Bài 1: Quy mô nhỏ, khó bứt phá

Trong bối cảnh đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu, thị hiếu nghệ thuật của người dân đang biến chuyển đa dạng, hòa vào chuyển động chung của đất nước và thời đại, cần có chính sách phát triển thị trường nghệ thuật, góp phần thúc đẩy văn hóa và củng cố sức mạnh mềm.

Thị trường nghệ thuật đã dần hình thành, tuy quy mô còn nhỏ bé. Ảnh: vietnamtourism.gov.vn

Thị trường nghệ thuật đã dần hình thành, tuy quy mô còn nhỏ bé. Ảnh: vietnamtourism.gov.vn

Những thập kỷ gần đây, thị trường nghệ thuật Việt Nam bắt đầu phát triển và dần trở nên sôi động. Tuy nhiên, quy mô thị trường vẫn khá nhỏ bé, chưa thực sự bứt phá, chưa có nhiều sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao, năng lực cạnh tranh quốc tế thấp...

Sôi động trao đổi, mua bán tác phẩm nghệ thuật
Thị trường nghệ thuật xuất hiện từ lâu trong lịch sử loài người, ở đó diễn ra quá trình tương tác giữa người bán và người mua, nơi lưu thông, phân phối, trao đổi quyền sở hữu các tác phẩm, dịch vụ nghệ thuật, nhằm thỏa mãn nhu cầu của bên cung và bên cầu. Các nhà nghiên cứu kinh tế và quản lý nhận thấy nghệ thuật không chỉ là một bộ phận quan trọng của đời sống tinh thần, thẩm mỹ, chuyển tải nhiều giá trị vô hình khác, mà cũng là một phần của hoạt động kinh tế.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nhận định, với Việt Nam, trong khoảng hơn ba thập niên từ khi đổi mới đến nay, thị trường nghệ thuật đã bước đầu phát triển sôi động, đa sắc và đa diện hơn với nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ phong phú, tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Theo PGS. TS. Đỗ Thị Thu Thủy, “chưa bao giờ hoạt động trao đổi, mua bán tác phẩm nghệ thuật lại diễn ra sôi nổi, quy mô lớn và thu hút nhiều tầng lớp xã hội tham gia như giai đoạn hiện nay, đã có sự tăng trưởng sức tiêu dùng và đa dạng hóa các hình thức tiêu dùng đối với sản phẩm nghệ thuật trong bối cảnh số hóa. Bắt đầu hình thành một số sản phẩm nghệ thuật có thương hiệu, trong đó nhiều sản phẩm, dịch vụ nghệ thuật do tư nhân đầu tư hoặc phối hợp công - tư liên doanh”.

Một số thị trường như hội họa, sân khấu, điện ảnh... đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng dẫn chứng, “tình hình thị trường nghệ thuật Việt Nam từ năm 2010 - 2020 sức mua trong nước tăng dần từ 50% đến 80%. Thị trường nghệ thuật dần trưởng thành, tất nhiên chủ yếu với sự phát triển đô thị và giai tầng trung lưu - những khách hàng chủ yếu của sách báo, phim ảnh, tranh tượng. Sự phát triển của các căn hộ trung lưu và giai tầng trung lưu ở nước ta cũng đã kích thích thị trường hội họa, mặc dù ta chưa bao giờ tổng kết”.

Trong thị trường nghệ thuật, điện ảnh là lĩnh vực hiếm hoi có thể thống kê khá rõ ràng qua doanh thu phòng vé. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD cho biết, thị trường điện ảnh Việt bắt đầu xuất hiện trong thị trường chung toàn cầu như một nơi có sức mua lớn, có quy mô tăng trưởng tiềm năng. Doanh thu phòng vé trong nước giai đoạn 2005 - 2006 khoảng 50 tỷ đồng/năm, đến 2019 tăng lên khoảng 4.100 tỷ đồng. Những người làm điện ảnh tin tưởng rằng, trong 10 năm tới, con số này sẽ tăng lên hơn 20.000 - 30.000 tỷ đồng...

Hình thành tự phát, hoạt động thiếu chuyên nghiệp
“Về thực chất, thị trường văn hóa đã có, đã hình thành, nhưng nó không xác định được khuôn mặt, không đánh giá được lợi ích tinh thần và khả năng kinh doanh” - nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận định. Đã có không ít bộ phim, vở kịch không có khán giả, ngay cả khi biểu diễn miễn phí, khiến chúng không vào được thị trường. Nghệ sĩ hiện không được xác định là một hoạt động hành nghề chuyên nghiệp đặc biệt, các trường đào tạo nghệ thuật hằng năm đều ở tình trạng “ăn đong” về tuyển sinh, vì sinh viên nghệ thuật ra trường căn bản thất nghiệp...

Dù lĩnh vực điện ảnh phát triển mạnh mẽ, người có nhu cầu xem phim nhiều, nhưng phim Việt chưa đủ khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước, chưa nói tới đứng chân được trên thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, nhiều tác phẩm đạt giải thưởng trong và ngoài nước, một thế hệ nghệ sĩ hùng hậu nhưng tác phẩm nhiếp ảnh vẫn chưa có đánh giá chính xác về giá trị kinh tế hay có một thị trường chính thống. Hội họa gia nhập thị trường sớm nhất nhưng kinh doanh của ngành này thiếu ổn định...

Sự hình thành thị trường nghệ thuật nói chung và thị trường riêng của từng loại hình không ít khó khăn. Phần lớn thị trường của từng bộ môn nghệ thuật hình thành tự phát và cho đến nay hầu hết chưa hoàn thiện: hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thiếu phương tiện kỹ thuật cũng như hệ thống kết cấu hạ tầng để phổ biến tác phẩm; thiếu sự tổ chức, quản lý...

PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Thủy đánh giá, thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn còn khá nhỏ bé, chưa thực sự tạo ra bứt phá, chưa có sức ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ trong tiêu dùng của người dân. Tình trạng nhập khẩu, nhập siêu sản phẩm nghệ thuật nước ngoài vào Việt Nam vượt trội so với xuất khẩu hàng hóa nghệ thuật. Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của thị trường nghệ thuật vẫn hạn chế bởi chính sách xã hội hóa chưa được triển khai thành cơ chế, chính sách cụ thể. Nguồn vốn và các mô hình đầu tư tài chính cho nghệ thuật thiếu sự đa dạng, một phần do chưa có chính sách ưu đãi thuế đầy đủ, toàn diện làm cơ sở pháp lý để khơi thông các nguồn lực như đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho nghệ thuật. Nhà nước vẫn là nhà đầu tư chính với mức độ hạn hẹp, dàn trải, chưa thực sự đem lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp văn hóa - nghệ thuật Việt Nam vẫn phải đối mặt với thiếu hụt đáng kể kiến thức và kỹ năng cần thiết để vận hành hiệu quả trong cơ chế thị trường (như kỹ năng, kiến thức về sáng tạo, kinh doanh, marketting, gây quỹ, truyền thông…). Tồn tại nhiều điểm nghẽn trong các công đoạn của quy trình sản xuất và hệ sinh thái sản xuất, sáng tạo cho nghệ thuật chưa được xây dựng, phát huy, vận hành đầy đủ. Mặt khác, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn ra phổ biến... Đây là là những rào cản không nhỏ cần vượt qua để phát triển thị trường nghệ thuật Việt Nam.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bai-1-quy-mo-nho-kho-but-pha-i329858/