Bài 1: Sẵn sàng cống hiến

Trong những năm qua, lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, lực lượng Dân phòng (gọi tắt là lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở) trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên luôn tích cực phối hợp với lực lượng Công an chính quy thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn. Trong những năm tháng cống hiến ấy, đã có biết bao tấm gương dũng cảm hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân nhân…

Dù không phải là lực lượng chính quy nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở cũng đóng góp vai trò quan trọng trong công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở. Từ khi được thành lập đến nay, lực lượng này đã và đang ngày đêm không quản ngại khó khăn, vất vả, mưa hay nắng, chỉ cần nhận lệnh là họ lập tức lên đường làm nhiệm vụ, sát cánh cùng với lực lượng Công an chính quy phục vụ kịp thời nhu cầu, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tận tụy, “gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ”, góp phần bảo đảm ANTT, xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân ở mỗi buôn làng, thôn, xóm…

Tháng 6, con đường dẫn vào trung tâm xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk rợp bóng cây xanh và được thảm nhựa thẳng tít tắp nhưng cũng không ngăn được cái nắng chói chang, oi bức của những ngày chớm hè ở Tây Nguyên. Chúng tôi cùng Ban Công an xã tìm về thăm lại gia đình Liệt sĩ Nguyễn Đình Long (Công an xã bán chuyên trách phụ trách địa bàn thôn 6, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk), người đã anh dũng hy sinh trong lúc ngăn chặn một băng nhóm côn đồ gây rối ANTT, gây thương tích cho người dân vào năm 2008.

Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ còn thiếu thốn nhiều thứ, ông Nguyễn Trọng Quỳnh (SN 1946, bố của Liệt sĩ Nguyễn Đình Long) vẫn trang trọng giành không gian chính để treo bức di ảnh chân dung của cậu con trai. Với ông, sự ra đi của anh Long là mất mát không gì có thể bù đắp được. Dù đã hơn 16 năm trôi qua, khi nhắc đến anh Long, ông Quỳnh lại rơm rớm nước mắt. Tuổi cao, sức yếu, đôi tai đã bị lãng đi nhiều nhưng với ông, trong ký ức cái ngày cậu con trai Nguyễn Đình Long hy sinh ấy vẫn còn nguyên vẹn.

Cán bộ Công an xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) thường xuyên đến thăm hỏi, động viên bố mẹ của liệt sĩ Nguyễn Đình Long.

Cán bộ Công an xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) thường xuyên đến thăm hỏi, động viên bố mẹ của liệt sĩ Nguyễn Đình Long.

Ông kể, năm 1998, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước đi làm nhiệm vụ xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây nguyên, ông cùng vợ và 7 người con dắt díu nhau từ tỉnh Hà Tĩnh vào đây lập nghiệp. Cuộc sống mới nơi đất khách quê người, dẫu có nhiều vất vả nhưng ông vẫn thường xuyên khuyên bảo các con cố gắng làm ăn, học tập và cống hiến cho xã hội. Bản thân ông cũng là đảng viên gương mẫu trong hơn 45 năm qua.

Nói về cậu con trai Nguyễn Đình Long, ông trầm ngâm cho biết, trong 7 người con thì Long là đứa thích tham gia các hoạt động công tác xã hội nhất trong nhà. “Tính nó hoạt bát, năng động, lại hay nhiệt tình giúp đỡ mọi người nên vào năm 2004, được xã bầu làm Công an viên thôn 6. Công việc thấy nhiều hôm đi sớm về khuya, tôi hỏi đùa mỗi tháng được bao nhiêu tiền phụ cấp mà cực khổ như vậy? Con trai chỉ cười rồi không nói”, ông Quỳnh nhớ lại.

Tiếp lời ông Quỳnh, bà Nguyễn Thị Linh (SN 1947, mẹ Liệt sĩ Nguyễn Đình Long) kể, cái đêm định mệnh nhận được tin anh Long mất, trời đất dưới chân bà như đổ sụp xuống. Bởi thời điểm đó, anh Long là lao động chính trong gia đình, con gái đầu của vợ chồng anh mới vừa tròn 6 tuổi, còn cậu con út cũng vừa lên 3, lại bị bệnh tim bẩm sinh. Vợ anh chị Nguyễn Thị Liên thường xuyên đau ốm. Ngoài việc canh tác 1 sào lúa nước, vợ chồng anh phải đi làm thuê, cuốc mướn mới đủ nuôi cả gia đình, những lúc không có việc thì càng khó khăn hơn. Giờ anh Long mất đi khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn.

Trở lại vụ án giết người, cố ý gây thương tích xảy ra vào ngày 26/5/2008 khiến anh Long hy sinh. Chỉ vì xuất phát từ mâu thuẫn với anh Nguyễn Công Thống (trú tại thôn 6, xã Vụ Bổn) nên Nguyễn Duy Tuấn (SN 1985, trú cùng thôn) đã lôi kéo 35 đối tượng khác ở xã Ea Kly mang theo dao, mã tấu, tuýp sắt đi trả thù. Khi cả nhóm kéo đến một quán bida trên địa bàn xã, mặc dù không tìm thấy anh Thống nhưng gặp bất cứ ai nhóm côn đồ này cũng đánh, chém, đập phá xe máy. Hậu quả, chúng đã gây thương tật cho 3 người dân vô tội tại đây.

Trước sự hung hãn của nhóm côn đồ, không một người nào dám đến gần can ngăn vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Thời điểm này, anh Nguyễn Đình Long nhận được tin báo nên đã đến ngay hiện trường ngăn chặn và gọi điện thoại di động báo cho Công an xã đến hỗ trợ. Trong lúc anh Long đang gọi điện thoại thì tên Lê Viết Hùng (SN 1989, trú tại thôn 10, xã Ea Kly) đã dùng dao chém liên tiếp 4 nhát vào đầu, mặt, ngực, lưng khiến anh Long gục tại chỗ. Theo kết quả giám định pháp y, anh Nguyễn Đình Long tử vong do tổn thương sọ, mắt trái, tim, phổi, cơ, xương sườn, cột sống... gây choáng, mất máu, suy tuần hoàn cấp.

“Thời điểm đó, con tôi ngoài làm Công an viên, còn là Bí thư chi đoàn của thôn 6, xã Vụ Bổn. Phụ cấp mỗi tháng chỉ có vỏn vẹn 210.000 đồng nhưng chưa bao giờ kêu ca, vẫn hết lòng vì nhiệm vụ. Sau khi hy sinh, gia đình tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết chế độ, phần nào an ủi để con tôi yên lòng nơi chín suối. Dù nỗi đau này không gì bù đắp được nhưng cũng là niềm tự hào của gia đình về những hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân”, bà Linh tự hào nói.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Trang (trú tại thôn Tân Thịnh, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) thì sự hy sinh của người chồng là anh Phạm Minh Tú (SN 1969, Công an viên thôn Tân Thịnh) cách đây hơn 4 năm vẫn là nỗi đau mất mát không thể nguôi ngoai trong lòng.

Đến thăm lại gia đình, trước di ảnh của anh Phạm Minh Tú vẫn nghi ngút nhang khói của người thân và đồng đội đến thăm. Chị Trang vẫn nhớ như in buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng bầu trời mây kéo đen kịt, mù mịt mưa rơi. Mưa kéo dài từng trận, từ tối hôm trước đến sáng ngày hôm sau. Nước tại những vùng trũng, thấp trong thôn Tân Thịnh dâng cao, làm ngập cả các lối đi. Dù vậy, chị Trang vẫn phải ra chợ để mở cửa sạp buôn bán trái cây vì đây chính nguồn thu nhập chính của gia đình.

Đang lựa trái cây cho khách thì chuông điện thoại chị Trang dồn dập vang lên. Trong tiếng nói bị cơn mưa lớn lấn áp, chị bàng hoàng nhận được tin báo từ người hàng xóm: “Anh Tú bị nước lũ cuốn trôi tử vong rồi!..”. Chưa thể tin đó là sự thật, chị vội vàng chạy về nhà thì chứng kiến cảnh thi thể chồng chị đã được bà con chòm xóm tìm thấy, đưa lên khỏi dòng nước dữ. Nhìn thi thể anh, chị chỉ biết khóc lên rồi ngất lịm.

Sự ra đi đột ngột của đồng chí Hoàng Minh Tú đã để lại vô vàn tiếc thương cho gia đình và người dân trong thôn. Với vai trò là một Công an viên, mọi chuyện to bé, lớn nhỏ đều tới tay anh Tú. Không chỉ những vấn đề liên quan tới ANTT, mà ngay chuyện ma chay, hiếu hỉ… của các gia đình trong thôn hay giáo xứ đều có sự tham gia của đồng chí Hoàng Minh Tú. Với bà con của thôn Thân Thịnh, anh Tú chẳng khác gì một thành viên trong gia đình. Không ngờ, trong lúc nỗ lực ngăn chặn mưa lũ ở vùng trũng thấp, đang bị nước lũ dâng cao quét qua, anh Hoàng Minh Tú đã bị dòng nước lớn cuốn trôi và anh đã hy sinh.

Đó là sáng 8/8/2019, một buổi sáng mưa như trút nước khiến nhiều khu vực của thôn Tân Thịnh, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc ngập sâu trong biển nước. Trước tình hình nguy cấp của nước lũ, UBND xã Lộc Châu đã huy động lực lượng tại chỗ, khẩn trương giúp người dân đối phó với mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp. Khoảng hơn 8h sáng, nước lũ tiếp tục dâng cao, đổ dồn về vùng trũng thấp của thôn Tân Thịnh, gây ngập lụt nghiêm trọng, có nguy cơ đe dọa tới tài sản và tính mạng của nhân dân. Trong tình thế hết sức cấp bách, đồng chí Hoàng Minh Tú đã dũng cảm băng vào vùng nước sâu, đang chảy xiết để đập tường rào của một hộ dân nhằm nhanh chóng thông ống cống, tạo lối thoát cho dòng nước. Trong lúc làm nhiệm vụ, không may anh Hoàng Minh Tú bị trượt chân rơi xuống hố cống sâu, nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi dẫn tới hy sinh.

Nói về sự hy sinh của chồng, chị Trang cho hay: “Tôi mất đi người chồng, con mất đi người cha, không gì đau đớn bằng. Nhưng anh ấy mất vì làm việc xã hội, giúp dân trong cơn bão lũ nên gia đình tôi nhận được rất nhiều lời động viên, chia sẻ từ bà con chòm xóm, lãnh đạo cấp Trung ương và địa phương. Các anh trên xã cũng thường xuyên tới động viên, thăm hỏi, giúp đỡ mẹ con tôi rất nhiều nên đã phần nào an ủi cho gia đình!”.

Văn Thành-Khắc Lịch

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/bai-1-san-sang-cong-hien-i734172/