Bài 2: Chủ động vào cuộc, đưa ra ý kiến đánh giá khách quan, tin cậy
Những năm qua, việc tham gia ý kiến của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm luôn được Lãnh đạo KTNN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động vào cuộc triển khai từ sớm. Trên cơ sở đó, KTNN đưa ra các ý kiến đánh giá khách quan, tin cậy, làm căn cứ để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ).
Việc tham gia ý kiến về dự toán ngân sách ngày càng được đánh giá cao
Theo quy định hiện hành, KTNN tham gia ý kiến đối với việc xây dựng, quyết định dự toán NSNN, kế hoạch phân bổ NSTƯ với 2 cấp độ: Tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ trong việc xem xét về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ, phương án điều chỉnh dự toán NSNN; trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ NSTƯ.
Năm 2023, chất lượng ý kiến đóng góp của KTNN vào dự toán NSNN đã có nhiều tiến bộ, được Quốc hội đánh giá rất cao. Nhiều đại biểu Quốc hội đã căn cứ vào ý kiến của KTNN khi phát biểu tại hội trường, cũng như làm cơ sở trước khi quyết định các vấn đề có liên quan.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Để thực hiện nhiệm vụ tham gia ý kiến về dự toán ngân sách hằng năm, các đơn vị kiểm toán luôn tuân thủ, bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức, chế độ chính sách, nội dung hướng dẫn tham gia ý kiến về dự toán thu - chi ngân sách hằng năm của các Bộ, cơ quan Trung ương được KTNN ban hành tại Quyết định số 67/QĐ-KTNN ngày 15/02/2023 và Quyết định số 84/QĐ-KTNN ngày 15/02/2023 Hướng dẫn chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ.
Theo đại diện KTNN chuyên ngành II, hằng năm, khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn lập dự toán của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo KTNN chuyên ngành II đã chỉ đạo các phòng tổ chức nghiên cứu, thảo luận và tập huấn cho toàn bộ kiểm toán viên trong đơn vị nắm vững, nghiên cứu sâu về các định mức, chế độ chính sách, chủ trương xây dựng dự toán trong năm ngân sách. Đồng thời, đơn vị gửi công văn yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương cung cấp hồ sơ, tài liệu cần thiết về dự toán ngân sách hằng năm, các phòng thu nhập thông tin tài liệu liên quan để chủ động tham gia các cuộc thảo luận dự toán của các Bộ, cơ quan Trung ương thuộc phạm vi kiểm toán được giao tại Bộ Tài chính.
Với các địa phương, đại diện KTNN khu vực I cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương thuộc địa bàn kiểm toán để tham gia vào quá trình thảo luận dự toán NSNN hằng năm giữa địa phương với Bộ Tài chính.
“Việc tham gia ý kiến vào dự toán NSNN tại các tỉnh, thành phố do KTNN khu vực I quản lý đã dần đi vào nền nếp, được sự đồng thuận cao của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Nội dung phối hợp trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương đã được đưa vào Quy chế phối hợp giữa KTNN với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố” - ông Tống Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, KTNN khu vực I chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, trên cơ sở Quy chế phối hợp, đơn vị đã thiết lập kênh thông tin liên lạc, cung cấp báo cáo, hồ sơ xây dựng dự toán NSNN tại các tỉnh, thành phố đầy đủ, kịp thời, đáp ứng được nhu cầu thông tin làm cơ sở đưa ra ý kiến của KTNN đối với dự toán…
Trong khi đó, tại KTNN khu vực V, đơn vị đã chủ động thành lập Tổ tham gia ý kiến đối với dự toán ngân sách địa phương do Phó Kiểm toán trưởng làm Tổ trưởng; định hướng, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên, nhóm thành viên trong việc tiếp cận thu thập thông tin, nghiên cứu tham gia ý kiến đối với từng địa phương, từng lĩnh vực để tập trung chuyên sâu, đảm bảo chất lượng ý kiến tham gia và đảm bảo thời gian tổng hợp ý kiến để gửi theo yêu cầu…
Chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong công tác lập dự toán
Thực tiễn cho thấy, từ khi Luật NSNN 2015 được Quốc hội thông qua (có hiệu lực thi hành từ năm 2017), chất lượng công tác lập dự toán NSNN của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, chất lượng dự toán của một số đơn vị còn hạn chế, dẫn đến dự toán NSNN chưa thực sự trở thành căn cứ trong quản lý, điều hành ngân sách.
Qua xem xét, đánh giá tính hợp lý, khả thi của dự toán NSNN gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; phân tích các yếu tố tác động và dự báo sát khả năng thực hiện dự toán NSNN… KTNN chỉ ra không ít vấn đề. Đơn cử, tình trạng xây dựng dự toán thu NSNN năm chưa bao quát hết nguồn thu; dự toán thu lập thiếu chi tiết hoặc chưa đầy đủ các khoản thu; xây dựng dự toán thu nội địa, thu từ thuế xuất nhập khẩu chưa đảm bảo tính tích cực, chưa đạt mức tăng bình quân theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; dự toán thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn lập thiếu cơ sở, khi thực hiện thường không đạt dự toán; dự toán thu từ dầu thô xây dựng sản lượng, mức giá bình quân không sát thực tế, dẫn đến số thu từ dầu thô thực tế năm thường vượt cao so với dự toán…
Hay về dự toán chi NSNN và phân bổ NSTƯ, KTNN chỉ rõ: Dự toán chi đầu tư phát triển lập thường cao hơn so với dự toán năm trước, song với thực trạng tình hình giải ngân vốn đầu tư như những năm qua đều đạt không cao so với dự toán, số chuyển nguồn sang năm sau lớn; chưa có thông tin về tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ứng trước kế hoạch vốn còn phải thu hồi. Đối với dự toán chi thường xuyên, hầu hết các Bộ, cơ quan Trung ương xây dựng dự toán chi cao hơn nhiều so với năm trước nhưng thiếu thuyết minh nguyên nhân; một số lĩnh vực, nội dung chi dự toán năm lập quá cao so với dự toán được giao và so với số ước thực hiện năm trước. Một số địa phương bố trí dự phòng ngân sách chưa đảm bảo quy định; dự toán chi chưa phù hợp với định mức chi tiền lương thay đổi.
“Phương án phân bổ NSTƯ chưa phân bổ cụ thể nguồn xử lý bù mặt bằng chi cân đối ngân sách năm để đảm bảo tính minh bạch, công khai của dự toán NSNN; dự toán dự phòng NSTƯ chưa sát thực tế, tính đến cuối năm sử dụng không hết…” - ông Nguyễn Duy Dũng, Trưởng phòng Vụ Tổng hợp dẫn chứng.
Những bất cập được KTNN chỉ ra cũng là vấn đề được các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội quan tâm khi đánh giá về dự toán NSNN. Chẳng hạn gần đây nhất, qua thẩm tra Báo cáo quyết toán NSNN năm 2024, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận định, việc lập dự toán chi NSNN, tổ chức thực hiện chưa tốt, đánh giá tình hình thực hiện chi NSNN không sát, không đảm bảo đáp ứng nhu cầu những nhiệm vụ chi cần thiết, gây lãng phí nguồn lực NSNN, phải vay, trả nợ lãi lớn để bù đắp bội chi nhưng không có khả năng thực hiện, phải hủy dự toán…; ảnh hưởng đến việc xây dựng dự toán NSNN năm 2024 và các năm sau.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và có giải pháp giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổng hợp dự báo kết quả thu, chi NSNN hằng năm làm cơ sở xây dựng dự toán NSNN năm sau, đảm bảo cơ sở khoa học, thực tiễn trong công tác lập dự toán chi NSNN; tổ chức thực hiện, chấp hành dự toán chi NSNN để sử dụng nguồn NSNN tiết kiệm, hiệu quả, không gây thất thoát, lãng phí” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.
Dẫn thông tin từ báo cáo của KTNN về tình trạng nhiều khoản kinh phí được chuyển nguồn chưa đúng quy định, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) chỉ rõ, khi ngân sách chuyển nguồn quá lớn, lên đến gần 40% tổng chi cân đối NSNN thì hiệu quả của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế trong năm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Do đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động, quyết liệt và tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu từ NSNN; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc lập và chấp hành dự toán chi đầu tư.
Thực tiễn cho thấy, dù đã có những đóng góp quan trọng song việc cho ý kiến của KTNN vào dự toán NSNN hằng năm vẫn còn những hạn chế. Điều này xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này của KTNN. Vấn đề này sẽ tiếp tục được lý giải, làm rõ trong kỳ tiếp theo…/.