Thái Nguyên: Sức bật sau hợp nhất, cực tăng trưởng mới của miền Bắc
Sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên có diện tích hơn 8.300 km² và dân số vượt 1,68 triệu người, là trung tâm công nghiệp, giáo dục và kinh tế hàng đầu của vùng.

Các đại biểu tại lễ công bố tỉnh Thái Nguyên mới ( Ảnh Báo Thái Nguyên)
Thực hiện Nghị quyết số 202/2025/QH15, ngày 12/6/2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, từ ngày 1/7/2025, tỉnh Thái Nguyên được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Thái Nguyên với tỉnh Bắc Kạn. Sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên có diện tích hơn 8.300 km² và dân số vượt 1,68 triệu người, hình thành nên một thực thể kinh tế - xã hội đủ tầm vóc để thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời khẳng định vững chắc vai trò là trung tâm công nghiệp, giáo dục và kinh tế hàng đầu của vùng.
Điểm tựa vững chắc từ nền tảng công nghiệp - du lịch
Trong những năm qua, Thái Nguyên đã khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo và khai khoáng. Giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên bình quân đạt 7,35%/năm, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,4%/năm; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,6%/năm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng 8%/năm, quy mô năm 2025 đạt 1,133 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, tỉnh Bắc Kạn cũng cho thấy sức bật đáng kể với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,58%/năm, đặc biệt nổi bật ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (tăng 8,9%/năm). Bắc Kạn còn sở hữu những tiềm năng phong phú về khoáng sản, tài nguyên rừng và du lịch sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi để tích hợp vào chuỗi giá trị kinh tế mới.

Thái Nguyên khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Việc hợp nhất tạo ra một thực thể kinh tế mạnh mẽ hơn, đồng thời mở ra các cơ hội vàng cho các nhà đầu tư khi Thái Nguyên được mở thêm những không gian phát triển. Sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên mở rộng không gian phát triển cả về diện tích và dân số. Việc sở hữu đồng thời 14 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ thông tin tập trung, cùng hệ thống hạ tầng đang được nâng cấp mạnh mẽ, tạo điều kiện lý tưởng để thu hút vốn FDI, đầu tư công nghệ cao và phát triển ngành công nghiệp xanh.
Việc phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng cũng đóng vai trò then chốt. Với nhiều dự án trọng điểm kết nối các tỉnh lân cận, Thái Nguyên trở thành đầu mối quan trọng trong mạng lưới vận tải vùng và quốc gia. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí logistics cho doanh nghiệp mà còn góp phần thu hút thêm lao động, tăng khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ và nguyên vật liệu.

Thái Nguyên phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng
Ngoài ra, sự tinh gọn bộ máy hành chính sau sáp nhập sẽ giúp giảm trùng lặp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, thông thoáng và thuận lợi hơn, đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Một trong những triển vọng nổi bật của Thái Nguyên sau hợp nhất là gia tăng tiềm năng phát triển du lịch. Sự kết hợp giữa cảnh quan hùng vĩ, thiên nhiên nguyên sơ của Bắc Kạn với hệ thống di tích lịch sử, làng nghề truyền thống và văn hóa dân tộc phong phú của Thái Nguyên tạo nên hệ sinh thái du lịch đặc sắc, hấp dẫn nhiều nhóm khách du lịch khác nhau. Từ Hồ Ba Bể, hang động Hua Mạ, Khu ATK Định Hóa cho đến Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, vùng chè Tân Cương… tất cả cùng tạo nên một bức tranh du lịch đa dạng, hội tụ cả thiên nhiên, lịch sử và bản sắc. Việc xây dựng các tour liên tỉnh, khai thác du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa và nghỉ dưỡng cao cấp hoàn toàn có thể biến Thái Nguyên trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực.
Phát triển nguồn lực, đột phá tương lai
Sau sáp nhập, Thái Nguyên đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 và đạt thu nhập cao trước năm 2045. Để hiện thực hóa điều này, tỉnh đang ưu tiên đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế số, bảo tồn văn hóa, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và tăng cường liên kết vùng.
Sự cộng hưởng giữa các thế mạnh: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và tài nguyên chính là nền móng để xây dựng Thái Nguyên trở thành cực tăng trưởng mới ở miền Bắc. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước và niềm tin mạnh mẽ vào tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên của nhân dân.

Thái Nguyên có lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại chuyển đổi số
Cùng với đó, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp Thái Nguyên phát triển công nghiệp, công nghệ cao thuận lợi. Là trung tâm giáo dục lớn thứ ba cả nước, Thái Nguyên đóng vai trò chủ chốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc kết hợp thế mạnh đào tạo với nhu cầu phát triển sản xuất, dịch vụ tại các vùng mới hợp nhất sẽ tạo ra lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại chuyển đổi số và kinh tế tri thức.
Đặc biệt, khi tỉnh xác định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh là động lực chủ yếu cho giai đoạn tới, thì vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở nên cấp thiết. Việc đầu tư vào giáo dục, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, doanh nghiệp và đời sống xã hội chính là chìa khóa để Thái Nguyên bứt phá trong tương lai.
Có thể thấy, việc hợp nhất Thái Nguyên và Bắc Kạn không chỉ là sự thay đổi hành chính, mà là bước khởi đầu cho một chặng đường phát triển mới, nơi hội tụ của sức mạnh tổng hợp, truyền thống đoàn kết và khát vọng đổi mới. Thái Nguyên hôm nay đang đứng trước thời cơ vàng để chuyển mình mạnh mẽ, từng bước khẳng định vị thế trung tâm kinh tế - công nghiệp - giáo dục - du lịch quan trọng của vùng và cả nước. Với quyết tâm cao độ, định hướng đúng đắn và sự đồng lòng của toàn dân, tương lai của một Thái Nguyên thịnh vượng, công bằng và bền vững đang ở rất gần.