Bài 2: Các F1, F2 trong chuỗi cung ngành dăm gỗ nói gì?
Chuỗi cung ngành dăm gỗ rất nhiều khâu trung gian, việc mua bán chủ yếu là các thỏa thuận đơn giản, truy xuất nguồn gốc gỗ đến từng chủ rừng là điều không thể.
Nhiều bất cập nảy sinh
Dăm gỗ là một trong những hợp phần quan trọng nhất của ngành gỗ về kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ năm 2021 đạt trên 1,7 tỷ USD. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ tăng mạnh chủ yếu là do mức giá xuất khẩu tăng.
Dăm gỗ sử dụng nguyên liệu chủ yếu từ gỗ nhỏ, cành, ngọn. Toàn bộ lượng dăm gỗ được sản xuất ra để phục vụ thị trường xuất khẩu. Hầu hết các cơ sở dăm gỗ tập trung ở vùng duyên hải, Bắc Trung bộ và Đông Bắc.
Anh Nam – một người chuyên làm mảng nguyên liệu gỗ rừng trồng tại Thái Nguyên chia sẻ, hiện tại Thái Nguyên đất rừng trồng keo khoảng 90.600 ha, trong đó, nhiều nhất là khu vực Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai với diện tích trung bình 16.000 ha/1 huyện, huyện Đại Từ khoảng 14.000 ha, các địa phương khác như Phổ Yên, Phú Bình trung bình từ 2.000 – 4.000ha.
Hiện tại Thái Nguyên, gỗ keo cung cấp 60 - 70% cho sản xuất dăm gỗ, phần còn lại cho bóc và xẻ. Sau khi có các nhà máy chế biến sâu MDF (nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến đồ gỗ), tỷ trọng có thay đổi, đâu đó mất khoảng 10% nguyên liệu từ dăm cho MDF. Dăm gỗ chủ yếu được vận chuyển qua cảng Cái Lân và xuất bán sang thị trường Trung Quốc làm nguyên liệu cho ngành chế biến giấy.
Về việc xác định nguồn cung gỗ rừng trồng, ông Hiếu cho rằng, có rất nhiều vấn đề phát sinh từ thực tế. Bởi lẽ, nhiều nhà dân có diện tích vườn chỉ mấy trăm mét cũng tranh thủ trồng keo. Đây là diện tích vườn và không được đưa vào diện tích rừng trồng. Việc này diễn ra khá phổ biến tại các huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Khi xác minh nguồn gốc gỗ cây keo, sẽ xảy ra các trường hợp. Thứ nhất, chủ rừng bán cho công ty xuất khẩu dăm. Khi công ty xuất khẩu dăm quay ngược trở lại tìm chủ vườn rừng, trong trường hợp người này chuyển đi nơi khác hay trường hợp đã mất thì câu hỏi đặt ra việc này sẽ xác nhận như thế nào?
Thứ hai, khi chủ trồng rừng (F0) cho thương lái F1, F1 này bán qua F1, và sau nhiều khâu mới đến nhà máy xuất khẩu dăm. Câu chuyện quay trở lại xác minh nguồn gốc gỗ này là cực kỳ khó.
Trường hợp thứ ba, ví dụ bà A là vợ của ông B (đã mất) nhưng trong sổ đỏ không có tên trên diện tích keo này, lý do, trước khi ông B lấy bà A, đất rừng này địa phương chỉ giao cho ô B. Khi ông B mất đi, không có bất kỳ giấy tờ gì chuyển sang cho bà A cả. Vậy xác minh chủ rừng như thế nào?
Ngoài ra, giao dịch đất rừng diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Việc mua bán đất lâm nghiệp theo hình thức chính thống thì không nói vì có sự xác định của chính quyền địa phương, nhưng nếu mua bán theo hình thức viết tay thì sẽ rất khó truy xuất đến người cuối cùng.
“Chuỗi cung cực kỳ dài và cực kỳ phức tạp nên việc xác minh luồng đi của cây gỗ như thế nào là rất khó, thậm chí có những trường không thể xác định được. Ngoài ra, việc bán cho nhà máy, một số thương lái còn dấu nguồn gốc gỗ, bảo toàn nguồn hàng họ lấy nhằm tránh tình trạng người khác đến cạnh tranh nguồn nguyên liệu”, anh Nam chia sẻ.
Chủ yếu giao dịch dân sự đơn giản
Một thành phần trong chuỗi cung này đó là các xưởng chế biến lâm sản. Ông Phong – Chủ xưởng chuyên sản xuất ván bóc và dăm gỗ thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên - cho hay, chúng tôi mua gỗ chủ yếu từ rừng trồng của người dân trong huyện thông qua các thương lái, có thể trả tiền trước hoặc sau tùy thuộc vào thỏa thuận của 2 bên. Giấy tờ mua bán không có, chỉ có một bản kê do người dân tự kê khai, hoặc người đi bán tự ghi và không cần xác nhận của chính quyền địa phương. Việc mua bán này chính quyền xã không can thiệp. Là người mua, chúng tôi chỉ có thể nắm được xe hàng xuất phát từ khu rừng nào, nhưng để chứng minh xuất xứ của họ thì cơ sở chúng tôi không cần thiết và cơ quan chức năng cũng không yêu cầu.
“Theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người ta cũng coi cây keo như cây lúa, cây khoai, bà con tự trồng tự sản. Khi bán sản phẩm nếu người mua có hỏi hóa đơn chứng từ thì chúng tôi cũng không thể đáp ứng được. Nếu họ yêu cầu về nguồn gốc hồ sơ khai thác thì chúng tôi chỉ có thể cung cấp được bản tự kê đơn giản của chủ rừng hay người cung cấp nguyên liệu. Theo tôi biết thì những giấy tờ kiểu này không có ý nghĩa gì”, ông Phong nêu một thực tế.
Về việc bán sản phẩm, quan điểm của chúng tôi là ai mua giá tốt thì bán, chứ chúng tôi không bán cố định cho riêng khách hàng nào cả.
Sự phức tạp trong truy xuất nguồn cung gỗ rừng trồng không chỉ ở khu vực phía Bắc mà còn tại khu vực miền Trung. Trên cánh rừng ở thôn Phú Lâm, xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống những ngày đầu tháng 11/2022, chứng kiến nhiều thương lái đang khai thác rừng trồng.
Ông Khôi, một thương lái chuyên thu mua gỗ rừng trồng, rồi vận chuyển đến bán cho các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ khu vực này, cho biết, hầu hết nông dân có rừng không muốn tự thu hoạch, nên thường bán nguyên cả mảnh rừng. Thương thảo giá mua rừng với nông dân và trả tiền. Việc mua bán cũng rất đơn giản, chúng tôi chỉ cần hợp đồng mua bán, thậm chí là thỏa thuận miệng và đến đủ tuổi là vào khai thác.
Về nguồn gốc gỗ, có những nhà có trích lục (sổ đỏ) và có những nhà không có. Số hộ có trích lục (sổ đỏ) khoảng 60 - 70%. Cây được cắt sẽ được bán cho mỗi một vài đầu doanh nghiệp. Ở đầu ra, người mua cũng không yêu cầu phải giấy tờ gì.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một nông dân tại địa phương này cũng cho biết, dân trồng rừng ở đây thường bán “vo” cả vườn rừng, thương lái tự thu hoạch. Khi mua gỗ của bà con, thương lái giao tiền, còn tất cả các khâu thu hoạch phía sau là họ tự lo, trong đó, sổ đỏ trong 10 nhà thì có thể 7 nhà có, 3 nhà không có. Các ông thương lái cứ gọi bán là đến mua, chứ họ cũng không quan tâm đến giấy tờ hay sổ đỏ.
Ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends cho hay, trung bình, mỗi hộ gia đình có khoảng hơn 1ha đất rừng được giao (1,4 triệu ha đất rừng sản xuất được giao cho 1,1 hộ gia đình). Khi đến thời gian khai thác và bán gỗ ra ngoài thì trải qua rất nhiều khâu khác nhau trước khi đến điểm cuối cùng là điểm xuất khẩu.
Bình thường là từ 4 đến 5 khâu và có những doanh nghiệp chia sẻ có thể lên đến 15 khâu. Chuỗi cung quá dài và trong chuỗi cung này có những đơn vị tham gia không chính thống (không đăng ký hay không nộp thuế cho nhà nước). Việc này khiến các bằng chứng trong các giao dịch trong chuỗi cung đấy để đảm bảo rằng tất cả các bên tham gia tuân thủ các quy định quản lý nhà nước là không có.
Và như vậy, nhưng người cuối cùng trong chuỗi (ví dụ như doanh nghiệp xuất khẩu) bị tắc bởi các bên trung gian không làm trách nhiệm của mình. Việc này dẫn đến câu chuyện hoàn thuế VAT là câu chuyện cực kỳ lớn.
Nguyễn Hạnh