Bài 1: Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

Phấn đấu đến năm 2025, Ninh Thuận là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đầu tiên được xác định là tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội; trọng tâm là hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025, trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Ảnh: Văn Thanh

Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025, trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Ảnh: Văn Thanh

Đó là nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết Về đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đến năm 2025 và những năm tiếp theo được HĐND tỉnh Ninh Thuận Khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 13 (Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023).

Tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GRDP

Mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

Theo đó, các chỉ tiêu phát triển chủ yếu được xác định: giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 10 - 11%/năm. Đến năm 2025, quy mô nền kinh tế tăng 1,9 lần so với năm 2020; GRDP bình quân đạt 113-115 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 33%. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 44 - 45%; tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực

Để thực hiện được những mục tiêu trên, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đầu tiên được xác định làtiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội; trọng tâm là hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Theo đó, tổng kết thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31.8.2018 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018 - 2023. Qua đó, báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp tình hình mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách chênh lệch so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Triển khai Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh.

Nghị quyết của HĐND tỉnh nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, phát triển nhanh nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Phát triển Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận, hướng đến hình thành trường đại học đa ngành sau năm 2030, trước mắt tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Ưu tiên đầu tư phát triển nhanh Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận thành cơ sở đào tạo trọng điểm của khu vực, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn ASEAN. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo; tăng cường liên kết đào tạo theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước trong khu vực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Triển khai chương trình phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với UBND tỉnh về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023 - 2030; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào các lĩnh vực của sản xuất và đời sống. Lựa chọn, tập trung phát triển công nghệ mới, các đề tài, dự án phù hợp với định hướng phát triển của Tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

Nghị quyết của HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối, nhất là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường giao thông liên vùng từ Cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên; Đường giao thông nối cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1; Hồ chứa nước Sông Than; Hệ thống thủy lợi Sông Cái - Tân Mỹ; Bến 1B Cảng tổng hợp Cà Ná; trình phê duyệt và triển khai đầu tư dự án đầu tư Cảng hàng không Thành Sơn theo hình thức PPP; hạ tầng truyền tải điện...

Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh, tạo môi trường thu hút đầu tư mạnh mẽ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phấn đấu thu hút vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 khoảng 1 - 1,5 tỷ USD.

BẢO AN - TRẦN THU

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-1%C2%A0trung-tam-nang-luong-tai-tao-nang-luong-sach-i339913/