Cần bảo đảm tính khả thi của phương thức kinh doanh dược qua nền tảng thương mại điện tử

Chiều 18/6, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự thảo luật này.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An thống nhất cao với các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Dược hiện hành và đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung các quy định cụ thể nhằm đảm bảo tính khả thi của phương thức kinh doanh dược qua nền tảng thương mại điện tử.

Cần bổ sung đầy đủ các quy định liên quan đến phương thức kinh doanh dược qua nền tảng thương mại điện tử

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên thì dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Luật Dược năm 2016, trong đó có bổ sung phương thức kinh doanh dược qua nền tảng thương mại điện tử. Điều này là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung đầy đủ các quy định cụ thể về điều kiện thành lập, cách thức hoạt động cũng như cơ chế quản lý để có căn cứ xem xét, bảo đảm tính khả thi và tính đồng thuận cao trong xã hội.

Đối với kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử cần quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được tham gia mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Đại biểu cũng quan tâm đến việc quy định siết chặt hình thức kinh doanh mua bán qua môi trường mạng, vì hiện nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân xưng danh là dược sĩ, bác sĩ quảng cáo thuốc trên mạng về thuốc đặc trị ung thư, huyết áp, tiểu đường, đau nhức, thực phẩm chức năng, đông y gia truyền,… Việc này lực lượng chức năng sẽ gặp nhiều khó khăn khi xử lý vi phạm, cũng như thu hồi thuốc khi không đạt chất lượng.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời nhằm bảo vệ người tiêu dùng mua được thuốc đúng chất lượng tránh tình trạng bị lừa đảo, Đại biểu Uyên đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung quy định về kiểm tra, kiểm định chất lượng thuốc trước khi cấp phép lưu hành, bên cạnh đó phải có biện pháp chế tài đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất thuốc giả, kém chất lượng và có đánh giá lợi ích, rủi ro, hậu quả với người bệnh khi mua thuốc trực tuyến, mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Và đây cũng là hình thức kinh doanh mới nên cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, rà soát quy định về thương mại điện tử để bảo đảm phù hợp với Luật Giao dịch điện tử.

Còn nhiều vấn đề liên quan đến việc đăng ký gia hạn lưu hành thuốc

Đối với thời hạn cấp, gia hạn hoặc thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại điểm c khoản 23 sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 56 Luật Dược năm 2016 được rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 15 ngày. Tuy nhiên, đại biểu Uyên cho rằng, vẫn chưa thực sự phù hợp với thực lực hiện nay của cơ quan quản lý về dược của ngành Y tế. Ngoài ra, tình trạng không hạn chế số đăng ký lưu hành thuốc gây khó khăn trong việc quản lý vì số đăng ký càng nhiều thì càng khó quản lý, khó kiểm soát chất lượng thuốc khi đưa ra thị trường, do thuốc nào cũng tương đồng, tương tự nhau.

Mặt khác, các cơ sở khám bệnh chữa bệnh cũng rất khó chọn thuốc để điều trị cho bệnh nhân dẫn đến những nơi cần thuốc thật sự thì không có để sử dụng. Từ những vấn đề phát sinh trong thực tế, đại biểu đề nghị dự luật cần bổ sung các giải pháp để đáp ứng kịp thời, giảm bớt thủ tục, thời gian đấu thầu, nhằm đảm bảo cung ứng thuốc kịp thời, đúng thuốc, đủ thuốc cho người dân. Bên cạnh đó, cần có chủ trương rõ ràng và ưu tiên nhập khẩu những loại thuốc mới, sản xuất công nghệ cao, thuốc đặc trị, mà trong nước chưa sản xuất được, những mặt hàng thuốc trong nước sản xuất được thì hạn chế nhập khẩu để phát triển công nghiệp dược trong nước.

Đối với các loại thuốc mới đã kiểm tra, nhất là thuốc nhập khẩu ở các nước phát triển thì cần có quy định đặc biệt rút gọn đơn giản hóa bởi vì các loại thuốc này đã được qua kiểm tra sàng lọc theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế trước khi cho phép lưu hành, nhất là các loại thuốc hiếm, thuốc đặc biệt. Theo đại biểu, việc này nên giao các công ty trong nước sản xuất, cung ứng thuốc, đặc biệt đối với các loại thuốc hiếm hoặc thành lập đơn vị dự trữ thuốc hiếm cấp quốc gia để có sự chủ động về nguồn thuốc khi cần.

Bổ sung thêm các cơ chế quản lý, điều kiện hoạt động kinh doanh dược đối với cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài

Theo đại biểu thì dự luật đã bổ sung điểm mới so với Luật Dược năm 2016 đối với quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài: Và trong bối cảnh chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam của lĩnh vực dược ngày càng tăng, cùng hoạt động gia công và chuyển giao công nghệ dược, trong dự thảo Luật bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của cơ sở kinh doanh tôi cho rằng chưa đủ, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định bổ sung cơ chế quản lý, điều kiện hoạt động và các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, những vấn đề khác có liên quan ngoài quyền và nghĩa vụ để đảm bảo đầy đủ khung pháp lý, thủ tục cấp phép, vận chuyển thuốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát về quy trình, thủ tục, trách nhiệm pháp lý đối với trường hợp mở thêm cơ sở bán lẻ trong chuỗi nhà thuốc, hình thức kinh doanh và trách nhiệm của nhà thuốc đối với chất lượng; việc giải quyết các vấn đề phát sinh đến quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung các biện pháp bảo đảm việc cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở khám bệnh chữa bệnh nhằm đảm bảo cho việc điều trị bệnh nhân không bị gián đoạn, cụ thể thời gian qua nhất là từ sau đại dịch Covid-19, tình trạng khan hiếm thuốc trong thời gian dài dẫn đến tình trạng người bệnh không có thuốc điều trị, một số người bệnh đang điều trị bị gián đoạn, hoặc phải mua thuốc bên ngoài ảnh hưởng đến việc điều trị và gây tốn kém cho người dân./.

Kiến Quốc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/can-bao-dam-tinh-kha-thi-cua-phuong-thuc-kinh-doanh-duoc-qua-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-a177885.html