Bài 12: Chuyên gia quốc tế: Văn hóa là tài nguyên để phát triển Kinh tế Xanh

Từ kinh nghiệm của mình, các chuyên gia quốc tế cho rằng thay vì bảo quản di sản trong 'tủ kính' thì Việt Nam cần sử dụng di sản như một nguồn lực và chất liệu để phát triển nền Kinh tế Xanh.

Những người phụ nữ Thái ở Sơn La biểu diễn điệu múa cổ truyền, chào đón du khách đến thăm bản làng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Những người phụ nữ Thái ở Sơn La biểu diễn điệu múa cổ truyền, chào đón du khách đến thăm bản làng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Quá trình phát triển kinh tế-xã hội nâng cao đời sống người dân đôi khi xung đột với vấn đề bảo tồn di sản văn hóa, dẫn đến nguy cơ di sản bị mất mát hoặc tổn thương.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã tìm đến nhiều chuyên gia có kinh nghiệm hoạt động quốc tế, lắng nghe những giải pháp làm thế nào để hai “bánh xe” bảo tồn văn hóa và thúc đẩy kinh tế có thể song hành cùng nhịp, đưa “cỗ xe” phát triển bền vững đất nước tiến về phía trước.

Không để di sản trong “tủ kính”

Lo ngại phát triển kinh tế và du lịch sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và văn hóa bản địa, từ nhiều năm qua, Chính phủ Bhutan đã đưa ra chính sách hạn chế khách du lịch, khiến quốc gia châu Á này luôn là một bí ẩn với thế giới.

Ngược lại, sự cởi mở trong du lịch và tốc độ tăng trưởng kinh tế khiến Thái Lan phải đối mặt với những thách thức như suy thoái, mất mát hoặc biến đổi di sản gốc. “Xứ sở chùa Vàng” đã đóng cửa Vịnh Maya cùng một số hòn đảo để bảo vệ môi trường.

 Thạc sỹ Michal Teague, chuyên gia, giảng viên Đại học RMIT. (Ảnh: NVCC)

Thạc sỹ Michal Teague, chuyên gia, giảng viên Đại học RMIT. (Ảnh: NVCC)

Từ kinh nghiệm làm việc ở Australia, UAE và Việt Nam, Thạc sỹ Michal Teague, chuyên gia, giảng viên Đại học RMIT cho rằng nếu một quốc gia chỉ tập trung phát triển kinh tế mà lơ là bảo tồn văn hóa, họ sẽ mất đi những khía cạnh độc đáo khiến đất nước trở nên khác biệt và có giá trị.

Song, thay vì bảo quản di sản trong “tủ kính” thì chúng ta có thể sử dụng di sản như một nguồn lực và chất liệu để phát triển nền kinh tế Xanh.

Cách làm phổ biến nhất là thúc đẩy du lịch sinh thái và du lịch văn hóa nhằm tận dụng tài nguyên vốn có, giảm thiểu tác động đến môi trường và nâng cao phúc lợi của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, việc phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo sẽ tận dụng nguyên liệu địa phương, kỹ năng truyền thống và kiến thức bản địa.

Chuyên gia người Australia Michal Teague cho hay bà ấn tượng với mô hình du lịch tại Tràng An, Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế và Phố cổ Hội An. Đây đều là những di sản đã và đang mang lại lợi ích đáng kể cho ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam.

Đặc biệt, bà nhận định danh thắng Tràng An dường như đã tìm được sự cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và phát triển du lịch. Khu vực này mang lại sinh kế cho cộng đồng địa phương mà không ảnh hưởng đến vẻ đẹp của cảnh quan. Như vậy, giải pháp cân bằng giữa việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội là đảm bảo sự tham gia và chia sẻ lợi ích của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc đang gìn giữ nhiều di sản văn hóa.

“Nhà nước cần khuyến khích việc bảo tồn và phục hồi các di sản văn hóa đồng thời thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo để tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh Xanh giải quyết các thách thức về môi trường và xã hội mà Việt Nam đang phải đối mặt,” bà Michal Teague nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus kinh nghiệm quản lý văn hóa từ Pháp, bà Sophie Maysonnave, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho hay quốc gia châu Âu này đang thực hiện các chính sách thúc đẩy du lịch bền vững, nhằm mục đích giảm tác động đến môi trường của du lịch đồng thời bảo tồn các di sản văn hóa.

 Di tích Ngọ Môn Huế sẽ biến ảo trong bữa tiệc âm thanh, ánh sáng của chương trình "Huế by light – The live show" khép lại chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Di tích Ngọ Môn Huế sẽ biến ảo trong bữa tiệc âm thanh, ánh sáng của chương trình "Huế by light – The live show" khép lại chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp cũng thiết lập một số chương trình hỗ trợ bảo tồn các di sản văn hóa, bao gồm Quỹ Di sản và Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia đồng thời thúc đẩy sự đa dạng văn hóa thông qua việc thành lập Trung tâm Điện ảnh và Hoạt hình Quốc gia, hỗ trợ sản xuất các bộ phim phản ánh sự đa dạng của văn hóa Pháp.

“Phát triển kinh tế và văn hóa không nên loại trừ hay xung đột lẫn nhau. Bằng cách bảo tồn và thúc đẩy sự đa dạng của văn hóa, chúng ta có thể đạt được tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn giữ gìn di sản truyền thống. Đây cũng chính là trọng tâm của những dự án mà Đại sứ quán Pháp đang thực hiện với các đối tác Việt Nam nhằm bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam,” bà Sophie Maysonnave cho biết.

Theo lời bà, Pháp đang thúc đẩy các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường, chẳng hạn như sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và giảm chất thải để có thể giúp giảm lượng khí thải carbon của ngành Du lịch.

 Bà Sophie Maysonnave, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Bà Sophie Maysonnave, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Đánh giá về hoạt động du lịch văn hóa tại Việt Nam, bà Sophie nhìn ra một số điểm sáng như mô hình Du lịch cộng đồng tại Sa Pa hay Trung tâm Du khách Vườn Quốc gia Cúc Phương sắp khánh thành trong tháng 12.

“Trung tâm này là kết quả sau 18 tháng làm việc của các chuyên gia Việt Nam và Pháp. Họ đã thiết kế và xây dựng công trình bằng vật liệu địa phương như đất thô và tre, qua đó giúp du khách hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của rừng và có hành động để bảo vệ đa dạng sinh học,” bà Sophie nói.

Tăng nhận thức để không ai đứng ngoài cuộc

Để có những bước đi chắc chắn trong phát triển Kinh tế Xanh gắn với bảo tồn văn hóa, các chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam nên xây dựng một Chương trình Giáo dục Quốc gia về giá trị của văn hóa và di sản đối với nền kinh tế, khuyến khích du lịch có trách nhiệm để quản lý hiệu quả các di sản văn hóa và thiên nhiên.

 Hoạt động giáo dục di sản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Hoạt động giáo dục di sản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Theo chuyên gia Michal Teague, bảo tồn văn hóa sẽ nâng cao giá trị bản sắc dân tộc, tạo điểm nhấn cho du lịch, tạo thu nhập và sinh kế cho cộng đồng địa phương, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

“Chúng ta không thể bỏ qua việc nâng cao nhận thức của công chúng, đặc biệt là giới trẻ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, đa dạng văn hóa và các nguyên tắc thực hành kinh tế Xanh. Tôi xin bổ sung một việc làm rất cụ thể là sử dụng các ngành công nghiệp văn hóa như trò chơi và hoạt hình để kể câu chuyện văn hóa Việt Nam. Những người trẻ sẽ có thế mạnh ở lĩnh vực này,” bà Michal Teague nói.

Bà Michal Teague cũng đề cập đến việc tăng cường khuôn khổ pháp lý và thực thi các luật về bảo vệ di sản văn hóa, cũng như nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng vào các nỗ lực bảo tồn.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo, tăng cường hợp tác, chia sẻ kiến thức giữa cộng đồng địa phương, các tổ chức văn hóa, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các đối tác quốc tế trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên di sản văn hóa để phát triển bền vững.

 Ông Tarek Kouatly, Giám đốc Vùng châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục Sommet Education (Thụy Sỹ). (Ảnh: UEF)

Ông Tarek Kouatly, Giám đốc Vùng châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục Sommet Education (Thụy Sỹ). (Ảnh: UEF)

Cùng chung quan điểm, ông Tarek Kouatly, Giám đốc Vùng châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục Sommet Education (Thụy Sỹ) nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân cũng như các cấp quản lý văn hóa đồng thời xây dựng hành lang pháp lý để có thể xử lý các hành vi lạm dụng văn hóa, di sản.

Ông Tarek cho hay các nhà hoạch định chính sách cần phải có tầm nhìn xa hơn rằng liệu nguồn tài nguyên văn hóa, môi trường, cảnh quan này có thể khai thác được trong bao lâu?

“Nhà nước cần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo rằng tài nguyên thiên nhiên và văn hóa không chỉ làm giàu cho một cộng đồng, một doanh nghiệp mà phải mang đến lợi ích bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau,” ông Tarek nhấn mạnh.

Đóng góp giải pháp, Tham tán Sophie Maysonnave đưa ra 3 vấn đề bao gồm: Nâng cao nhận thức thông qua các chiến dịch giáo dục cộng đồng; lôi kéo sự tham gia của các cộng đồng địa phương, các chủ thể văn hóa; sau cùng là thiết lập các quy định để đảm bảo rằng sự phát triển kinh tế không gây tổn hại đến di sản và truyền thống văn hóa./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bai-12-chuyen-gia-quoc-te-van-hoa-la-tai-nguyen-de-phat-trien-kinh-te-xanh-post909472.vnp