Bài 2: Có 'kim chỉ nam', du lịch vẫn ì ạch

Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Dù đã có 'kim chỉ nam' nhưng hơn 1 năm qua, du lịch Đồng Nai vẫn đang loay hoay bởi các rào cản về pháp lý liên quan đến đất đai.

Đồng Nai đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào dự án Du lịch sinh thái rừng ngập mặn Long Thành (H.Nhơn Trạch). Ảnh: K.Minh

Đồng Nai đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào dự án Du lịch sinh thái rừng ngập mặn Long Thành (H.Nhơn Trạch). Ảnh: K.Minh

Tại Đồng Nai, những khu vực có tiềm năng đã được quy hoạch để phát triển các dự án du lịch nhưng do vướng các quy định nên đến nay vẫn phải nằm chờ. Trong đó, một số đề án phát triển du lịch đã được đơn vị chức năng trình các sở, ngành nhưng đã “ách” lại do hàng loạt vướng mắc liên quan đến đất lúa, đất rừng, đất công… đành phải gia hạn để chờ quy định mới.

* Nhiều dự án “nằm chờ trên giấy”

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, tỉnh đang ưu tiên mời gọi DN nước ngoài đầu tư vào các dự án du lịch lớn đã được quy hoạch. Các DN nước ngoài rất quan tâm đến dự án du lịch của Đồng Nai nên tỉnh cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin, thủ tục để đón các nhà đầu tư.

Theo quy hoạch phát triển du lịch Đồng Nai, hiện các dự án cấp tỉnh, cấp huyện về du lịch đều bị vướng các quy định nên sau vài năm vẫn giậm chân tại chỗ như: Safari, hồ Bà Hào (H.Vĩnh Cửu), Thác Mai (H.Định Quán), hồ Đa Tôn (H.Tân Phú), hồ Sông Mây (H.Trảng Bom), hồ Gia Ui, Núi Le (H.Xuân Lộc)… Các dự án trên đang mời gọi đầu tư với tổng vốn dự kiến lên đến hơn 1 tỷ USD. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đến tìm hiểu thực tế và muốn đầu tư, nhưng vì vướng thủ tục đầu tư, đất đai nên một số nhà đầu tư đã rút lui. Cụ thể, các dự án trên phải sử dụng đất rừng, đất lúa với diện tích lớn nên phải chờ đợi Chính phủ, Quốc hội phê duyệt. Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan đến đất đai chưa có quy định rõ ràng nên phải đợi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho biết: “Dự án Safari được quy hoạch với diện tích hơn 410ha, dự kiến khi hoàn thành sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do vướng các quy định trong quản lý đất rừng khiến dự án vẫn chưa triển khai được, làm ảnh hưởng đến tiến độ so với dự tính ban đầu”. Tỉnh đang tiến hành tháo gỡ các khó khăn để hoàn tất thủ tục, mời gọi DN đầu tư dự án Safari. Dự kiến nguồn vốn đầu tư khoảng 130 triệu USD.

Dự án khu du lịch (KDL) hồ Đa Tôn có diện tích 760ha đang mời gọi nhà đầu tư với tổng vốn 170 triệu USD. Thời gian qua, một số tập đoàn trong nước, nước ngoài quan tâm muốn đầu tư nhưng vướng các quy định về đất lúa nên đến nay chưa hoàn thành được thủ tục.

Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký cho hay: “Hồ Đa Tôn có phong cảnh rất đẹp nên phát triển du lịch sẽ thu hút được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Dự án đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 để mời gọi DN đầu tư. Tuy nhiên, do dự án sử dụng nhiều đất lúa nên phải chờ Trung ương phê duyệt mới hoàn tất được thủ tục để triển khai những bước tiếp theo”.

Tương tự, trước đây dự án KDL Thác Mai được Công ty CP The Coi (H.Định Quán) dự kiến đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng vốn hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng chuyển đổi đất lúa, đất rừng nên sau nhiều năm dự án vẫn chưa hoàn thành để đưa vào khai thác.

* Nguy cơ phá vỡ quy hoạch

Trong khi những dự án phát triển du lịch lớn vẫn đang loay hoay chờ tháo gỡ vướng mắc thì những mô hình du lịch tự phát lại phát triển khá rầm rộ tại nhiều địa phương trong tỉnh. Việc này dẫn đến nguy cơ phá vỡ những vùng đã được quy hoạch phát triển du lịch hoặc sẽ là thách thức cho các ngành chức năng khi xử lý để thực hiện những dự án theo quy hoạch. Đặc biệt, những khu vực có tiềm năng khai thác, phát triển du lịch như: khu vực hồ Trị An trải dài qua 4 huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán; tuyến du lịch đường sông với những điểm dừng chân được quy hoạch bến thủy nội địa nhưng chưa thể triển khai… Những dự án trên càng chậm trễ, kéo dài càng tạo điều kiện cho du lịch tự phát nở rộ, phá vỡ quy hoạch chung của địa phương, gây khó khăn cho mời gọi nhà đầu tư vào các dự án du lịch lớn.

Chia sẻ về tiềm năng và những quy hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới của địa phương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho biết, Nhơn Trạch có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là các tuyến du lịch đường sông, các địa chỉ di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Dù đã quy hoạch một số dự án phát triển du lịch trên địa bàn nhưng đến nay H.Nhơn Trạch vẫn chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Theo ông Lê Thành Mỹ, hiện H.Nhơn Trạch có một số KDL như: Bò Cạp Vàng, Tre Việt… đang hoạt động, cùng một số khu nghỉ dưỡng do các DN tư nhân xây dựng. Theo kế hoạch phát triển du lịch của huyện, hiện có một số dự án đã đăng ký địa điểm nhưng chưa triển khai. Huyện đang đề nghị tỉnh kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh, đầu tư khu di tích lịch sử Sở chỉ huy Đặc công Rừng Sác tại xã Phước An. Ngoài ra, còn có các khu di tích Giồng Sắn, địa đạo Nhơn Trạch… thời gian tới sẽ phối hợp với Sở VH-TTDL kêu gọi nhà đầu tư để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế.

Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho rằng, để du lịch sinh thái rừng, hồ khu vực hồ Trị An phát triển theo hướng tự phát sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Vì thế, địa phương mong muốn Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nhanh chóng được phê duyệt, đây là cơ sở để ngành du lịch hình thành các sản phẩm, tạo sự đột phá theo chủ trương của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Quang Phương, hiện nay thực trạng người dân khai thác, kinh doanh dịch vụ du lịch tự phát ở khu vực hồ Trị An khá nhiều. Đối với những hộ dân sống ven hồ, cơ quan quản lý nên tạo điều kiện để người dân đăng ký, khai thác, vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, vừa thể hiện được yếu tố cộng đồng địa phương trong sản phẩm du lịch.

Theo Sở GT-VT, hiện có 9 tuyến kêu gọi phát triển du lịch đường sông nhưng các bến đều đang bị vướng vấn đề đất đai nên việc cấp phép rất khó khăn.

Hương Giang - Ngọc Liên

Bài cuối: Khơi thông “điểm nghẽn” cho ngành du lịch

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202303/du-lich-kho-but-pha-do-rao-can-phap-ly-bai-2-co-kim-chi-nam-du-lich-van-i-ach-3162040/