Bài 2: Cần giải pháp đồng bộ, bền vững
Thời gian qua, nhiều giải pháp của các ngành, các cấp được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đã xử lý dứt điểm, hạn chế tình trạng chặt phá, khai thác rừng và góp phần giữ vững an ninh rừng tận gốc. Tuy nhiên, quá trình thực hiện một số chính sách cũng đang bộc lộ những bất cập cần được tháo gỡ, cho phù hợp với thực tiễn và để chủ rừng yên tâm gắn bó dài lâu với nghề rừng.
Ngăn chặn nạn khai thác rừng trái phép
Cây tái sinh tự nhiên trong rừng trồng không được phép khai thác tại thôn An Nhân, xã Luận Khê (Thường Xuân). Ảnh: Ngọc Anh
Xử lý dứt điểm các điểm nóng, nổi cộm
Liên quan đến các vụ việc khai thác, phá rừng trái pháp luật tại các xã Điền Thượng, Điền Hạ, Thiết Kế và Thiết Ống của huyện Bá Thước trong thời gian gần đây, để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong chỉ đạo điều hành để xảy ra khai thác, phá rừng trái pháp luật; vừa qua, tập thể Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Bá Thước, giai đoạn 2016-2020 đã kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL,BV&PTR). Tập thể UBND xã Điền Thượng, UBND xã Điền Hạ kiểm điểm sâu sắc. Các cá nhân ông: Phạm Hồng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Điền Thượng phải kiểm điểm xử lý kỷ luật mức cảnh cáo; Hà Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Thượng kiểm điểm xử lý kỷ luật mức khiển trách; Lục Công Đính, Chủ tịch và Phạm Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hạ xử lý kỷ luật kiểm điểm sâu sắc. Đối với Hạt Kiểm lâm Bá Thước, các ông: Lê Duy Ngợi, nguyên hạt trưởng; Đào Đình Huy, nguyên phó hạt trưởng và Phạm Văn Dũng, nguyên trạm trưởng, kiểm lâm viên địa bàn xã Điền Thượng kiểm điểm xử lý kỷ luật mức cảnh cáo; Mai Văn Am, kiểm lâm viên địa bàn xã Điền Hạ kiểm điểm xử lý kỷ luật mức khiển trách. Bên cạnh việc xử lý kỷ luật các cá nhân liên quan, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cũng đã bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ có uy tín, năng lực về Hạt Kiểm lâm Bá Thước đảm nhiệm công tác. Đồng thời từ ngày 1-4-2020, điều chuyển 2 cán bộ nguyên lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Bá Thước về Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, đảm bảo hoạt động ổn định của tổ chức bộ máy.
Để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QL,BV&PTR, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước đã yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn, hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện, giám đốc chủ rừng Nhà nước thực hiện nghiêm việc cấm khai thác gỗ, củi trong rừng tự nhiên là rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Trong thời gian chờ có hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa về khai thác cây gỗ tự nhiên tái sinh trong rừng trồng, đề nghị chủ rừng tạm dừng việc khai thác các loài cây gỗ mọc tái sinh tự nhiên (cây trùng loài với cây rừng tự nhiên) trong rừng sản xuất là rừng trồng của hộ gia đình, chủ rừng Nhà nước. UBND huyện Bá Thước cũng đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện chấn chỉnh công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất, nêu cao tính gương mẫu đối với người đứng đầu. Đánh giá việc tham mưu cho huyện, xã trong việc chỉ đạo có hiệu quả công tác QL,BV&PTR. Huyện cũng kêu gọi các dự án đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, tạo cơ chế thuận lợi trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Hỗ trợ doanh nghiệp đưa tiến bộ khoa học vào chế biến lâm sản có giá trị cao; đưa các giống mới, cây đặc sản, cây dược liệu vào xen canh kết hợp để phát triển kinh tế nghề rừng.
Theo ông Lê Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, từ vụ việc trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm: Một là, ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu, có tác dụng quyết định hiệu quả thực hiện Chỉ thị 13. Hai là, đối với các huyện có rừng lớn, công tác QL, bảo vệ rừng (BVR) phải được coi là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, phải được cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Do đó, cần phải kiên quyết chỉ đạo giải quyết triệt để, có hiệu quả những vụ việc nổi cộm, những địa bàn thuộc điểm nóng về an ninh rừng. Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm, buông lỏng quản lý, trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành đối với vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan.
Ông Việt cũng nhấn mạnh, trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân, chủ rừng đối với công tác QL,BV&PTR. Phải thay đổi căn bản về nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững. Chấp hành nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, tạm dừng việc khai thác tận thu, tận dụng, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, trồng rừng, sản xuất nương rẫy để ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi rừng, duy trì diện tích rừng tự nhiên hiện có trên địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác. Làm tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế, các chương trình dự án bảo tồn đa dạng sinh học. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát của hội đồng nhân dân các cấp và của người dân, cộng đồng, tiếp tục thực hiện xã hội hóa đối với công tác QL,BV&PTR.
Cần có cơ chế, chính sách đồng bộ, hiệu quả bền vững
Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã làm thay đổi mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động đối với công tác QL,BV&PTR. Tuy nhiên, chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, đặc biệt rừng tự nhiên là rừng sản xuất đã giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ, sử dụng lâu dài nhưng chưa hoặc được hỗ trợ rất ít, làm cho đời sống của nhân dân hết sức khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu về gỗ, lâm sản, đất sản xuất của người dân ngày càng gia tăng, đã gây áp lực lớn đối với công tác QL,BV&PTR. Chính từ những bất cập này, đã dẫn đến việc người dân không đảm bảo được cuộc sống từ nghề rừng, phải khai thác lâm sản, phá rừng trái pháp luật để lấy gỗ, lâm sản, lấy đất sản xuất...
Điển hình như tại huyện Thường Xuân, theo ông Nguyễn Danh Minh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Tân Thành (Hạt Kiểm lâm Thường Xuân), công tác xử lý của trạm gặp nhiều khó khăn. Người dân không đồng tình, bởi vì họ cho rằng cây khai thác mặc dù là cây tự nhiên nhưng họ bỏ công chăm sóc từ khi còn là chồi thì cần được coi là cây rừng trồng chứ không phải là rừng tự nhiên. Người dân cũng đề nghị được hưởng lợi ích từ khai thác những cây tự nhiên mọc chồi, do đã được họ chăm sóc từ lâu. Một số hộ nghèo, gia đình khó khăn đề xuất hỗ trợ giống cây trồng để PTR, đồng thời hỗ trợ kinh phí từ việc chăm sóc, BVR. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để lực lượng kiểm lâm có cơ sở xử lý thuận lợi mà không cảm thấy bị áp lực với người dân. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho người dân về cây giống có năng suất cao, chuyển đổi một số diện tích có cây bụi, cỏ tranh, rừng lau lách chuyển sang trồng cây khác có hiệu quả hơn.
Ông Lê Thanh Hữu, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân cho biết thêm: Để giảm áp lực tác động của người dân vào rừng tự nhiên, đề nghị cơ quan thẩm quyền xác định rõ đường ranh giới giữa Nhà nước và nhân dân cả trên bản đồ và thực địa, nhằm tránh tình trạng xâm lấn. Đồng thời, tăng cường cán bộ chuyên trách tại các trạm BVR, cấp kinh phí trang bị công cụ hỗ trợ, trang phục bảo hộ cho lực lượng chuyên trách BVR.
Trao đổi thêm với lãnh đạo huyện và Hạt Kiểm lâm Thường Xuân, các đồng chí cũng đề nghị, đối với rừng sản xuất là rừng trồng, yêu cầu phải thực hiện đúng các quy định của Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đó là chủ rừng được quyền quyết định trồng cây gì thì khai thác cây đó và tuân theo đúng quy hoạch mà cấp có thẩm quyền đã phê duyệt. Đối với rừng sản xuất (rừng tự nhiên nghèo kiệt), nếu tiếp tục khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, thì cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để người dân, chủ rừng yên tâm khoanh nuôi tái sinh thành rừng. Nếu không được hỗ trợ của Nhà nước thì các ngành chức năng cần vào cuộc kiểm tra, đề xuất cấp có thẩm quyền để các chủ rừng được chuyển đổi hoặc xử lý thực bì, trồng bổ sung rừng và được hưởng lợi từ rừng trên diện tích rừng được giao. Đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, cần được rà soát lại, những diện tích được quy hoạch là rừng phòng hộ nhưng khả năng phòng hộ ít thì cần quy hoạch thành rừng sản xuất để người dân chủ động sản xuất lâm nghiệp. Đối với diện tích có rừng tự nhiên nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp cũng cần được bổ sung vào quy hoạch lâm nghiệp là rừng sản xuất, rừng phòng hộ để quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, cần tiếp tục có chính sách đầu tư của Nhà nước để bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng và phòng hộ. Trồng bổ sung cây bản địa phù hợp với điều kiện sinh thái của rừng. Đồng thời, cho các chủ rừng hưởng lâm sản phụ, khai thác tận thu gỗ để làm nhà, đồ gia dụng với tỷ lệ nhất định.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, về lâu dài, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị 13 của Chính phủ và Kế hoạch hành động số 47 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Đề nghị Nhà nước sớm rà soát, đánh giá hiện trạng rừng. Trong đó chú trọng các khu vực rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng tái sinh thành rừng. Cần thiết phải cho người dân được cải tạo để trồng rừng theo đúng quy định tại Điều 48, Luật Lâm nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho người dân có đất sản xuất phù hợp với quy hoạch, đảm bảo quyền lợi cho các chủ rừng. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về QL,BV&PTR; thực hiện đầy đủ các chính sách để duy trì ổn định diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn, giữ vững ổn định an ninh rừng tận gốc. Thực hiện có hiệu quả Đề án “Tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, đề nghị của nhân dân về công tác kiểm lâm”. Khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tích tụ đất đai, liên kết trong sản xuất, liên kết với các cơ sở chế biến để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững. Chú trọng công tác quản lý giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Lâu dài, cần có các dự án phát triển lâm nghiệp gắn với hỗ trợ sinh kế cho người dân. Nâng cao chất lượng khoán BVR, trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng gắn với tái cơ cấu nghành lâm nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ để áp dụng các biện pháp lâm sinh làm giàu từ rừng. Khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng bổ sung đối với diện tích rừng tự nhiên có chất lượng thấp, rừng nghèo, cây gỗ không có giá trị, cây tái sinh phi mục đích nhằm nâng cao chất lượng rừng. Hỗ trợ kinh phí BVR tự nhiên, thuộc rừng sản xuất cho chủ rừng sau khi có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, để có nguồn kinh phí đầu tư bảo vệ trên diện tích rừng được giao.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/bai-2-can-giai-phap-dong-bo-ben-vung/117489.htm