Bài 1: Tâm sự của người trong cuộc
Kế thừa và phát huy những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định, sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ là thước đo mức độ lớn mạnh của phong trào phụ nữ và mức độ giải phóng phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Tại Tuyên Quang, công tác cán bộ nữ là một trong những “át chủ bài” từ nhiều nhiệm kỳ để giúp phụ nữ vượt qua các rào cản, vươn lên tự khẳng định và đóng góp tích cực trong tuyên truyền, triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân – nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
TUYÊN Quang có tổng số 10.978 cán bộ nữ, chiếm 52,38% tổng số cán bộ toàn tỉnh. Trong đó, cán bộ nữ cấp tỉnh 1.800 người, chiếm 35,45%, nữ là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 29,17%, nữ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chiếm 37,2%. Cán bộ nữ cấp huyện 8.181 người, chiếm 62,13 %, trong đó nữ huyện ủy viên chiếm 20,2%, nữ là lãnh đạo, quản lý các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể và tương đương chiếm 24,51%.
Ở cấp xã có 995 cán bộ nữ, chiếm 36,70%, trong đó nữ là ủy viên ban chấp hành đảng bộ xã chiếm 33,46%, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp xã chiếm 19,52%; nữ là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cấp xã chiếm 28,19%, nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp xã chiếm 33,62%; tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chiếm 33,67%. Đối với các đoàn thể cấp xã, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành chiếm từ 40,65% đến 52,57%.
Nhiều chị vừa là cán bộ trẻ, vừa là cán bộ người dân tộc thiểu số. Hầu hết đều được đào tạo trình độ chuyên môn đại học trở lên, lý luận chính trị trung cấp trở lên.
Để có được kết quả này, hằng năm tỉnh rà soát, ưu tiên bổ sung quy hoạch cán bộ nữ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, đề ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ nói chung và cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở nói riêng. Nhiều cán bộ nữ đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, tích cực tham gia công tác, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị; bảo đảm tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh theo quy định. Nhiều đồng chí đã được luân chuyển, điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của địa phương.
NHÌN lại những năm trước, một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thực sự tin tưởng, mạnh dạn bố trí, giao việc và tạo môi trường, điều kiện để thử thách, rèn luyện cán bộ nữ. Cơ chế, chính sách thu hút, tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ còn thiếu tính đột phá; các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số chưa được cụ thể hóa kịp thời và còn thiếu đồng bộ.
Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh còn chưa tương xứng. Công tác tạo nguồn cán bộ các cấp, các ngành có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, có những giai đoạn thiếu hụt nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ tham gia cấp ủy, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Thêm vào đó, cán bộ nữ ở cơ sở - nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều rào cản do phong tục tập quán, tư tưởng trọng nam khinh nữ, địa bàn rộng, dân trí thấp. Nếu không thực sự tâm huyết trách nhiệm và không có phương pháp phù hợp từng địa bàn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực thi công vụ.
Tâm sự của người trong cuộc dưới đây sẽ cho thấy rõ hơn những rào cản đó.
ĐẦU nhiệm kỳ 2020-2025, Đỗ Thị Thu Hiền, sinh năm 1980 được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú, huyện Hàm Yên. Đây là xã đặc biệt khó khăn, lại có hơn 30 hộ người Mông từng có lúc theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.
Kể về những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Hiền ngậm ngùi: nhiều chuyện lắm. Buổi chiều ngay sau kết thúc đại hội, một đảng viên lão thành đã đến gặp và yêu cầu được chất vấn tân Bí thư. Hiền từ tốn mời vào phòng và trả lời: Bác cứ hỏi, vấn đề nào hiểu rõ, cháu sẽ trả lời ngay. Vấn đề nào chưa rõ, cháu sẽ cùng tập thể trả lời bác. Chừng tiếng sau, vị đảng viên già cáo từ, hẹn ngày mai lại đến chất vấn tiếp.
Đúng hẹn, vị đảng viên già xuất hiện, kèm theo câu nói có phần thách thức nhiều hơn là xin phép “Hôm nay tôi mang máy ghi âm rồi đấy. Tôi sẽ ghi âm cuộc nói chuyện này”. Hiền trả lời “ Theo quy định thì không được phép ghi âm nếu người nói không đồng ý. Nhưng hôm nay cháu là lãnh đạo, còn bác như cha chú, bác cứ tự nhiên”.
Sau cuộc trò chuyện hôm ấy, những hồ nghi ban đầu của người đảng viên già về nữ bí thư trẻ đã được giải tỏa. Để mỗi lần Bí thư Hiền có việc đến thôn, người đảng viên già lại tìm cách đến chào, hoặc “mời uống 1 chén cho vui”.
Với đảng viên đã vậy, với quần chúng còn nhiều ca khó hơn. Ngày “nóng” tà đạo nhất, xóm Gò Đá có lúc nội bất xuất ngoại bất nhập, không tiếp cán bộ. Hiền lúc ấy là nhân viên khuyến nông một mình lân la đến từng hộ, vừa hướng dẫn bà con cách chăm sóc đàn trâu, vừa nắm tình hình hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Lo Hiền gặp bất trắc, lãnh đạo xã bên ngoài đề nghị cấp trên cho người giả làm người bán kem vào “giải cứu”, đưa Hiền ra ngoài.
KHÔNG chỉ Bí thư Hiền, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Yên Phú Phạm Thị Luyến cũng từng hứng “gạch đá” khi mới được bầu. Nào “chạy” mới vào được “chân” chủ tịch, nào “chắc gì đã làm được”, thậm chí có người còn bâng quơ trong cuộc họp “Yên Phú này hết người rồi hay sao”. Nhưng rồi thời gian và công việc đã chứng minh năng lực của các nữ tướng.
Đến hết năm 2023, xã Yên Phú đã về đích xây dựng nông thôn mới, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 43,5 triệu đồng/năm. Hơn 30 hộ đồng bào Mông xóm Gò Đá từ chỗ bất hợp tác với cán bộ, nay đã ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, tích cực trồng ngô, nuôi lợn, đưa cây na, cây cam lên đồi, tạo thành vùng hàng hóa, cho thu nhập cao. Đảng bộ Yên Phú nhiều năm liền TSVM, Hội LHPN xã vững mạnh. Vui hơn, Yên Phú còn là điểm sáng trong thực hiện Đề án 78 của Chính phủ về “Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”.
CHỊ Phan Thị Nguyệt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Linh Phú (Chiêm Hóa) đã có gần hai chục năm làm nữ lãnh đạo ở cơ sở. Vốn là người Tày ở xã Kim Bình về Linh Phú làm dâu, những ngày đầu Nguyệt gặp rất nhiều khó khăn do Linh Phú có nhiều hộ dân tộc Mông, Dao. Khó do chưa biết tiếng và phong tục đồng bào đã đành, khó còn do một số đảng viên cao tuổi, từng làm lãnh đạo chưa tin tưởng. Nguyệt bảo, ngày đầu nhận nhiệm vụ chủ tịch Hội phụ nữ, nhận bàn giao không có giấy tờ sổ sách nào do người tiền nhiệm đã hủy hết. Khi sinh hoạt Hội, có chi hội trưởng chê thẳng thừng “chủ tịch trẻ thế, không làm được đâu”.
Rồi đến khi được Đảng cử làm nữ phó bí thư thường trực Đảng ủy xã đầu tiên của huyện Chiêm Hóa, những rào cản còn xuất hiện nhiều hơn. Ấy là khi chỉ đạo đại hội, bị một số đảng viên cao tuổi, từng làm lãnh đạo hồ nghi “trước đây chúng tôi không làm thế”.
Đồng chí Mai Đình Thư
Bí thư Đảng ủy xã Linh Phú (Chiêm Hóa) nói về đồng chí Phan Thị Nguyệt.
Nguyệt biết, đó là những tâm lý thường tình và tự nhủ, phải cố gắng gần dân, vì dân hơn nữa. Đầu năm 2022, Linh Phú có 39 hộ dân/210 khẩu theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Dân bản tụ tập sinh hoạt trái phép, ăn Tết chung; thấy cán bộ đến là cửa đóng then cài, không cho tiếp xúc. Nguyệt cùng tổ công tác tuyên truyền của xã đến từng nhà dân, nghe dân nói, nói cho dân nghe; đồng thời quan tâm, giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân. Đến nay bà con đã đồng tình cam kết không theo tà đạo, tin tưởng cán bộ, tin tưởng chính quyền, chăm chỉ làm ăn.
CHỦ tịch UBND xã Thành Long Nguyễn Thị Tám là một trong số ít chủ tịch xã là nữ của Tuyên Quang. Trưởng thành từ cán bộ Hội phụ nữ, Tám có kinh nghiệm hơn 10 năm vận động quần chúng bằng sự mềm mỏng, khéo léo. Nhưng trước khi có được thành công, Tám đã phải vượt qua không ít rào cản.
Làm dâu gia đình người Cao Lan, Tám may mắn hiểu được tiếng nói và phong tục của đồng bào. Nhưng làm chủ tịch xã, Tám hầu như không có ngày nghỉ vì việc chung, cả việc riêng của các thôn. Xã Thành Long có 5,3 km đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đi qua, nên việc vận động bà con dời nhà đã khó, vận động di dời mộ phần còn khó gấp bội. Phong tục của người Cao Lan là khi mất thì đào sâu chôn chặt. Có những mộ mới an táng chưa lâu, nay cũng thuộc diện phải di chuyển.
Bên cạnh việc tuyên truyền vận động, Tám phải nhờ đến những người có uy tín của thôn, của xã, việc mới xong. Nhưng khi đã vận động thành công rồi còn gặp chuyện khó hơn. Ngày khởi công hay hoàn thành việc di dời, gia đình nào cũng làm lễ theo phong tục, mời chủ tịch đến dự. Không đi sao được, khi chính nữ chủ tịch là người vận động bà con di dời mộ. Thế là uống rượu gần như cả tháng!.
Sự mệt mỏi vì những cuộc dân vận ấy nhiều gấp ba bốn lần nam giới, khi không thể từ chối thịnh tình của bà con ở thôn, lại cũng không thể xao nhãng nhiệm sở vốn bộn bề công việc của một chủ tịch xã. Ấy là chưa kể luôn phải giữ hình ảnh cán bộ nữ chỉn chu, nghiêm cẩn.
Rồi đến chuyện chuyển đổi số, vừa phải thuyết phục người khác, vừa phải tự học để thích nghi đã vất, lại thêm chính cán bộ cũng có người chống đối “làm như trước bao năm nay có sao đâu”. Mạng xã hội về làng quê, hầu như chuyện gì cũng được đưa lên mạng. Nhất là khi có những cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, MXH vừa thông tin vừa gây nhiễu thông tin. Tám bảo, những lúc như thế, bên cạnh việc dùng chính mạng xã hội để giải thích, ổn định tư tưởng nhân dân, thì chủ tịch xã và các lãnh đạo xã càng phải gần dân, vì dân hơn nữa, giúp dân không bị lung lay bởi kẻ xấu và vững lòng tin vào Đảng và chính quyền.
Rất may, cả Hiền, Luyến và Tám cũng như nhiều nữ cán bộ cơ sở khác đều được gia đình, người thân ủng hộ. Các chị tâm sự: Muốn được gia đình tin tưởng, phải chu toàn việc ở nhà. Nếu nam giới hết việc ở cơ quan về nhà được nghỉ ngơi, thì các chị về nhà lại bắt tay vào công việc gia đình, và luôn bố trí sắp xếp cho thật ổn. Ngắn gọn thế, nhưng mỗi chị đều phải cố gắng đến gồng mình.
THẤY rõ những khó khăn của nữ lãnh đạo, trong đó có nữ lãnh đạo ở cơ sở và những vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ nữ, tháng 4/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023-2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh đạt tỷ lệ nữ cấp ủy viên cấp tỉnh từ 30% trở lên, cấp huyện và cấp xã từ 25% trở lên. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh từ 40% , cấp huyện 35% trở lên, cấp xã 30% trở lên. Tỷ lệ nữ tham gia MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh từ xã từ 30 đến 55% trở lên.
Giải pháp để thực hiện các mục tiêu này là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ; thực hiện đồng bộ và nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan tham mưu về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án được xác định trên cơ sở thống kê, phân tích, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số gắn với công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ kế tiếp. Vì vậy, có tính khả thi cao và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, nhất là trong chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030.
So với mặt bằng chung của cả nước, thì tỷ lệ cán bộ nữ - đặc biệt là nữ lãnh đạo cấp cơ sở của Tuyên Quang hiện đang cao hơn gần gấp đôi. Với Đề án số 15 của Tỉnh ủy Tuyên Quang, các tỷ lệ về nữ lãnh đạo sẽ còn cao hơn hiện tại, cao hơn cả chỉ tiêu cấp ủy có 15% trở lên là nữ theo Chỉ thị 35 ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị.
Có thể coi đề án là hậu thuẫn lớn cho công tác cán bộ nữ, đặc biệt là ở cơ sở. Đây chính là bước chuẩn bị quan trọng cho công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng; khi chỉ còn ít tháng nữa là đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030.
>>Bài 2: Nghĩ mới, đi đầu>> Bài 3: Hóa giải việc khó - Những bài học
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bai-1-tam-su-cua-nguoi-trong-cuoc-200180.html