Bài 1: Thành phố Hồ Chí Minh chỉ duy nhất còn một con đường không bị lấn chiếm
Theo nhiều người dân Thành phố, đến thời điểm này chỉ duy nhất con đường Lê Duẩn là không bị lấn chiếm.
Kể từ sau ngày 1/10/2021, Thành phố Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng dần được khôi phục sau 4 tháng giãn cách. Chính vì việc chính quyền tạo mọi điều kiện cho người dân khôi phục các hoạt động kinh tế sau thời gian chống dịch căng thẳng thì có một bộ phận người dân lợi dụng việc đó để tái lấn chiếm vỉa hè lòng đường kinh doanh, phục vụ cho lợi ích cá nhân. Điều đó, không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn gây nguy hiểm cho người dân khi bị đẩy xuống đường vì không còn lối đi.
Vỉa hè thành quán nhậu, bãi xe
Kinh tế vỉa hè là khái niệm không hề mới và những người kinh doanh kiếm sống dựa vào vỉa hè là một trong những nét đặc trưng của không riêng gì Thành phố Hồ Chí Minh mà của các đô thị trên cả nước. Tuy nhiên, việc tận dụng tối đa vỉa hè và không có ý thức dọn dẹp vệ sinh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự đô thị. Chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự đô thị nhưng sau khi rút đi thì đâu lại vào đấy. Đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh lại trở nên nhộn nhịp ở hầu hết các tuyến đường trên địa bàn các thành phố và quận như: quận 1, 3, 10, thành phố Thủ Đức, Phú Nhuận, Bình Thạnh...
Nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 1 như Lê Quý Đôn, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Trãi, Cao Bá Nhạ, Cống Quỳnh... thì tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh bỗng nhộn nhịp lạ thường vì người dân "thèm ra đường" sau thời gian giãn cách để phòng chống dịch Covid-19. Điều này khiến các tuyến đường này thường xuyên kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm.
Điển hình là đường Nguyễn Cư Trinh với vỉa hè rộng 4m nhưng ngay từ sáng sớm đến đêm những quán cafe kinh doanh trên vỉa hè chiếm hết lối đi bộ của người dân, khiến nhiều người muốn đi qua buộc phải đi xuống lòng đường; đường Lê Quý Đôn bị nhà hàng Việt Phố chiếm hầu hết vỉa hè để hoạt động kinh doanh, ngoài ra tuyến đường này còn bị các nhà hàng, quán ăn khác lấn chiếm vỉa hè; đường Bùi Viện, Đề Thám... cũng có tình trạng tương tự, các quán cafe, quán ăn rồi người bán hàng rong đã kê bàn ghế, bày hàng hóa, để xe máy chiếm vỉa hè gây nhếch nhác mất mỹ quan đô thị.
Tuy nằm xa trung tâm nhưng quận Gò Vấp cũng không thoát khỏi tình cảnh bị chiếm mất vỉa hè làm nơi kinh doanh như đường Nguyễn Oanh hay Nguyễn Văn Lượng (đoạn Nguyễn Oanh đến Thống Nhất).
Tại đoạn đường Nguyễn Văn Lượng đã tồn tại tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh quán nhậu từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thấy chính quyền có động thái gì. Đoạn đường tuy ngắn nhưng hai bên là quán nhậu san sát nhau bắt đầu hoạt động từ chiều tới khuya ở vỉa hè, thậm chí nhân viên quán tràn cả xuống đường để vẫy, chào mời khách. Cảnh lộn xộn này rất nguy hiểm cho những người đi đường vì thường xuyên phải né tránh bất ngờ, nếu không xử lý kịp thì dễ gây ra tai nạn.
Ngoài ra, tình trạng xe đẩy, những người bán hàng rong, bán hàng ăn vặt tụ tập thành chợ tự phát nhỏ. Những đối tượng này do không có chỗ buôn bán ổn định nên chính quyền cũng khó xử phạt.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để giữ xe, kinh doanh diễn ra phức tạp nhiều năm qua không chỉ ở quận 1 mà trên nhiều tuyến đường thành phố, trong khi thực tế chính quyền địa phương có sự buông lỏng trong quản lý.
Bất cập nhưng khó dẹp
Mưu sinh vỉa hè là nét đặc trưng từ nhiều năm nay khó dẹp bỏ bởi nhiều lý do, trong đó có những bất cập nội tại từ công tác quản lý Nhà nước và nhu cầu mưu sinh chính đáng của người dân.
Bởi vỉa hè là không gian chung của đô thị không phải là tài sản riêng của ai hay của những người có nhà mặt tiền. Do đó, chiếm dụng vỉa hè không chỉ làm nhếch nhác đô thị mà còn ồn ào, bụi bặm ô nhiễm tới những người dân sống xung quanh, chất lượng cuộc sống đô thị bị giảm một phần.
Tại vỉa hè đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh thường bị chiếm dụng biến thành các quán nhậu từ chiều về đêm khuya. Do đó, nhiều người dân sống gần những điểm này thường mất ngủ do tiếng ồn do ăn nhậu gây ra, hay tiếng nổ động cơ xe quá lớn… Từ khi đường Phạm Văn Đồng hình thành tới nay, tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, chiếm đường của người đi bộ đã diễn ra từ đó. Đa phần người dân khu vực này cho thuê, từ đó quán nhậu những món ăn bình dân xuất hiện phục người tiêu dùng là lớp trẻ thích tụ tập ở khu vực nửa ngoài đường, nửa trong nhà, mát mẻ...
Đường Nguyễn Gia Trí – Bình Thạnh trước nay được mệnh danh là con đường sinh viên, vì khu vực đó tập trung khá nhiều trường đại học, chính vì thế, khu vực này hoạt động “xôm tụ” từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè khu vực này khá nghiêm trọng khi các hộ kinh doanh còn chiếm luôn một phần lòng đường. Nằm ngay gần đó nhưng UBND phường 25 lại “không hề hay biết”.
Việc tồn tại này đáp ứng được nhu cầu của nhiều bên nếu được sắp xếp có trật tự. Nhiều chuyên gia cho rằng, kinh doanh vỉa hè là văn minh đô thị, là nét đặc trưng riêng mà chỉ đô thị mới có. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích giữa các loại hình kinh doanh và lối sống đô thị đòi hỏi quản lý Nhà nước cần có cách quản lý bài bản và khoa học hơn. Bởi không thể dẹp bỏ được loại hình mưu sinh đường phố, vậy những người kinh doanh vỉa hè cần đóng góp cho xã hội và bố trí thích hợp để đảm bảo lưu thông vỉa hè an toàn và tiện lợi.
Anh Huy Nguyễn lại cho rằng không nên cấm việc kinh doanh ở vỉa hè vì đó là việc mưu sinh của người dân, góp phần cải thiện cuộc sống mà nên quy hoạch có tính toán. Hãy nhìn xem cuộc sống lề đường của Singapore, Thái Lan như thế nào? Họ tạo điều kiện cho người dân buôn bán với những quy định bắt buộc về vệ sinh, bán xen kẽ ngày chẵn lẻ, thậm chí sáng chiều, tạo điều kiện và công bằng với tất cả người kinh doanh.