Tạo bước chuyển trong thực hiện tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn

Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (KTNT) là tiêu chí khó. Song lại có ý nghĩa quan trọng vì là tiêu chí có vai trò động lực, thúc đẩy các tiêu chí khác và thể hiện rõ mục tiêu

Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (KTNT) là tiêu chí khó. Song lại có ý nghĩa quan trọng vì là tiêu chí có vai trò động lực, thúc đẩy các tiêu chí khác và thể hiện rõ mục tiêu "để đời sống của người dân thực sự được nâng lên”. Với tinh thần đó, các cấp, ngành trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Từ đó, tạo bước chuyển về tổ chức sản xuất và phát triển KTNT, nhất là ở các địa bàn khó khăn.

Người dân xóm Khả, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) trồng bưởi diễn trên đất đồi rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân xóm Khả, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) trồng bưởi diễn trên đất đồi rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2019, gia đình anh Vũ Tiến Sỹ, thôn Chợ Đập, xã An Bình (Lạc Thủy) vay vốn đầu tư nuôi gà Lạc Thủy theo hướng gia trại. Với quan điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đàn gà của gia đình anh phát triển tốt, ít dịch bệnh, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương lại có đầu ra ổn định. Thấy thuận lợi, gia đình anh tiếp tục mở rộng quy mô từ vài trăm m2 ban đầu lên 1.800 m2. Tại các chuồng thường xuyên duy trì 3.000 - 5.000 con gà đẻ, 6.000 - 8.000 gà thịt thương phẩm. Mỗi năm, gia đình anh có nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Nhiều gia đình ở huyện Lạc Thủy cũng vươn lên với nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm từ các mô hình KTNN hiệu quả.

Theo đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình KTNN hiệu quả, góp phần tạo động lực thúc đẩy giúp người dân, nhất là ở địa bàn địa bàn đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Nổi bật như các mô hình chăn nuôi lợn bản địa, gà đen, cá dầm xanh, trồng các loại cây, con đặc sản, đặc trưng của vùng. Trong đó, nhiều loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao và khẳng định được chỗ đứng trên thị trường như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn và bưởi da xanh Yên Thủy, nhãn Kim Bôi...

Từ việc phát triển các mô hình KTNN theo hướng chuyên canh đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao và kiểm soát chặt chẽ về chất lượng như Anh, EU, Nhật, Mỹ... Để các sản phẩm nông sản của tỉnh vươn xa, tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các tỉnh trong cả nước. Từ năm 2016 - 2024, các cơ quan chức năng của tỉnh đã vận động và hướng dẫn, tổ chức cho hơn 130 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tham gia hội chợ các tỉnh, thành phố trong nước với trên 270 gian hàng. Tổ chức 53 hội chợ triễn lãm trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia 24 hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành. Giới thiệu trên 80 doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh tham gia điểm bán hàng tại Hà Nội.

Đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp qua "Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử như: hoabinhtrade.gov.vn, postmart.vn, voso.vn, sendo.vn... nhằm thúc đẩy phát triển KTNN trong chuyển đổi số hiệu quả. Cùng với đó, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm được cơ hội hợp tác đầu tư, liên kết để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ sự hỗ trợ của tỉnh đã có thêm nhiều hàng nông sản được xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Anh, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, EU. Tính đến năm 2024, toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã, tổ hợp tác có nông, lâm sản được xuất khẩu. Kết quả này không chỉ mang lại giá trị kinh tế, tạo được chỗ đứng vững chắc cho nông sản của tỉnh, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững. Ví như việc nuôi ong lấy mật ở Hợp tác xã Green Life tại xã Hợp Tiến (Kim Bôi), giá trị lớn nhất của sản phẩm không nằm ở số lượng xuất khẩu mà điều hướng đến là sản xuất những sản phẩm có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, hợp tác xã đã liên kết với 13 hộ nuôi ong trên địa bàn. Từ khi tham gia và trở thành thành viên hợp tác xã, đời sống các hộ đổi thay cơ bản, trong đó có những hộ khó khăn đã thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTN nhấn mạnh: Những kết quả trên là động lực quan trọng thúc đẩy hoàn thành "tiêu chí khó” về tổ chức sản xuất và phát triển KTNT trong xây dựng NTM ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/294/195680/tao-buoc-chuyen-tr111ng-thuc-hien-tieu-chi-ve-to-chuc-san-xuat-va-phat-trien-kinh-te-nong-thon.htm