Bài 1: Vươn lên thoát nghèo

Với mục tiêu 'không để ai bị bỏ lại phía sau', các cấp ủy, chính quyền huyện Minh Hóa (Quảng Bình) thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo, đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể trung tâm của công tác giảm nghèo… Cùng với hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Sinh ra trong gia đình nghèo, sau khi kết hôn, anh Trương Chí Vân (thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa) chỉ dựng được ngôi nhà tạm bợ, cuộc sống dựa vào việc bóc vỏ cây keo, tràm và làm thuê… Đến cuối năm 2023, nắm được thông tin về các hộ nghèo, cận nghèo nếu có sức lao động và ý chí phấn đấu vươn lên sẽ được xem xét hỗ trợ sinh kế, hai vợ chồng anh quyết định đăng ký và được hỗ trợ 4 con lợn giống thương phẩm. Hiện, đàn lợn đang sinh trưởng tốt, dự tính khi đàn lợn đạt khoảng 70kg thì xuất chuồng, sau đó mua lại lợn giống để tái đàn; đồng thời mua thêm bò, gà, ngan phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập cho gia đình. Sau một thời gian, gia đình anh đã tự nguyện viết đơn xin được thoát nghèo.

Người dân xã Xuân Hóa được hỗ trợ mô hình nuôi ong lấy mật. Ảnh: Văn Minh

Người dân xã Xuân Hóa được hỗ trợ mô hình nuôi ong lấy mật. Ảnh: Văn Minh

Trưởng thôn Phú Nhiêu Đinh Ngọc Lan cho biết: toàn thôn có 192 hộ với 896 nhân khẩu, đời sống người dân rất khó khăn. Nhờ được hỗ trợ sinh kế, tính đến hết năm 2023, toàn thôn đã có thêm 14 hộ dân tự nguyện viết đơn xin được thoát nghèo. Hiện, toàn thôn còn 5 hộ nghèo, 37 hộ cận nghèo (giảm 14 hộ so với cuối năm 2022).

Hay như với hộ anh Hồ Tha và chị Hồ Thị Thoi, người Khùa ở bản Ra Mai (xã Trọng Hóa) cuối năm 2020 cũng làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Theo chia sẻ của anh Tha, do hai vợ chồng còn trẻ, có rừng trồng và nuôi được trâu bò, cuộc sống tạm đủ nên xin thoát nghèo để tự mình vươn lên… Sau gia đình anh Tha, 17 hộ nghèo khác ở Trọng Hóa cũng chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Còn với hộ ông Đinh Hữu Ân, cách đây 10 năm, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã Hóa Phúc. Từ khi có nguồn vốn hỗ trợ sản suất theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (Chương trình 30a), gia đình ông được hỗ trợ mua cây, con giống và mạnh dạn đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi và trồng 10ha rừng kinh tế... Nhờ đó, gia đình ông Ân đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu.

Tương tự, với tính cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, ông Cao Xuân Xiêm ở bản Ka Ai (xã Dân Hóa) cũng đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội mua giống vật nuôi và cây keo giống trồng rừng. Đến nay, gia đình ông có 10ha rừng keo, tràm đã cho thu hoạch. Men theo bờ suối, ông khai hoang ba sào đất trồng sắn, đậu xanh, lúa và trồng cỏ để nuôi bò… Noi gương ông Xiêm, phong trào chăn nuôi trâu, bò được nhân rộng ở nhiều bản làng của xã Dân Hóa. Riêng bản Ka Ai có gần 40 hộ phát triển chăn nuôi với số lượng khá, bên cạnh đó là trồng keo lai, tràm và nuôi ong lấy mật mang lại nguồn thu nhập giúp ổn định cuộc sống…

“Nhiều năm trước, gia đình tôi cũng như nhiều bà con dân tộc Chứt khác bám rừng nhưng vẫn không đủ cái ăn, cái mặc, con cái nheo nhóc. Từ khi Nhà nước có các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi và dân tộc thiểu số, diện mạo bản làng và đời sống của dân bản cải thiện đáng kể”, ông Xiêm nhớ lại.

Triển khai nhiều dự án, tiểu dự án hiệu quả

Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, huyện đã triển khai nhiều giải pháp giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện nhiều dự án, tiểu dự án hiệu quả, như: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông, giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn vốn lồng ghép khác, năm 2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa đã thực hiện 21 chương trình tín dụng ưu đãi cho 2.514 lượt hộ dân trên địa bàn vay vốn, với tổng số tiền khoảng 151 tỷ đồng nhằm phát triển kinh tế, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, xây dựng nhà ở xã hội, vay sinh viên… Cũng trong năm, toàn huyện đã cấp và hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 4.890 người thuộc hộ nghèo, 5.049 người thuộc hộ cận nghèo, 4.878 người dân tộc thiểu số, 4.562 người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn... Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện huy động làm mới 109 nhà, sửa chữa 9 nhà "đại đoàn kết" với số tiền 5,5 tỷ đồng...

Theo báo cáo của UBND huyện, có được kết quả trên là nhờ các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo, đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo; đồng thời tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội… Bên cạnh đó, địa phương cũng phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân; xây dựng dự án, mô hình sát với thực tế điều kiện tự nhiên.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/bai-1-vuon-len-thoat-ngheo-i376535/