hải Hà giai đoạn mở rộng, KCN cảng biển...) gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, kết nối hạ tầng cấp điện, nước, giao thông.
Việc chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng dẫn đến khó thu hút các nhà đầu tư quy mô lớn, yêu cầu cao.
Chất lượng môi trường đầu tư chưa đồng đều giữa các địa bàn
Dù môi trường đầu tư toàn tỉnh được đánh giá cao, nhưng tại một số huyện xa trung tâm, thủ tục hành chính, năng lực cán bộ, quỹ đất sạch vẫn còn là rào cản.
Chưa hình thành đồng bộ các dịch vụ hậu cần, logistics, khu nhà ở công nhân tại nhiều KCN.
Khả năng thích ứng mô hình công nghiệp xanh còn hạn chế
Việc triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái, công nghiệp phát thải thấp vẫn ở giai đoạn thí điểm, thiếu cơ chế tài chính hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Cụm công nghiệp chưa có đủ năng lực để đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện môi trường.

III. GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ CÔNG NGHIỆP
Trên cơ sở phân tích hiện trạng, điểm yếu và bối cảnh mới, tỉnh Quảng Ninh cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp sau để tháo gỡ điểm nghẽn và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư công nghiệp:
Hoàn thiện thể chế và quy hoạch
Tiến hành rà soát, điều chỉnh, tích hợp quy hoạch các KCN/CCN, KKT vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng đồng bộ với Quy hoạch quốc gia.
Thiết lập cơ chế “một cửa liên thông số hóa” cho nhà đầu tư FDI, DDI tiếp cận nhanh thông tin quy hoạch – đất đai – môi trường – xây dựng.
Phân quyền mạnh cho cấp xã, phường trong xử lý thủ tục đầu tư, tránh dồn lên tỉnh, rút ngắn thời gian cấp phép.
Tăng tốc phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu công nghiệp
Tạo quỹ đất sạch sẵn sàng thông qua hỗ trợ GPMB có chính sách bồi thường, tái định cư linh hoạt, công khai.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch tại các KCN, CCN trọng điểm như Hải Hà, Bắc Tiền Phong, Đông Mai (mở rộng), Song Khoai.
Ưu tiên đầu tư các hệ thống hạ tầng kết nối KCN với cao tốc, cảng biển, sân bay và logistics hỗ trợ sản xuất.
Xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, chất thải, điện ổn định, viễn thông tốc độ cao, sẵn sàng tiếp nhận các ngành công nghệ cao.
Tăng cường cải cách hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư
Duy trì và mở rộng mô hình “Tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư”, “Cà phê doanh nhân”, “Trung tâm Hành chính công – một cửa liên thông”.
Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu nối hạ tầng, thẩm định môi trường, PCCC...
Áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, số hóa hồ sơ đầu tư, theo dõi tiến độ xử lý minh bạch.
Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao
Hợp tác giữa tỉnh và các tập đoàn, doanh nghiệp FDI trong đào tạo nghề theo đơn đặt hàng.
Xây dựng “Tam giác đào tạo nghề chất lượng cao vùng Đông Bắc” (Quảng Ninh – Hải Phòng – Hải Dương), hướng tới chuẩn kỹ năng ASEAN.
Tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đổi mới chương trình sát với yêu cầu sản xuất công nghiệp hiện đại.
Liên kết với các trường đại học, cao đẳng nghề mở ngành đào tạo theo đơn đặt hàng doanh nghiệp (dual training).
Đầu tư trung tâm đào tạo kỹ thuật vùng (giống mô hình Samsung – Bắc Ninh).
Chính sách giữ chân và thu hút nhân lực chất lượng cao (nhà ở xã hội, chính sách an sinh, học bổng…).
Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn
Ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, ưu tiên các dự án công nghiệp xanh, công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động kỹ thuật.
Đề xuất chính sách ưu đãi riêng cho nhà đầu tư vào CCN tại vùng khó khăn, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp sinh thái.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, quỹ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ R&D.
Áp dụng tối đa chính sách ưu đãi theo Luật Đầu tư và các Nghị định đặc thù cho KKT, KCN: thuế TNDN 10% trong 15 năm, miễn 4 giảm 9, miễn thuế nhập khẩu thiết bị, miễn tiền thuê đất 15–50 năm.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa công nghiệp phụ trợ tiếp cận tín dụng, mặt bằng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Tạo Quỹ phát triển hạ tầng KCN – KKT tỉnh Quảng Ninh, hỗ trợ cho các nhà đầu tư hạ tầng có năng lực.
Tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng bền vững
Giảm dần tỷ trọng khai thác tài nguyên – nhất là than – để chuyển sang công nghiệp chế biến – chế tạo, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, logistics.
Phát triển các chuỗi cung ứng ngành (cluster): linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, thiết bị điện...
Hình thành mô hình khu công nghiệp thông minh, khu công nghiệp sinh thái, tích hợp đô thị – dịch vụ – sản xuất tuần hoàn.
Ưu tiên thu hút các ngành: công nghiệp sạch, điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, logistics, năng lượng tái tạo.
Phát triển khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn (có thể học mô hình Nam Cầu Kiền – Hải Phòng).
Tham gia thị trường tín chỉ carbon, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng sạch.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước
Tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư quốc tế, hội nghị chuyên đề công nghiệp xanh, công nghiệp điện tử, năng lượng sạch.
Phối hợp với các cơ quan ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp (JICA, KOTRA, Amcham...) để tiếp cận nhà đầu tư chất lượng cao.
Tăng cường quảng bá thương hiệu công nghiệp Quảng Ninh, xây dựng bộ tài liệu xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp (profile, video, website đa ngữ...).
Tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư công nghiệp – đô thị – logistics với sự tham gia của các nhà đầu tư Hàn, Nhật, Trung, Mỹ, châu Âu.
Mời gọi các nhà đầu tư hạ tầng KCN hàng đầu (VSIP, Amata, Viglacera, BWID…) phát triển các khu công nghiệp tiêu chuẩn quốc tế.
IV. KẾT LUẬN
Với vị trí địa lý chiến lược, hệ thống hạ tầng hiện đại, quỹ đất công nghiệp dồi dào và môi trường đầu tư cải cách mạnh mẽ, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước khẳng định vai trò là một trong những trung tâm công nghiệp năng động và tiềm năng nhất vùng Đông Bắc và cả nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như cơ cấu ngành chưa cân đối, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển và áp lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, nâng cao chất lượng thể chế – thủ tục, phát triển nhân lực, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng bền vững và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư sẽ là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất – giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh dài hạn.
Với tầm nhìn dài hạn và chiến lược phát triển nhất quán, Quảng Ninh có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.