Bài 1: Triết lý mới từ cuộc giải cứu nông sản

Đại dịch Covid-19 đã và đang tàn phá nền kinh tế toàn cầu và đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam.Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng chính là dịp thử thách bản lĩnh, năng lực của cán bộ chiến lược, nhất là với những người đang ở vị trí quan trọng trên con tàu kinh tế đất nước.

Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói khi chỉ đạo chống dịch: “Đừng sợ quá mà không dám làm việc gì khác”. Có thể nhìn thấy nhiều bài học gợi mở từ cách làm của Bộ Công Thương góp phần cùng cả hệ thống chính trị vượt qua giai đoạn “thời chiến” cũng như bước sang giai đoạn “bình thường mới” bởi đại dịch Covid hiện nay…

Thấy gì từ “tin thắng trận” trong kỳ nghỉ lễ?

Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay, dường như ai cũng gác đi mọi lo toan sau một thời gian cách ly xã hội căng thẳng. Có lẽ vì thế mà ít người để ý trong hai ngày 30-4 và 1-5, có hàng vạn người mong chờ tin vui từ các cửa khẩu và cặp chợ biên giới Tân Thanh-Pò Chài. Ngày 30-4, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã có thông báo về việc khôi phục lại thời gian thông quan tại cặp chợ biên giới Tân Thanh-Pò Chài sau một thời gian dài để dập dịch Covid-19, từ đầu tháng 2-2020, Trung Quốc phong tỏa trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, xuất khẩu nông sản tiểu ngạch qua các cửa khẩu phụ trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc gián đoạn. Việc khôi phục lại thời gian thông quan tại Tân Thanh-Pò Chài kể từ ngày 1-5-2020, sớm hơn thời gian dự kiến ban đầu là từ ngày 6-5-2020.

 Thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh được thực hiện trở lại nhờ nỗ lực của Bộ Công Thương.

Thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh được thực hiện trở lại nhờ nỗ lực của Bộ Công Thương.

Ít ai biết rằng, để có được kết quả đó, người đứng đầu Bộ Công Thương đã phải rất nhiều lần “xuất trận”, khi thì trực tiếp lên cửa khẩu Lạng Sơn, lúc phải điện đàm với lãnh đạo các địa phương ở Trung Quốc. Từ đầu tháng 2, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ.

Từ giữa tháng 3-2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ động có nhiều việc triển khai tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc.

Không chỉ đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi và các loại nông sản khác gồm sản phẩm tổ yến, khoai lang cũng như diện doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, lãnh đạo Bộ Công Thương còn đề nghị phía Trung Quốc giãn một số mặt hàng xuất khẩu nông sản đi qua các cửa khẩu, không chỉ tập trung tại cửa khẩu Hữu Nghị hoặc Tân Thanh, phía bạn cũng đã đồng ý sẽ cho đi thêm qua ga đường sắt… Từ đó, góp phần đẩy nhanh năng lực thông quan.

Thắng lợi kép

Có thể nói, tin vui “thắng trận” báo về đúng ngày đầu của kỳ nghỉ lễ vô cùng có ý nghĩa đối với hàng triệu nông dân ở nước ta. Không phải ngẫu nhiên mà nước bạn thông quan sớm tới một tuần so với kế hoạch ban đầu. Những cuộc điện đàm, tiếp xúc, những trao đổi, nỗ lực của ngành Công Thương và các bộ, ngành liên quan cùng sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đã tạo nên sự tin cậy chính trị tích cực, giúp hai bên cùng quan tâm tháo gỡ vướng mắc, vì lợi ích chung, đôi bên cùng có lợi.

Sự tin cậy ấy cũng bắt nguồn từ một lý do quan trọng. Những đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh rất thiết thực, kịp thời, giải đáp được câu hỏi nóng của thực tế. Từ cuối tháng 3-2020, Bộ Công Thương đã đề nghị Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh và Côn Minh (Trung Quốc) chủ động kết nối với chính quyền tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, đề nghị thực hiện các giải pháp đảm bảo hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa của doanh nghiệp, cư dân hai bên được thông suốt. Trước kỳ nghỉ lễ 1-5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục gửi Công thư và điện đàm với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đề nghị phối hợp tìm giải pháp đảm bảo trao đổi thương mại hai bên và đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, thiết thực giải tỏa áp lực ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới hai nước...

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kiểm tra hàng hóa thông quan tại Lạng Sơn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kiểm tra hàng hóa thông quan tại Lạng Sơn.

Không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tính đến cả những việc xa hơn, đề nghị hai bên phối hợp xây dựng ngay từ bây giờ Kế hoạch hành động sau khi dịch bệnh bị đầy lùi, trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tăng cường giao thương, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phổ biến thông tin thị trường, hướng dẫn tổ chức sản xuất… Vì thế, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Lộc Tâm Xã đã hoan nghênh ý tưởng hợp tác tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường internet và tăng cường thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh, nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch hành động sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Thành công này còn thể hiện ở nhận thức rất đúng về việc tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam trong đại dịch Covid-19. Nhiều người thiếu thông tin thường kêu gọi một chiều phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; phải tránh phụ thuộc vào một thị trường. Đó là đòi hỏi thực tế, nhưng có những việc không thể giải quyết một sớm một chiều. Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc nhập 2,8 tỷ USD hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam, chiếm thị phần lớn nhất (23,4%). Thị trường Mỹ và EU lần lượt xếp sau với 2,78 tỷ USD là 1,3 tỷ USD.

Trước đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn từng khẳng định: “Thị trường Trung Quốc sẽ là khu vực quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020. Do đó, cần huy động mọi nguồn lực (quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân) để tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện để khai thác lợi thế này”.

Triết lý mới

Không chỉ tìm đầu ra cho xuất khẩu, Bộ Công Thương đã thật sự nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản, giúp người nông dân tìm lối đi “ngay dưới chân mình”. Bộ Công Thương đã tập trung kết nối với hệ thống phân phối trong nước để giải phóng một lượng lớn hàng hóa, đặc biệt là nông sản vào vụ thu hoạch, giảm áp lực cho xuất khẩu trong giai đoạn gặp khó khăn.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Công Thương, hầu hết hệ thống phân phối lớn tại Việt Nam đều tham gia hoạt động kết nối, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Các hệ thống phân phối trong nước như Big C, Lotte, Coopmart… đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng bán và mở các đợt bán hàng cao điểm cho các mặt hàng như thanh long, dưa hấu trong hệ thống của mình, chung tay giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Không phải ngẫu nhiên mà ngành Công Thương sớm có những giải pháp sát đúng như vậy. Câu trả lời không chỉ là cần nhìn xa mà phải nhìn từ thực tế, xuất phát từ thực tế.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tìm hiểu thực tế sản xuất tại Công ty May 10 vào tháng 3-2020.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tìm hiểu thực tế sản xuất tại Công ty May 10 vào tháng 3-2020.

Trở lại với câu chuyện tìm đầu ra cho nông sản xuất khẩu, cách đây 5 năm, khi còn là Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh đã từng chỉ ra một nguyên nhân quan trọng gây ra điểm nghẽn. Các điều kiện thông quan ở biên giới không chỉ phụ thuộc vào hạ tầng và cơ sở vật chất mà còn phụ thuộc vào điều kiện thông quan của phía bạn cũng có những yếu tố như thủ tục, chất lượng nông sản. Về lâu dài cần phải có biện pháp căn cơ và có chiến lược. Việt Nam cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp để gắn kết khâu tiêu thụ và lưu thông sản phẩm, xuất khẩu. Trong đó, tạo điều kiện cho người nông dân nâng cao chất lượng canh tác thông qua mô hình sản xuất mới. Đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp liên kết với vùng nguyên liệu nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp đạt được các quy chuẩn về chất lượng; qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm khác tại thị trường quốc tế.

Ngay thời điểm Tết Nguyên đán, trước những diễn biến phức tạp trong thông thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Xuất khẩu vào cuộc cùng với các đơn vị hữu quan đi nắm tình hình tại thực địa. Trên cơ sở những thông tin nóng được cập nhật về từ “thực địa”, Bộ Công Thương là một trong những Bộ đầu tiên trình Chính phủ báo cáo ban đầu về tác động của dịch bệnh Covid-19 lên hoạt động của nền kinh tế.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2020, trên cơ sở nhận định đúng và trúng tình hình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chủ động đề xuất với Chính phủ: Bên cạnh việc đặt ưu tiên cao nhất cho mục tiêu chống dịch, cần có các giải pháp bảo đảm xuất khẩu. Chỉ ít ngày sau đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, tại Văn bản số 808/VPCP-KTTH ngày 5-2-2020, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ theo đó, việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng, chống dịch, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Có chuyên gia kinh tế đã phân tích, nếu như không ban hành Văn bản số 808 kịp thời thì chỉ dừng 2-3 tháng xuất khẩu, riêng các cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai cũng có thể giảm tới 600-700 triệu USD.

Từ câu chuyện tháo gỡ ách tắc nông sản ở cửa khẩu, cách làm của Bộ Công Thương đã cho thấy một triết lý mới của việc xây dựng chính sách tháo gỡ ách tắc: Không chỉ tháo gỡ cái trước mắt mà phải tháo gỡ cả cái lâu dài, không chỉ tháo gỡ những xe hàng ùn ứ cụ thể mà phải tháo gỡ tận gốc cơ chế, thủ tục vướng mắc; không chỉ giúp nông dân một vài địa phương mà bảo đảm đích đến ổn định cho nông sản; không chỉ tìm giải pháp cho nông dân mà phải tìm giải pháp cho sự vận hành của một nền kinh tế có độ mở rất cao như Việt Nam.

(Còn nữa)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: “Dịch bệnh càng diễn biến khó lường thì vũ khí mạnh nhất, hữu hiệu nhất chính là sự chủ động. Không đơn thuần chỉ vì các mục tiêu tăng trưởng; việc làm có trách nhiệm, chủ động còn hướng tới việc đem lại những giá trị mới, chất lượng mới cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-1-triet-ly-moi-tu-cuoc-giai-cuu-nong-san-616883