Doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay với chuyển đổi kép

Hiện có tới 67% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ở Việt Nam chưa sẵn sàng bước vào quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, chủ yếu do thiếu vốn và năng lực kỹ thuật.

Một tách trà Việt có thể đi đến châu Âu hay không không chỉ nhờ vào hương vị, mà còn bởi quy trình sản xuất xanh, quản trị bằng dữ liệu và khả năng thích ứng với những tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường nhập khẩu. Thế nhưng, với đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, quy trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang còn rất ban sơ.

HTX Nông sản Thái Nguyên đang nỗ lực tìm đường chinh phục thị trường châu Âu - nơi các tiêu chuẩn về môi trường, truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, hành trình vươn ra thế giới của doanh nghiệp này còn nhiều thách thức.

Bà Đoàn Thanh Hằng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp HTX Nông sản Thái Nguyên chia sẻ: “Hiện tại, doanh nghiệp cũng đã phát triển được thị trường Nhật, Mỹ rồi và đang muốn thâm nhập vào thị trường Đức và châu Âu. Nhưng sự nhìn nhận của khách hàng tại các nước đối với nông sản Việt Nam chưa được tích cực. Do đó chúng tôi rất mong muốn được các chuyên gia tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp để thay đổi quy trình sản xuất trong việc chuyển đồ số cũng như quy trình sản xuất xanh để doanh nghiệp có thể phát triển được sản phẩm, đặc biệt doanh nghiệp rất cần hỗ trợ về kỹ thuật”.

Theo thống kê của Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể - Bộ Tài chính, hiện có tới 67% doanh nghiệp SME chưa sẵn sàng bước vào quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, chủ yếu do thiếu vốn và năng lực kỹ thuật. Mới đây, Việt Nam và Đức đã chính thức khởi động dự án với kinh phí 4 triệu Euro, kéo dài đến tháng 10/2028 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các SME trong các lĩnh vực chế biến nông sản, dệt may, chế biến gỗ và giấy - những ngành có thế mạnh xuất khẩu, sử dụng nhiều năng lượng và tài nguyên nước, đồng thời có ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Ông Dennis Quennet, Giám đốc Chương trình Phát triển Kinh tế Bền vững GIZ Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhận thấy các SME ở cả hai nước cùng gặp ba thách thức chính: nhận thức ban đầu còn e ngại rằng chuyển đổi sẽ tốn kém, thiếu kiến thức và liên kết với nhà cung cấp công nghệ phù hợp, hạn chế về năng lực để triển khai bền vững trong toàn bộ chuỗi giá trị. Chúng tôi sẽ phối hợp cùng các đối tác Việt Nam để kết nối doanh nghiệp với nhà cung cấp công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực nhằm giúp SME Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả hơn trong thời kỳ chuyển đổi”.

Với sự đồng hành của các tổ chức quốc tế và các chính sách hỗ trợ kịp thời trong nước, hi vọng chuyển đổi kép sẽ không còn là gánh nặng, mà là cơ hội để SME Việt Nam phát triển bền vững.

Mai Ngọc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/doanh-nghiep-nho-va-vua-loay-hoay-voi-chuyen-doi-kep-344833.htm