Bài 1: Sạt lở hiện hữu khắp nơi
Trận mưa lũ lịch sử lớn nhất trong nhiều năm đã qua đi, tuy nhiên nhiều hộ dân của xã Yên Lập (Chiêm Hóa) vẫn chưa thể gượng dậy để ổn định cuộc sống, bởi thiệt hại là quá lớn. 6 hộ mất trắng nhà ở do lũ cuốn trôi, 33 hộ khác bị đất đá sạt trượt gây hư hại nặng về nhà ở.
Ngôi nhà của gia đình bà Bàn Thị Xuyên, dân tộc Dao, thôn Minh Quang, xã Yên Lập giờ chỉ còn trong ký ức. Ngày 13-9, toàn bộ ngôi nhà, các công trình phụ, tài sản đã bị hà bá nuốt chửng.
Bàn Thị Xuyên
Thôn Minh Quang, xã Yên Lập (Chiêm Hóa)
Cùng thôn với bà Xuyên, ngôi nhà vừa được xây dựng trị giá cả tỷ đồng của gia đình bà Nguyễn Thị Luyến đã không còn ở vị trí cũ mà đã đẩy ra cả nửa mét, vách và nền nhà cũng chằng chịt vết nứt do thiên tai cào xé. Để bảo toàn tính mạng cho người dân, chính quyền xã Yên Lập đã áp dụng biện pháp cưỡng chế, yêu cầu gia đình không được ở lại trong ngôi nhà, di chuyển đến nơi an toàn để tránh, trú.
Nguyễn Thị Luyến
Thôn Minh Quang, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa
Cùng trên địa bàn huyện Chiêm Hóa 38 hộ dân thuộc 2 xã Linh Phú, Tri Phú cũng phải bỏ nhà, bỏ cửa tá túc khắp nơi trong điều kiện vô cùng thiếu thốn để tránh những vụ sạt lở.
Tại xã Trung Minh, (Yên Sơn), ngày 14-9, chính quyền xã đã khẩn cấp di dời 21 hộ với 87 nhân khẩu tại thôn Bản Pình đến ở tạm nhà người thân, nhà văn hóa, để né tránh cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên, giữ an toàn tính mạng cho từng người dân.
Khu tái định cư thôn Bắc Lè, xã Đà Vị (Na Hang) cũng xuất hiện các vết nứt nằm tại phía đồi đất sau nhà 20 hộ dân tái định cư. Thông tin từ UBND xã những vết nứt có chiều dài khoảng 60m, rộng 0,5m, cách nhà dân khoảng 150m.
Đợt mưa lũ lịch sử và hậu quả sau đó đã đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất: nhà cửa, tài sản, lương thực bị cuốn trôi; ruộng nương bị đất đá vùi lấp. Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên 1.100 hộ bị hư hỏng nhà ở. Trong đó có trên 200 hộ đang bị đất đá sạt trượt, uy hiếp đến sự an toàn, người dân có nhà mà không thể ở, cuộc sống tạm bợ, cùng cực.
Trong cơn bĩ cực ấy, tinh thần “tương thân, tương ái”, sẻ chia giữ người với người lại được nhân lên, mọi người cùng nhau vượt qua thời gian khó khăn nhất.
Trong các cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh khẳng định: Lũ đã qua đi tuy nhiên cuộc sống của người dân, đặc biệt là những hộ bị mất nhà cửa vẫn vô cùng khó khăn. Tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào thiếu ăn, thiếu chỗ ở, các địa phương cần khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục, ưu tiên cao nhất là ổn định chỗ ở cho người dân. Nhà văn hóa, trường học, chợ được trưng dụng làm nơi tránh trú cho người dân trong lúc khó khăn nhất. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng kêu gọi, hơn lúc nào hết tinh thần nhường cơm sẻ áo, nghĩa đồng bào cần được lan tỏa để tất cả đều có chỗ ăn, chỗ ở trong thời điểm khó khăn này.
Tại xã Tân Thành (Hàm Yên); Linh Phú, Yên Lập (Chiêm Hóa)… địa phương có số hộ đang nằm trong diện di dời khẩn cấp nhiều nhất đang phải huy động tối đa sức mạnh cộng đồng để bố trí, sắp xếp ổn định tạm thời chỗ ở cho người dân. Thân nhân, họ hàng, làng xóm đều đã dang tay đón các gia đình bị thiệt hại nhà ở đến tạm trú che chở, dìu dắt nhau qua cơn bĩ cực.
Gia đình bà Tống Thị Bảo, thôn 1 Tân Yên, xã Tân Thành (Hàm Yên) đã phải di chuyển đến trụ sở Công an xã. Bà Bảo hy vọng hậu quả mưa lũ sẽ sớm chấm dứt để bà cùng các con, cháu trở về tổ ấm thân yêu.
Bà Tống Thị Bảo
Thôn 1 Tân Yên, xã Tân Thành (Hàm Yên)
Việc bố trí cho các hộ mất nhà ở tạm nhà văn hóa, người thân, làng xóm của các địa phương chỉ là giải pháp tình thế trong lúc cấp bách. Về lâu dài phải ổn định cuộc sống của người dân. Tuy nhiên việc sắp xếp, ổn định dân cư vùng xung yếu vốn đã khó nay càng khó khăn hơn gấp bội lần, vượt quá khả năng của người dân và thẩm quyền giải quyết của các địa phương.
Đồng chí Lý Đức Quân
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lập (Chiêm Hóa)
Không riêng xã Yên Lập (Chiêm Hóa), các xã Tân Thành (Hàm Yên); Trung Minh, Chiêu Yên (Yên Sơn)… cũng không còn quỹ đất ở để bố trí sắp xếp cho người dân dù biết rằng việc ổn định chỗ ở đang trở nên cấp bách.
Đồng chí Đỗ Hữu Ngọc
Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Hàm Yên)
Khó khăn về kinh phí để hỗ trợ người dân di chuyển, chính sách hỗ trợ di dân khỏi vùng thiên tai mặc dù đã được Nhà nước quan tâm, song còn ở mức thấp 40 triệu đồng/hộ. Hay chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh 50 triệu đồng/hộ cũng không thể giải quyết được những khó khăn cơ bản của người dân khi đến khu định cư mới. Chưa kể việc đầu tư một khu tái định cư mới đòi hỏi nguồn lực rất lớn, nhất là liên quan đến hạ tầng điện, nước, đảm bảo đời sống, sản xuất cho Nhân dân.
Ngoài ra, người dân có thói quen sinh sống gần khu vực sông, suối, trên các sườn đồi núi, nhận thức của một số hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự cố gắng vượt khó vươn lên. Một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động tới người dân nên nhiều hộ gia đình nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai vẫn thờ ơ và chưa nhận thấy mức độ nguy hiểm khi xảy ra thiên tai.
Kết quả nghiên cứu của Viện địa chất học, có 49 xã nằm trong khu vực trọng điểm sạt lở; 58 xã trọng điểm xảy ra lũ ống, lũ quét.Những kết quả nghiên cứu và thực tế đã xảy ra cho thấy sự cần thiết phải có chiến lược quy hoạch, bố trí dân cư hợp lý để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bai-1-sat-lo-hien-huu-khap-noi-199912.html