Bài 11. Nâng cao nhận thức cho cán bộ về công tác kiểm sát xét xử dân sự
Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về công tác kiểm sát các hoạt động dân sự về hôn nhân, gia đình, về việc thi hành luật lao động, công tác giải quyết khiếu tố, lĩnh vực kiểm sát quân sự... góp phần vào công cuộc xây dựng miền Bắc trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1964).
Trong công tác kiểm sát các hoạt động dân sự về hôn nhân, gia đình, về việc thi hành luật lao động: Trong chín tháng đầu năm 1961, toàn ngành thụ lý kiểm sát xét xử 21.577 vụ án dân sự, trong đó có 13.474 vụ án hôn nhân và gia đình, 2.115 vụ tranh chấp về nhà cửa, 1.512 vụ kiện về hợp đồng kinh tế và 4.476 vụ án dân sự khác.
Năm 1962, về công tác kiểm sát xét xử dân sự, toàn ngành đã chủ trương tăng cường vận dụng chức năng để góp phần củng cố chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa và bảo đảm lợi ích hợp pháp của công dân, chú trọng xây dựng tổ chức, xác định nhiệm vụ, chức năng, phương thức công tác, nên hầu hết các đơn vị trong toàn ngành đều có bộ phận hoặc cán bộ phụ trách kiểm sát xét xử dân sự, đã nâng cao thêm nhận thức cho cán bộ trong ngành về công tác này.
Viện kiểm sát các cấp đã tham gia trên 700 phiên tòa, đã kháng nghị 52 vụ, khởi tố 21 vụ án dân sự. Các kết luận, phát biểu tại phiên tòa hay kháng nghị của viện kiểm sát nói chung đều được tòa án chấp nhận và đã có tác dụng góp phần bảo đảm cho việc xét xử của tòa án đúng thủ tục, đúng chính sách và pháp luật.
Vụ Kiểm sát xét xử dân sự thuộc VKSND tối cao cũng đã tiến hành sơ kết tình hình vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Lao động, tình hình vi phạm hợp đồng kinh doanh, tình hình bồi thường, bồi hoàn và đúc rút một số kinh nghiệm bước đầu về công tác kiểm sát xét xử dân sự.
Nhìn chung, công tác kiểm sát xét xử dân sự đã có nhiều tiến bộ, đã được tăng cường thêm một bước, nhất là khâu tham gia các phiên tòa nên hỗ trợ tốt cho việc xét xử và tạo điều kiện xây dựng mối quan hệ giữa hai ngành kiểm sát và tòa án.
Năm 1963, công tác kiểm sát xét xử dân sự tập trung vào việc giải quyết các vụ việc ly hôn mà một bên đương sự đang sinh sống tại miền Nam, ly hôn với động cơ không chính đáng, các vụ vi phạm hợp đồng kinh doanh, bồi thường dân sự do tai nạn, tranh chấp nhà cửa.
Viện kiểm sát đã khởi tố 18 án kiện dân sự, chủ yếu là những vụ mà người bị hại không đủ năng lực khởi tố, kháng nghị 62 vụ do có sai sót về đường lối, chính sách, pháp luật; đã tham gia phiên tòa xét xử 272 vụ trong số 1.974 vụ, chủ yếu là những án kiện dân sự quan trọng hoặc theo yêu cầu của tòa án hay những vụ do viện kiểm sát kháng nghị.
Nhìn chung, công tác kiểm sát xét xử dân sự đã có nhiều tiến bộ. Một số nơi khi tham gia phiên tòa đã có sự chuẩn bị tốt như nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị thẩm vấn và bản kết luận nên đã làm sáng tỏ vấn đề, có tác dụng hỗ trợ thiết thực cho tòa án trong việc xét xử.
Năm 1964, việc tham gia cùng tòa án giải quyết các tranh chấp dân sự đã có tiến bộ hơn và có tác dụng góp phần làm cho việc xử lý tránh được những sai lầm.
Viện kiểm sát đã tập trung vào việc kiểm sát xét xử các vụ án ly hôn thông qua việc cử kiểm sát viên tham gia phiên tòa nhiều hơn, việc nghiên cứu bản án cũng được chú ý hơn. Qua công tác này, VKSND tối cao cũng như một số viện kiểm sát địa phương đã phát hiện những vụ chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi của phụ nữ và nhi đồng, kháng nghị để xét xử lại.
Trong công tác giải quyết khiếu tố: Công tác này đã được chú trọng, có những tiến bộ và đạt được một số kết quả nhất định. Viện kiểm sát các cấp đã tiếp nhận, giải quyết khiếu tố một cách khẩn trương, tích cực. Thông qua công tác này, VKSND tỉnh Ninh Bình đã tập hợp tình hình, phân tích nguyên nhân, tác hại và đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính Tỉnh biện pháp uốn nắn, sửa chữa. VKSND tỉnh Hà Đông đã đề xuất Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp thảo luận về Thông tư số 436 ngày 13/9/1958 của Thủ tướng Chính phủ và bàn biện pháp giải quyết đơn, qua đó đã xây dựng được nền nếp sinh hoạt hằng tuần tại Ủy ban hành chính Tỉnh để báo cáo kết quả giải quyết đơn khiếu tố, giúp viện kiểm sát nắm tình hình và kiểm sát việc giải quyết.
Một số nơi như Bắc Giang, Hải Phòng, cán bộ viện kiểm sát đã đưa đơn về tận xã để tuyên truyền pháp luật, giải thích cho cán bộ và đương sự, phân tích đúng sai, góp phần phòng ngừa vi phạm tương tự.
Trong năm 1963, số đơn gửi đến viện kiểm sát tăng hơn, nhất là ở miền núi. Các viện kiểm sát địa phương đã nhận được 8.301 đơn, riêng VKSND tối cao đã nhận được 5.194 đơn.
Việc giải quyết đơn của ngành đã được chú ý hơn trước nên số đơn ứ đọng không nhiều. Trong nhiều trường hợp, viện kiểm sát đã đi xác minh, nắm thực chất của sự việc và đã biết dựa vào các cơ quan, đoàn thể nên việc giải quyết ít có sai phạm. Đã chú ý theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn do viện kiểm sát chuyển đến. VKSND tối cao đã quy định chế độ giải quyết đơn cho các địa phương và các vụ nghiệp vụ.
Trên lĩnh vực kiểm sát quân sự: Sau khi xây dựng và bước đầu ổn định tổ chức, ngành kiểm sát quân sự tiến hành kiểm sát các hoạt động liên quan đến quân đội như: công tác tuyển quân, chế độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo hậu cần, quân nhân vi phạm kỷ luật, các hoạt động chống phá cách mạng, gián điệp biệt kích... góp phần xây dựng quân đội nhân dân miền Bắc vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.
Có thể khẳng định, những hoạt động của ngành kiểm sát trong thời kỳ 1961 - 1964 trên nhiều lĩnh vực cụ thể đã góp phần vào những thành tựu to lớn của nhân dân miền Bắc trong cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua hơn 5 năm vừa chiến đấu vừa xây dựng, ngành kiểm sát đã dần ổn định về tổ chức và bước đầu phát huy được tác dụng trong công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng và các loại tội phạm khác, trong việc ngăn ngừa các vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước và của công dân, phục vụ tốt các công tác trung tâm của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong nhân dân, tạo điều kiện cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến hành được thuận lợi.
(Còn tiếp)