Bài 1: Quy hoạch, phát triển có hiệu quả hạ tầng giao thông
Với việc quy hoạch phát triển giao thông – vận tải (GTVT) sát thực tế và nhiều dự án hạ tầng giao thông, đô thị được đầu tư đồng bộ, cùng các chính sách 'dọn đường' đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Thanh Hóa đang dần trở thành một cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển phía Bắc.
Để kinh tế phát triển với tốc độ cao, bền vững:
Thi công tuyến đường bộ ven biển qua huyện Hậu Lộc. Ảnh: Xuân Hùng
Kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chính vì vậy tỉnh ta xác định cần ưu tiên đầu tư, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Trên địa bàn những năm qua, tỉnh ta đã tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn, có tính kết nối liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế của tỉnh. Với việc đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, vốn đầu tư lớn, trong đó, có thể kể đến như đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 nối hai tỉnh Ninh Bình – Thanh Hóa; đường từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; tuyến đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn; đường giao thông ven biển nối TP Sầm Sơn với Khu Kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1); Dự án Đại lộ Đông – Tây TP Thanh Hóa, đoạn từ thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) đến Quốc lộ 1A... Qua đó, tỉnh ta đã có bước khởi đầu quan trọng, đầy hứa hẹn để thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông. Chỉ tính riêng đối với dự án tuyến đường từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn đang dần thành hình. Dự kiến, công trình với 6 làn xe này sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác vào tháng 10-2022, giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển từ TP Thanh Hóa đến Cảng Hàng không Thọ Xuân và ngược lại. Đồng thời, tuyến đường sẽ tạo thành trục cảnh quan đô thị cho việc phát triển mở rộng TP Thanh Hóa về phía Tây và là trục kết nối TP Thanh Hóa với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam...
Đi đôi với đó, hiện nay hệ thống cảng biển Nghi Sơn đang được tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, năng lực thông qua cảng ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu câu vận tải hàng hóa bằng đường biển. Cũng từ thực tế và nghiên cứu xu hướng phát triển, đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho biết, thời gian tới, vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong các phương thức vận tải. Chính vì vậy, tỉnh ta xác định việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung bộ, nước bạn Lào; phục vụ phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, đưa Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Tỉnh ta chủ trương tập trung huy động nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá, các tuyến kết nối đến khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, các trục chính trong đô thị và các trục nối các vùng kinh tế trọng điểm. Mục tiêu đầu tư là nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ đối với khu vực địa hình đồng bằng, trung du, đồi núi thấp đạt tiêu chuẩn đường cấp II; đối với khu vực địa hình miền núi cao đạt tiêu chuẩn đường cấp III, cấp IV; đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh đối với khu vực đồng bằng đạt tối thiểu cấp III, cấp IV, khu vực miền núi đạt cấp IV, cấp V; đầu tư mở mới các tuyến đường kết nối các khu vực trong tỉnh, trong khu vực theo Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Thanh Hóa đển năm 2025, định hướng đến năm 2030 và xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa do Trung ương quản lý theo quy hoạch của Bộ GTVT.
Để hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, đại diện lãnh đạo Sở GTVT, cho biết: Giai đoạn 2022-2025, tỉnh ta bảo đảm hoàn thành các dự án theo kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 của Bộ GTVT, gồm dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn Km53- Km109. Đồng thời, đề xuất Bộ GTVT đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 217, đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Hồ Chí Minh đạt quy mô cấp III; nâng các tuyến đường tỉnh 518, 506 và một số đoạn tuyến trong Khu Kinh tế Nghi Sơn thành Quốc lộ 47B. Đồng thời, hoàn thành các dự án theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục đầu tư xây dựng mới các tuyến đường vành đai, tuyến tránh đô thị, các đường trục chính đô thị theo quy hoạch được duyệt. Giai đoạn 2025-2030, từng bước đề xuất đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ trên địa bản tỉnh theo quy hoạch đuợc duyệt, trong đó ưu tiên các tuyến quốc lộ có lưu lượng phương tiện giao thông lớn; xây dựng cầu vượt đường sắt tại ngã 3 Nguyễn Chí Thanh - Bà Triệu và cầu vượt đường sắt Quốc lộ 47, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa); đầu tư xây dựng thay thế các công trình cầu không đáp ứng tải trọng trên các tuyến quốc lộ... Đồng thời, huy động vốn đầu tư xây dựng mới các công trình có tính kết nối liên vùng, đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh, xây dựng mới các tuyến đường đô thị để tạo đột phá về phát triển hạ tầng đường bộ của tỉnh. Đi đôi với đó, Sở GTVT phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT đề xuất và triển khai thực hiện tuyến đường sắt tốc độ cao, đoạn Hà Nội - Vinh qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa; thực hiện dự án xây dựng đường gom, xóa bỏ lối đi tự mở qua đuờng sắt. Đồng thời, đề xuất Bộ GTVT đầu tư các công trình vượt đường sắt trên địa bàn tỉnh; từng bước nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt hiện hữu để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách địa phương. Về phát triển đường thủy nội địa, đưa vào quản lý thêm tuyến sông Mã, đoạn từ đập thủy điện Hồi Xuân đến đập thủy điện Trung Sơn; tuyến sông Bạng; đồng thời, hoàn thành nâng cấp tuyến sông Yên từ đường thủy địa phương lên đường thủy Trung ương. Hoàn thành dự án nạo vét, thanh thải dải đá ngầm luồng tàu, khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn)...; dự án nạo vét bảo đảm giao thông các tuyến bãi cạn của Lạch Sung, tuyến sông Lèn, bãi cạn cửa Lạch Trường, tuyến Sông Tào, bãi cạn cửa Lạch Bạng, tuyến Lạch Bạng - Đảo Mê.
Về hàng không, tỉnh ta chủ trương đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng Cảng Hàng không Thọ Xuân theo quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế Thọ Xuân đã được Bộ GTVT phê duyệt, như hỗ trợ Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam san lấp mặt bằng và đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2, xây dựng nhà ga hàng hóa công suất 27.000 tấn/năm, mở rộng sân đỗ tàu bay lên 7 vị trí; công trình dịch vụ kỹ thuật, thương mại hàng không và mua sắm trang thiết bị khai thác đáp ứng công suất khoảng 5 triệu lượt hành khách/năm, đủ điều kiện công bố cảng hàng không quốc tế theo quy định. Về cảng biển, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư 57 cầu cảng và khu neo đậu, bến phao. Hoàn thành nạo vét luồng dùng chung Nam Nghi Sơn, luồng nhánh vào từ bến số 4 vào Cảng Gang thép Nghi Sơn, chuyển đổi luồng vào bến Nhà máy Xi măng Nghi Sơn khu Bắc Nghi Sơn thành luồng dùng chung... Đầu tư xây dựng khu bến đảo Hòn Mê gồm 6 khu neo đậu chuyền tải và 1 bến phao, tiếp nhận tàu lỏng/khí trọng tải đến 400.000 DWT, tàu hàng rời đến 210.000 DWT, đáp ứng lượng hàng thông qua khoảng 10 triệu tấn/năm. Bến cảng Lễ Môn đến năm 2025 đáp ứng lượng hàng hóa thông 300 nghìn tấn/năm; đồng thời, nghiên cứu, đầu tư xây dựng cảng Lạch Sung bảo đảm tiếp nhận cỡ tàu từ 3.000 DWT trở lên.
Giai đoạn 2030-2045, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ với hạ tầng quốc gia, cũng như các nước trong khu vực, với chất lượng dịch vụ vận tải ở mức cao. Trong giai đoạn này, tỉnh ta sẽ tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại hóa. Nâng cấp, mở rộng mạng lưới giao thông trục chính, cảng biển, sân bay, xây dựng đường sắt nối Khu Kinh tế Nghi Sơn với Cảng Hàng không Thọ Xuân; xây dựng đường sắt đô thị kết nối TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân. Đồng thời, tập trung phát triển dịch vụ vận tải, kho cảng và logistics gắn với Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn, đưa Thanh Hóa trở thành một trong 3 trung tâm cảng biển quốc tế ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ và là một mắt xích quan trọng trong các tuyến vận tải đường biển quốc tế tại Việt Nam. Đồng thời, đưa Cảng Hàng không Thọ Xuân trở thành một trong các trung tâm trung chuyển hành khách phía Bắc của cả nước, đáp ứng công suất khoảng 15 triệu lượt hành khách/năm.
Xuân Hùng
Bài 2: Thu hút đầu tư phát triển.