Bài 2: Chất lượng nguồn nước đang giảm
Nhận định về tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia cho rằng, vùng có nguy cơ mất an ninh nguồn nước rất lớn. Ngoài việc thiếu nước thì chất lượng nguồn nước ngày càng suy giảm.
Khai thác nước ngầm quá mức
Theo các nhà khoa học, xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ở cả các dòng chảy trên mặt, ở cả trong các tầng chứa nước ngầm, là nguy cơ cho an ninh nguồn nước, đặc biệt mùa khô. Các hộ sử dụng nguồn nước ngầm với giếng khoan ở tầng sâu (từ 80 - 100m) đang có hiện tượng sụt nước và các giếng bơm không lên nước. Ông Andreas Renck - Chương trình Hợp tác kỹ thuật Việt - Đức cho rằng, nước ngầm có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động cấp nước đối với sự thích ứng của Đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề chúng ta nên làm gì để hạn chế khai thác nước ngầm và tăng cường nguồn cung nước ngầm. GS. Stephen Norra - Đại học Postdam, Đức khẳng định, tiến hành phân tích dữ liệu vệ tinh, kết quả cho thấy một số khu vực tại Cà Mau xảy ra hiện tượng sụt lún tới 2 - 3cm. Điều này trở thành vấn đề rất quan trọng hiện nay. Có thể thấy rằng khai thác nước ngầm góp phần gây ra hiện tượng sụt lún.
Báo cáo tỉnh Hậu Giang, hiện nay, nguồn nước cung cấp cho tỉnh chủ yếu là nước mặt và nước dưới đất. Trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, xả thải, chất lượng nguồn nước mặt không ổn định, nguồn nước ngầm đã và đang chịu áp lực gia tăng khai thác, sử dụng. Việc khai thác, sử dụng nước ngầm không hợp lý như khai thác tại khu vực có nguy cơ bị xâm nhập mặn, ô nhiễm sẽ làm gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn, ô nhiễm nước cho các tầng chứa nước dưới đất gây khả năng gây tình trạng cạn kiệt nguồn nước. Do đó, liên quan đến giải pháp căn cơ bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Nguyên nhân khai thác nước ngầm quá mức, một lãnh đạo địa phương lý giải, do sự gia tăng của các hoạt động sản xuất công, nông nghiệp, dịch vụ đã kéo theo nhu cầu sử dụng nước ngày một gia tăng. Một số nơi hệ thống cung cấp nước tập trung hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt nên việc khoan giếng để khai thác nước ngầm đang diễn ra phổ biến, không có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý đã dẫn tới nguy cơ suy thoái chất lượng, trữ lượng nước ngầm.
So với nước mặt, nước ngầm ít bị ô nhiễm hơn. Nhưng đối với các vùng mà lớp phủ trên tầng chứa nước mỏng hoặc có tính thấm lớn, nước mặt thấm xuống cũng rất dễ gây nhiễm bẩn tầng chứa nước. Ngoài ra, ở các lỗ khoan có kết cấu cách ly kém, nước bẩn có thể theo thành lỗ khoan thâm nhập vào tầng chứa nước làm ô nhiễm nước dưới đất; quá trình khai thác nước làm cho mực nước hạ thấp sẽ làm tăng độ dốc thủy lực của dòng thấm cũng có thể làm tăng quá trình ô nhiễm… Khi nước dưới đất đã bị ô nhiễm thì việc khắc phục rất khó khăn và phức tạp, không những tốn kém kinh phí xử lý mà còn đòi hỏi thời gian khắc phục lâu dài.
Việc khai thác nước dưới đất với số lượng lớn, khai thác nước gần biên mặn nước dưới đất đã dẫn đến tình trạng sụt giảm mạch nước ngầm, giảm áp lực nước. Điều này làm gia tăng khả năng thẩm thấu, xâm nhập nước mặn từ bên ngoài vào các tầng rỗng, gây ra hiện tượng nhiễm mặn tầng nước ngầm. Bên cạnh đó, nhiều giếng nước không còn sử dụng hoặc khai thác không hiệu quả nhưng không có biện pháp xử lý hay được xử lý trám lấp không đúng quy định đã làm gia tăng nguy cơ đưa nguồn ô nhiễm vào nước ngầm, gây ra hiện tượng ô nhiễm thông tầng mạch nước ngầm và sụt lún.
Kết quả nghiên cứu bước đầu do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở Đồng bằng sông Cửu Long” đã ghi nhận xu thế nâng, hạ-sụt lún vùng Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long có biên độ nâng, hạ ở mức độ khác nhau, trong đó: Vùng có biên độ nâng (từ 2,4 – 11,4mm/năm) có diện tích khoảng 5,8 nghìn km2 thuộc khu vực các tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần diện tích ở Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh; vùng có biên độ hạ (từ 7,4 – 11,8 mm/năm) phân bố trên toàn bộ diện tích còn lại của Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích khoảng 36,8 nghìn km2. Việc sụt lún do nguyên nhân tự nhiên có xu hướng giảm dần cho đến khi đồng bằng ổn định.
Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn nước
Trước tình hình biến đổi khí hậu, như khô hạn, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng... đã tác động đến nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Thực tế, Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ mất an ninh nguồn nước rất lớn. Tại Hội thảo “Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long” vừa được tổ chức tại Cần Thơ, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo, tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức như: Nguồn nước mặt phân bố không đồng đều, mực nước dưới đất đang bị hạ thấp, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, ô nhiễm từ các hoạt động phát triển nội tại của vùng. Một vấn đề nữa là thượng nguồn sông Mê Kông cung cấp khoảng 94% tổng lượng nước cho Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, quá trình phát triển thủy điện ở thượng nguồn đã và đang tác động tiêu cực tới sự suy giảm nguồn nước chảy về. Trong khi đó, dân số Đồng bằng sông Cửu Long dự báo có thể tăng từ 17 triệu lên khoảng 30 triệu vào năm 2050, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng. Đây sẽ là một áp lực lớn đối với Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề thiếu hụt nước sinh hoạt và sản xuất trong tương lai.
Nhiều chuyên gia lo âu: “Bên cạnh tác động bởi biến động môi trường, chúng ta đang phí phạm nguồn nước rất nhiều trong khi thực hiện các giải pháp chống hạn mặn. Càng chặn mặn bởi các công trình thì năng lượng thủy triều không phân tán mà giữ nguyên, đẩy độ mặn cao hơn. Không những vậy, cống ngăn mặn khi đóng sẽ giữ lại các dòng nước ngọt, tồn đọng gây ô nhiễm. Đó là một trong những lý do tại sao chúng ta càng chống mặn, mặn càng gay gắt”.
Viện khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng, tình hình xâm nhập mặn ngày càng tác động sâu hơn và thời gian lâu hơn. Giải pháp quy hoạch thủy lợi cần sử dụng nguồn tài nguyên nước theo hướng thuận thiên. Điều này có nghĩa là người dân và chính quyền vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải coi trọng tất cả nguồn tài nguyên từ nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Cần có công tác điều hành phù hợp với điều kiện nguồn nước, vùng nào cần sử dụng và thời gian phân bổ nguồn nước cụ thể ra sao để có kế hoạch sử dụng hiệu quả. Với giải pháp “phi công trình", ngành chức năng cần chỉ đạo và dự báo sớm, đẩy sớm thời vụ để né hạn mặn, phân phối nước theo đối tượng ưu tiên để phục vụ tốt cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên làm thế nào bảo vệ tài nguyên nước không phải chuyện một sớm một chiều.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-2-chat-luong-nguon-nuoc-dang-giam-374907.html