Bài 1: Tạo sức bật cho dân đảo
Không còn hộ nghèo; không có dư nợ hộ cận nghèo hay hộ mới thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt gần trăm triệu đồng/người/năm... nhưng đâu đó, vẫn có những người dân Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) còn vất vả mưu sinh. Nguồn vốn từ Chương trình cho vay Giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp nhiều người dân khởi nghiệp cũng như tạo sức bật cho bà con vươn lên...
Đúng người, đúng thời điểm
Gia đình chị Võ Kiều Nga ở khu 8, đường Nguyễn An Ninh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Côn Đảo từ năm 2017 để mở rộng cửa hàng kinh doanh hải sản ở chợ huyện.
Chị Nga kể, gia đình chị tự đi biển, đi câu và tự chế biến hàng nên ngoài việc đồ biển luôn tươi ngon thì giá cả cũng rất hợp lý. Vì thế, cửa hàng rất đông khách. Thời điểm trước Covid-19 xảy ra, lúc cao điểm anh chị thu trên 2 tỷ đồng/năm tiền hàng. Tuy nhiên, mấy năm nay, lượng khách giảm, giá cả sinh hoạt ngoài đảo tăng cao nên doanh thu chỉ chừng vài ba trăm triệu đồng.

Phó Giám đốc NHCSXH Côn Đảo Phan Văn Quy (ngoài cùng bên trái) thăm, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hộ vay Võ Kiều Nga. Ảnh: Đức Kiên
"May là khoản vay 90 triệu đồng giải quyết việc làm của NHCSXH huyện có lãi suất ưu đãi, thời gian vay cũng hợp lý, khoản vay lại không cần thế chấp và nhất là việc trả nợ, gửi tiết kiệm không mất thời gian đến Điểm giao dịch, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là xong, rất thuận lợi" - chị Võ Kiều Nga cho biết.
3 lần được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Côn Đảo để lần lượt mở tiệm sơn nước, nhà hàng và cửa hàng mỹ phẩm, vợ chồng anh Lê Văn Thuyền ở Khu 3, Huỳnh Thúc Kháng, Côn Đảo đã vượt qua khó khăn, trở thành hộ dân có mức thu nhập khá ở huyện đảo.
Hiện nay, hai vợ chồng anh Thuyền vẫn duy trì được cửa hàng sơn nước và có thêm một cửa hàng mỹ phẩm phục vụ dân đảo và khách du lịch. Cửa hàng sơn đã có máy để pha sơn; cửa hàng mỹ phẩm có hệ thống máy tính quản lý bằng phần mềm nên thuận tiện cho khách hàng thanh toán và giới thiệu sản phẩm. Vợ anh Tuyền chia sẻ thêm, hiện tổng dư nợ của hai vợ chồng tại NHCSXH huyện là 115 triệu đồng từ Chương trình cho vay Giải quyết việc làm và Nước sạch vệ sinh môi trường.
"Nguồn vốn đã giúp chúng tôi vượt qua lúc khó khăn nhất. Quả thật, nếu không có sự hỗ trợ này, không biết đồng lương công nhân xây dựng của chồng tôi có thể duy trì cuộc sống gia đình 4 người trong bao lâu!" - vợ anh Lê Văn Thuyền xúc động nói.
Bắt nhịp với nhu cầu cuộc sống
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Côn Đảo Phan Văn Quy chia sẻ, hiện nay, Côn Đảo không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo hay hộ mới thoát nghèo. Nhu cầu vay của người dân đảo chủ yếu là nhằm giải quyết việc làm và cải thiện đời sống. Đây là nhu cầu vô cùng chính đáng, nhất là khi người dân đảo - với lợi thế thiên nhiên ban tặng đang được đầu tư để phát triển thành khu du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái biển đảo quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Đến hết năm 2024, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng tại NHCSXH Côn Đảo đạt 52 tỷ 388 triệu đồng, với 603 lượt hộ vay vốn, trong đó, doanh số cho vay giải quyết việc làm đạt cao nhất với 47 tỷ 26 triệu đồng/524 lượt khách hàng vay vốn.
Trên thực tế, ngành du lịch của huyện ngày càng khẳng định vị trí chiến lược, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, chiếm tỷ trọng trên 90% trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Vào mùa cao điểm, trung bình mỗi ngày huyện Côn Đảo đón khoảng 2.500 - 3.500 du khách. Côn Đảo hiện có 146 cơ sở lưu trú đang hoạt động, với khoảng 2.924 phòng lưu trú, sức chứa 7.608 người/ngày, công suất phòng bình quân đạt 58,48%.
Với lượng khách như vậy, việc cung ứng các dịch vụ thương mại đi kèm là rất lớn, đây cũng là cơ hội để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân đảo, nhất là những người dân còn khó khăn, chưa có nhiều vốn để kinh doanh; đồng thời cũng là cơ hội để NHCSXH huyện thể hiện trách nhiệm, sứ mệnh vì người nghèo, người yếu thế của mình.
Đơn cử như trường hợp gia đình anh Nguyễn Phương Thanh, chị Vũ Thị Quý đã nhanh chóng "bắt" được nhu cầu sử dụng xe máy để tham quan các di tích và khám phá rừng quốc gia Côn Đảo của du khách. Hai vợ chồng đã vay từ Chương trình Giải quyết việc 200 triệu đồng. Trong đó, 1/2 số tiền vay đứng tên chị Vũ Thị Quý được đầu tư mở cửa hàng photocopy; số còn lại anh Nguyễn Phương Thanh mua xe máy để cho khách thuê.
"Hiện, cả đảo có 1.000 xe gắn máy cho thuê thì chúng tôi có 20 chiếc; đa số các chủ xe đều là thành viên của Hiệp hội Du lịch Côn Đảo. Vì thế, lượng khách thuê, lượng xe được Hiệp hội kết nối, điều tiết rất linh hoạt, thuận lợi. Với 150.000 đồng/xe/ngày, dịp cuối năm và ra Tết Nguyên đán, xe không đủ để phục vụ" - anh Thanh khoe!
Quả thật, những ngày cao điểm, Côn Đảo đón tới 6.000 - 7.000 khách du lịch; ngày vắng cũng lên tới 1.000 người. Đây là cơ hội vàng cho người dân đảo nói chung và gia đình anh Thanh, anh Thuyền hay chị Nga nói riêng có thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Điều quan trọng hơn, cơ hội của người dân và các gia đình khó khăn trên đã có những kết quả tốt đẹp nhờ chính sự tận tâm phục vụ từ cán bộ NHCSXH huyện Côn Đảo.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-tao-suc-bat-cho-dan-dao-post405382.html