Bài 1: 'Thảnh thơi' đi lễ đầu năm
Lễ hội truyền thống Xuân Giáp Thìn được đánh giá nền nếp, văn minh và trật tự hơn, phản ánh sự đổi mới trong quản lý tổ chức cũng như ý thức tham gia lễ hội của người dân ngày càng nâng cao.
Những ngày đầu Xuân Giáp Thìn, tại các di tích đình, đền, chùa trên khắp vùng miền, lượng người đi du xuân, lễ Phật khá đông, tuy nhiên, không còn hình ảnh “tả tơi xem hội”, thay vào đó là “thảnh thơi” đi lễ đầu năm.
Hết lo chèo kéo, thu quá giá
Nhiều năm đi chùa Hương vào dịp đầu năm, anh Đào Thanh Tùng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “năm nay, đến chùa Hương tôi cảm thấy ngạc nhiên khi không còn tình trạng “cò” đò đi theo mời chào từ các ngả đường từ nội thành Hà Nội. Giá đò, thắng cảnh, cáp treo được công khai và bán vé điện tử. Bên cạnh đó, khách được Ban Quản lý xếp lên đò theo trình tự, không còn tình trạng chủ đò chèo kéo, tranh giành khách, thu quá giá, hay chở quá số người… Dù hội có đông nhưng không còn tình trạng ùn tắc, chen lấn xô đẩy tại các cửa lên xuống đò hay đường lên đền Trình, chùa Thiên Trù, động Hương Tích…”.
Nếu như những năm trước, hoạt động vận chuyển bằng xe điện, đò do nhân dân xã Hương Sơn lập ra mang tính tự phát, không có sự quản lý thống nhất, thì sau khi hoạt động theo mô hình hợp tác xã, việc vận chuyển hành khách của các xe, lái đò được kiểm soát và quản lý chặt chẽ; chị Bùi Hồng Thắm, thành viên Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương cho biết: “năm nay có Hợp tác xã, mọi hoạt động diễn ra quy củ hơn, từ xe điện đến bến thuyền, bà con tại xã thu nhập tốt hơn và đồng đều, không còn kiểu chào mời chèo kéo hay làm giá cao. Khách về cứ mua vé sẽ được sắp xếp xe điện ra bến, sắp xếp thuyền đi...”.
Lái đò chỉ việc chở khách bảo đảm đúng quy định, tùy từng đò, thuyền to nhỏ, Hợp tác xã điều phối số lượng khách phù hợp, công khai, minh bạch quyền lợi cho mỗi du khách và cả chủ đò; ông Nguyễn Văn Thiệu, chủ đò số 2.034 chia sẻ: “khi vào hợp tác xã, mọi hoạt động diễn ra tuần tự, quy củ hơn, thu nhập của chủ đò đều đặn, người già cũng như người trẻ được phân chia công bằng. Chủ đò cứ đến số, đến lượt thì vào chở khách, không phải lo chèo kéo hay tranh giành khách như trước; bà con hộ khẩu trong xã Hương Sơn có nhu cầu chở khách thì được đăng ký vào hợp tác xã”.
Tâm thành đi lễ đầu năm
Tại đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh), dù là ngày giữa tuần, giữa trưa nhưng người đi lễ nườm nượp xếp mâm lễ cao vào giá, luôn có người quan sát, nhắc nhở khách để đồ lễ đúng vị trí; bà Vũ Thị Thanh, thủ nhang đền cho biết, từ 14 tháng Giêng trở lại trước Tết và dịp cuối tuần, lượng người đến đền đông hơn, còn ngày bình thường lượng khách vừa phải và tập trung vào buổi trưa. Ban quản lý đền đã cắt cử chỉ dẫn việc sắp lễ, dọn dẹp để đền gọn gàng, sạch đẹp…
Vừa bê mâm lễ để xin “nhập kho” và cùng đoàn xin lộc mang về, chị Đào Lệ Quỳnh Trang (Mộc Châu, Sơn La) chia sẻ: “lễ này dâng không phải vay mượn, mà chúng tôi xin nhập kho dâng Bà để xin lộc rơi lộc vãi, cầu mong một năm thịnh vượng, được giá được mùa, đỡ vất vả, gian truân hơn trong cuộc sống; nhiều năm nay tôi duy trì thói quen đi lễ đầu năm, dâng một chút lòng thành, và cảm thấy làm ăn buôn bán, mọi việc của gia đình đều thuận lợi”...
Cùng người thân đi lễ 5 ngày liền đầu xuân Giáp Thìn, từ đầm Đa (Hòa Bình), chùa Hương (Hà Nội), phủ Dầy - đền Trần (Nam Định), đền Đồng Bằng (Thái Bình), chùa Yên Tử (Quảng Ninh); đến đền Mẫu Đồng Đăng - đền Bắc Lệ - chùa Tân Thanh (Lạng Sơn) - đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… chị Trang nhận xét, "công tác tổ chức, quản lý khá tốt, hành vi trộm cắp vặt, cúng khấn thuê tại các di tích hầu như không có; giám sát chặt chẽ giúp mọi người hành hương lễ bái an toàn. Một số di tích được bài trí nghiêm trang, sạch đẹp, người đi lễ tuần tự và cảm thấy thư thái... Tuy nhiên, vẫn còn số ít người đi hội thiếu ý thức, đôi khi còn chen lấn xô đẩy nhau; theo tôi đi lễ tâm phải tịnh”.
Chị Đinh Thị Huế (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) chọn đền Thượng, Ba Vì, Hà Nội, để đi lễ đầu năm. “Ba Vì không quá xa nhà tôi, vừa có thắng cảnh đẹp, vừa lễ Thánh, lễ Mẫu nên năm nào gia đình tôi cũng đi. Năm nay thời tiết vào xuân rất đẹp nên việc đi lễ đầu xuân cũng thuận lợi. Đặc biệt, Ban Quản lý di tích đã làm bảng biển nhắc nhở khách đi lễ giữ gìn vệ sinh môi trường, gắn việc bảo vệ môi trường với tâm thành lễ Thánh; bởi vậy, dù đường lên đền khá dài và cao, nhưng ai cũng ý thức giữ gìn cảnh quan, khu di tích rất sạch đẹp”.
Dù vẫn còn có hạn chế tại một vài khu di tích như: dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra công khai; đặt tiền không đúng nơi quy định (từ bệ thờ, bát hương, tháp chuông, gài tiền vào tay tượng); sắp đặt đồ lễ lộn xộn… tuy nhiên, cùng với công tác quản lý và tổ chức lễ hội có sự chuyển biến tích cực, nhiều người đi lễ, hội ứng xử đúng mực nơi cửa thiền, giữ cho bản thân tâm thế kính ngưỡng nơi không gian tâm linh, góp phần hướng đến mùa lễ hội an vui, lành mạnh.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bai-1-thanh-thoi-di-le-dau-nam-i362627/