BÀI 2: Ba trụ cột quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19
GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng, thực tiễn hơn 4 tháng chống dịch tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam đã cho thấy hiệu quả rõ rệt từ 3 trụ cột chính trong chiến lược phòng, chống dịch bệnh giai đoạn này.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, trong 3 đợt dịch đầu tiên, chúng ta kiểm soát dịch thành công với việc nhất quán thực hiện chiến lược ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả và áp dụng 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế), để đạt mục tiêu "Zero COVID-19”..
Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 với những diễn biến phức tạp, số ca tăng nhanh, nhiều thách thức. Đặc biệt, với biến chủng Delta đặc biệt nguy hiểm, tốc độ lây lan bệnh nhanh chóng, khiến công tác phòng, chống dịch có những lúc không tránh khỏi lúng túng, khó khăn, đòi hỏi phải điều chỉnh linh hoạt, phù hợp, kịp thời để có thể thích ứng và từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thực tiễn là thước đo hiệu quả
Thực tiễn hơn 4 tháng chống dịch tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam đã cho thấy hiệu quả từ 3 trụ cột chính trong chiến lược phòng, chống dịch bệnh giai đoạn này.
Thứ nhất, việc tăng cường giãn cách xã hội, xét nghiệm đã giúp phát hiện nhiều F0 hơn trong các vùng nguy cơ, đặc biệt là vùng xanh, nơi nếu không xét nghiệm diện rộng sẽ bị bỏ sót ca bệnh. Việc phát hiện nhiều F0 vì xét nghiệm nhiều là tín hiệu tốt vì đã phát hiện số trường hợp nhiễm thật trong cộng đồng, đánh giá chính xác mức độ lây nhiễm của từng địa bàn, can thiệp sớm hơn, giúp cộng đồng thật sự sạch dịch với bằng chứng đáng tin cậy.
Thứ hai, với hệ thống điều trị tháp 3 tầng, quản lý F0 tại nhà, thành lập các trạm y tế lưu động đã giúp giảm tải công tác điều trị, việc chuyển tuyến 2 chiều được nhanh và hiệu quả hơn, làm giảm nhanh số ca tử vong.
Thứ ba, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, chiến dịch tiêm vaccine đã được thúc đẩy, giúp tăng nhanh tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng.
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng ngày 30/10, đến thời điểm này, cả nước đã tiêm được 80.659.184 liều vaccine phòng COVID-19. Như vậy, sau khi vượt mốc hơn 75 triệu liều vào ngày 26/10 thì trong 4 ngày (từ 26-29/10), cả nước đã tiêm thêm được 5.408.194 liều vaccine, trung bình 1 ngày tiêm được hơn 1,352 triệu liều.
Điều đáng mừng nhất là đến nay, trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, chỉ còn 2 tỉnh có tỷ lệ người dân trong độ tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đạt dưới 50%, gồm: Thanh Hóa (46,85%), Nghệ An (47,11%).
Con số nói trên cũng cho thấy hiệu quả việc đôn đốc tiêm chủng tại các địa phương của Bộ Y tế sau khi vaccine được phân bổ.
Tại TPHCM, đã có 21/22 quận, huyện hoàn thành 100% tiêm mũi 1 cho người dân. Quận 10 là quận duy nhất chưa đạt tỷ lệ này (97%).
Số quận, huyện, thành phố đã tiêm mũi 1 và mũi 2 cho 100% dân số trong độ tuổi trên địa bàn, gồm huyện Củ Chi, các quận: 5, 7, 11, Phú Nhuận và TP. Thủ Đức. Các quận huyện còn lại tiêm mũi 2 đạt từ 75-99%).
TPHCM cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong ngày 28/10, trừ quận Gò Vấp, đã có 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức triển khai tiêm chủng vaccine cho hơn 86.000 trẻ từ 12-17 tuổi. Công tác tiêm chủng diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn.
Hiện, TPHCM đã công bố kết quả đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế. Tính đến ngày 25/10, TPHCM được xếp vào nguy cơ cấp độ 2. Trong 22 địa phương (cấp quận, huyện và TP Thủ Đức) có 9 địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh), 12 địa phương đạt cấp độ 2 (vùng vàng) và 1 địa phương cấp độ 3 (vùng cam). Đối với tuyến phường, xã, hiện có 199 địa phương đạt cấp độ 1, 96 địa phương đạt cấp độ 2 và 17 địa phương đạt cấp độ 3.
Mặc dù toàn TPHCM đang được đánh giá nguy cơ dịch ở cấp độ 2, số ca mắc mới có xu hướng giảm nhưng ca nhiễm mới vẫn ở mức độ 3 theo Quyết định số 4800 của Bộ Y tế. Vì vậy, mỗi người dân vẫn cần phải tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K sau khi đã tiêm đủ liều vaccine và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội.
Tập trung giám sát xu hướng dịch bệnh
GS.TS Phan Trọng Lân cũng đề xuất triển khai thiết lập hệ thống giám sát xuyên suốt, thống nhất để có thể bảo đảm dữ liệu bệnh nhân mắc, tử vong, độ nặng, tỷ lệ xét nghiệm các loại, luôn sẵn có, đầy đủ, thống nhất, giúp phát hiện kịp thời xu hướng dịch bệnh, đồng thời đánh giá được tình hình dịch bệnh. Các hệ thống giám sát chủ yếu cần thiết lập gồm: Giám sát ca bệnh tại cơ sở y tế; giám sát trọng điểm tại cơ sở y tế và cộng đồng; giám sát cộng đồng định kỳ tại các vùng nguy cơ tiếp xúc cao.
Việc giám sát ca bệnh cần kết hợp chặt với hoạt động điều tra, truy vết hiệu quả và thần tốc. Đây là một trong các năng lực đáp ứng dịch chính yếu mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) yêu cầu phải có trong các tình huống dịch COVID-19.
Mặt khác, cần tập trung triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho tất cả những người trong nhóm có nguy cơ cao, bao gồm người già, người có bệnh nền.
Tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" do Chính phủ ban hành cũng nhấn mạnh, một trong ba tiêu chí quan trọng để đánh giá, phân loại 4 cấp độ dịch là độ bao phủ vaccine. Vì tiêm chủng sẽ góp phần quan trọng để giảm số ca nặng, số ca tử vong, để thích ứng với chiến lược chuyển từ "Zero COVID" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID”.
Nghị quyết kiên định mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, đồng thời nhấn mạnh, chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, phá vỡ tình trạng "đóng băng" trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế-xã hội ở một số nơi trong thời gian vừa qua; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.
Thúy Hà (ghi)
(Còn nữa)