Bài 1: Sửa Luật là yêu cầu cấp thiết!

PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNHThuế nắm người… 'ít tóc' (người làm công ăn lương); mức giảm trừ gia cảnh quá lỗi thời và các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế quá ít - gây cảm giác 'tận thu'; chưa bảo đảm công bằng giữa các đối tượng nộp thuế… Đây là những bất cập hiện rõ sau 16 năm thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân. Người dân mong mỏi luật sớm được sửa đổi theo hướng 'khoan thư sức dân'. Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân trong nhiệm kỳ này và tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội tiếp tục đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là việc vô cùng cấp bách, không thể đợi đến năm 2025 như dự định của Chính phủ!

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân cần hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống. Nguồn: ITN

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân cần hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống. Nguồn: ITN

Thuế thu nhập cá nhân là sắc thuế quan trọng được các nước áp dụng. Nguyên tắc cốt lõi là thuế phảiđánh vào những người có thu nhập cao song vẫn khuyến khích họ làm giàu và bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng chịu thuế. Với những quy định lạc hậu, Luật Thuế thu nhập cá nhân của nước ta không bảo đảm những yêu cầu đó và sửa Luật là yêu cầu cấp thiết!

4 vấn đề lạc hậu của Luật

Một là, Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành vào năm 2007 và đến nay đã hai lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Sau lần điều chỉnh gần đây nhất vào tháng 7.2020 (Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14), mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm), và với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Mức giảm trừ này không còn phù hợp. Bởi lẽ, dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát song hiện mức sống của dân cư đã ngày càng tăng cao, trong đó chi phí giáo dục, y tế vốn là những khoản chi phí lớn trong cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình và cũng đã tăng mạnh thời gian qua. Đơn cử, tháng 10.2022, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,35% so với tháng 9, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 2,64% do một số địa phương thực hiện tăng học phí theo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về việc quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022 - 2023 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Bộ Y tế cũng đang dự kiến đến cuối năm 2024, giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng 9%, trong đó chi phí do điều chỉnh lương cơ sở kết cấu vào giá chiếm 5%, còn lại là chi phí quản lý…

Một khảo sát của Numbeo (trang phân tích dữ liệu về chỉ số chi phí sinh hoạt, chất lượng cuộc sống) công bố tháng 8 năm ngoái cho thấy, chi phí sinh hoạt hàng tháng cho gia đình 4 người tại Việt Nam (không tính tiền thuê nhà) là hơn 37,6 triệu đồng. Đặc biệt, chi phí sinh hoạt hàng tháng cho một người là khoảng 10,5 triệu đồng. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, chi phí sinh hoạt trung bình cho gia đình 4 người là khoảng 40 triệu đồng/tháng (không tính tiền thuê nhà) và chi phí trung bình của một người không tính tiền thuê nhà ở mức khoảng hơn 11 triệu đồng/tháng, cao nhất cả nước. Trong khi đó, theo quy định, tổng giảm trừ gia cảnh cho mục đích tính thuế với một gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con chỉ 30,8 triệu đồng/tháng. Mức này thường được cố định trong một khoảng thời gian dài, trong khi chi phí của người dân có xu hướng tăng qua các năm.

Hai là,biểu thuế lũy tiến theo Luật hiện cũng khá dày và thấp, không có sự khác biệt tương đối rõ ràng giữa các bậc đầu vốn là mức thu nhập phổ biến của đa số người lao động, công chức, viên chức. Cụ thể, bậc 1 là dưới 5 triệu đồng/tháng, bậc 2 là trên 5 - 10 triệu đồng/tháng, bậc 3 trên 18 - 32 triệu đồng/tháng, tương ứng mức thuế lần lượt từ 5%, 10%, 15%... Ở các quốc gia, xu hướng chung đều giảm số bậc chịu thuế lũy tiến và độ giãn cách giữa các bậc đủ lớn để tạo sự khác biệt. Vì thế, Việt Nam cần xem xét điều chỉnh để các bậc thuế này không bị vụn mảnh.

Ba là, Luật chưa bảo đảm người làm nhiều được hưởng lợi nhiều do thuế suất thuế thu nhập cá nhân đang quá cao. Xu thế chung của các nước là hạ thấp tỷ lệ thuế suất thuế thu nhập cá nhân. Chẳng hạn, Singapore đã giảm xuống còn khoảng 20%, Indonesia 25%, trong khi Việt Nam hiện lên tới 35% là rất cao. Nguyên tắc đánh thuế thu nhập cá nhân là phải thực sự khuyến khích người dân làm giàu thì phải được hưởng lợi nhiều hơn, nhưng việc chúng ta đánh thuế suất cao vô hình trung đã không thể khuyến khích họ. Cần làm rõ rằng, những người kiếm được hàng trăm triệu đồng/tháng thường là những người giỏi, tạo công ăn việc làm và đó chính là sự đóng góp cho xã hội chứ không phải đơn thuần là thông qua đóng thuế. Do đó, cần xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất này xuống quanh mức 20 - 25% như nhiều nước đang áp dụng thay vì để tới 35% như hiện nay.

Bốn là, dùng thước đo lạm phát để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là lạc hậu. Theo quy định, việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh chỉ được thực hiện khi biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lũy kế qua các năm trên 20%. Với mức lạm phát như hiện nay, một năm chỉ khoảng 3 - 4%, nghĩa là phải 5 - 7 năm chúng ta mới điều chỉnh một lần. Điều này không phù hợp trong bối cảnh mức sống của người dân ngày càng nâng cao. Chưa kể, lạm phát giữa các năm không cùng một mẫu số, vì giả dụ cùng một mức khoảng 3% thì 3% của năm sau sẽ lớn hơn mức 3% của năm trước, nên việc cộng gộp lại để thành tổng 20% là không hợp lý.

Cần điều chỉnh ngay

Từ những phân tích trên, việc nhanh chóng sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân là rất cần thiết. Việc sửa đổi Luật cần bảo đảm phù hợp với mức sống của người dân, tức phải đưa các yếu tố như mặt bằng thu nhập, mức sống để đáp ứng nhu cầu về nâng cao đời sống cho người dân.

Theo đó, có thể nâng mức giảm trừ lên 18 - 20 triệu đồng một người và người phụ thuộc cũng có thể nâng theo tỷ lệ tương xứng khoảng 8 - 10 triệu đồng thay vì 4,4 triệu đồng như hiện nay. Đặc biệt, cần tính đến yếu tố vùng miền, có thể lấy lương cơ sở theo vùng làm cơ sở cho việc quy định mức giảm trừ phù hợp, vì mức sống ở Yên Bái, Lào Cai không thể giống như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Về các bậc thuế lũy tiến, cần rút từ 7 bậc xuống còn khoảng 3 - 4 bậc và tạo khoảng cách đủ rõ ràng giữa các bậc để phù hợp xu thế của thế giới. Mức ở giữa phải cao hơn hẳn để tạo ra sự khác biệt, để khuyến khích người dân làm giàu, cống hiến cho xã hội. Cùng với đó, cần xem xét điều chỉnh giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân như mức mà nhiều nước áp dụng, cao nhất trong khoảng 20 - 25%.

Cùng với đó, cần điều chỉnh thuế với các khoản thu nhập vãng lai. Hiện, mức 500 nghìn đồng hay 2 triệu đồng cũng bị tính trừ 10% thì không còn hợp lý, vì thế phải tính toán để nâng thu nhập vãng lai lên.

Dự kiến, năm 2025 Chính phủ mới trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (dựa vào mức tính lạm phát lũy kế qua các năm trên 20% theo Luật hiện hành). Song, với những lý do đã chỉ ra ở trên, yêu cầu sửa đổi Luật này là rất cấp thiết, có thể tiến hành ngay trong năm 2023 - 2024 để chính sách thuế không tạo gánh nặng cho người lao động, tạo động lực cho người dân vươn lên làm giàu, đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Hơn nữa, việc sử dụng công nghệ thông tin đã trở thành công việc bình thường cả ở cơ quan quản lý và các doanh nghiệp. Vì vậy, việc tạo lập kho dữ liệu về thu nhập, về mức thuế, về số tiền đóng thuế cũng như mức độ chi tiêu bình quân của các cá nhân, các hộ gia đình ở các địa phương cần khẩn trương tiến hành để làm cơ sở khoa học cho việc điều chỉnh Luật Thuế thu nhập cá nhân trong tương lai.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-1-sua-luat-la-yeu-cau-cap-thiet--i338822/