Kiểm toán Nhà nước: Góp phần 'lành mạnh hóa' thu, chi ngân sách

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp, 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý.

Thời gian qua, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Trên cơ sở đó, ngành Kiểm toán đã đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Tăng thu, giảm chi ngân sách hơn 21.300 tỷ đồng

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết năm 2023, toàn ngành Kiểm toán đã xây dựng Kế hoạch kiểm toán bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt chú trọng vào các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Bám sát Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2021-2030, Cơ quan Kiểm toán đã tăng cường thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước phục vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước đồng thời kiểm toán các chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao và thực hiện theo các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Riêng trong năm 2023, toàn ngành đã tổ chức thực hiện kiểm toán thành công 135 nhiệm vụ với 174 Đoàn kiểm toán và phát hành 248 Báo cáo kiểm toán.

“Được sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành các nhiệm vụ năm 2023 và đã gửi Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán đến các đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 trước Quốc hội, là cơ sở để đại biểu Quốc hội thảo luận, xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022,” Phó Tổng Kiểm toán Hà Thị Mỹ Dung cho biết.

Tổng hợp Báo cáo Kiểm toán năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách Nhà nước (ngân sách Nhà nước) 21.346 tỷ đồng, kiến nghị khác 28.595 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cơ quan Kiểm toán cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản. Điểm nổi bật, kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán năm trước ghi nhận 92% kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước đã được thực hiện.

 Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về quyết toán ngân sách Nhà nước, kết quả kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 trình Quốc hội đã nêu rõ còn tình trạng Hội đồng Nhân dân của một số địa phương phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương không đúng thời hạn quy định. Với 23 địa phương được kiểm toán, Hội đồng Nhân dân phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách địa phương nhưng chưa điều chỉnh đầy đủ số liệu theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Trong số đó,12 địa phương chưa điều chỉnh giảm quyết toán, giảm chi chuyển nguồn ngân sách địa phương, giảm kết dư để nộp trả ngân sách trung Ương số tiền 1.488 tỷ đồng. Ngoài ra, một số địa phương đã hạch toán chuyển nguồn kinh phí không phù hợp quy định 11.785 tỷ đồng (Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh tương ứng tại báo cáo quyết toán của 39 địa phương, chi tiết tại mục chi chuyển nguồn).

Qua hoạt động kiểm toán năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; trong đó kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách Nhà nước đối với niên độ ngân sách 2022 là 21.344 tỷ đồng, kiến nghị khác 28.586 tỷ đồng (do chưa đủ thủ tục, chưa được quản lý, theo dõi, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các khoản ngoài ngân sách...).

Không chỉ dừng ở đó, Cơ quan Kiểm toán cũng kiến nghị rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản gồm 1 Luật; 8 Nghị định; 5 Quyết định Thủ tướng Chính phủ; 27 Thông tư và 157 văn bản khác. Đáng lưu ý, ngành Kiểm toán cũng đã kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2023.

 Số kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện đến ngày 31/12/2023 là 67.513 tỷ đồng. (Ảnh: Vietnam+)

Số kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện đến ngày 31/12/2023 là 67.513 tỷ đồng. (Ảnh: Vietnam+)

Về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023, số kiến nghị chưa thực hiện đến ngày 31/12 là 67.513 tỷ đồng; trong đó nguyên nhân chưa thực hiện thuộc đơn vị được kiểm toán 39.803 tỷ đồng (chiếm 59%), nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước 283 tỷ đồng (chiếm 0,4%), nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 là 16.591 tỷ đồng (chiếm 24,6%) và nguyên nhân khác 10.834 tỷ đồng (chiếm 16%).

Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, kết quả ghi nhận có 98/270 nội dung/văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, các kiến nghị khác các đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi theo quy định. Liên quan đến kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, mới có 68/183 Báo cáo kiểm toán được các đơn vị thực hiện.

Chuyển điều tra 40 vụ việc vi phạm

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung khẳng định hiệu quả hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tập trung chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện ra sai phạm và kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước cũng như kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và chấn chỉnh trong công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản công. Khi phát hiện những vấn đề, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xem xét xử lý theo quy định.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp, 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý. Bên cạnh đó, ngành đã cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

 Hiệu quả hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tập trung chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện ra sai phạm và kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước. (Ảnh: Vietnam+)

Hiệu quả hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tập trung chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện ra sai phạm và kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước. (Ảnh: Vietnam+)

Trong tổng số 40 vụ việc, đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc (14 vụ việc đã khởi tố, điều tra, xử lý; 21 vụ việc có ý kiến để điều tra, giám định) và một số cuộc khác cần có thời gian để tiếp tục điều tra, xác minh trong thời gian tới.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chia sẻ trong quá trình phối hợp với các cơ quan điều tra xử lý các vụ việc mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Kiểm toán Nhà nước luôn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan điều tra.

“Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tất cả các vụ việc không phải là việc đơn giản, nhiều vấn đề cần có thời gian để điều tra, xác minh. Vì vậy, trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa và có các văn bản, quy chế phối hợp với các cơ quan,” Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết.

Về vấn đề này, ông Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực VI, thẳng thắn trao đổi “khi thực hiện kiểm toán, chúng tôi rất muốn các địa phương, đơn vị thực hiện tốt, làm đúng quy định pháp luật, để Kiểm toán Nhà nước có căn cứ đánh giá, xác nhận. Tuy nhiên, nếu phát hiện những dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cơ quan Kiểm toán luôn kiên quyết xử lý theo đúng quy định, khẳng định sự minh bạch và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể, ông Vũ Khánh Toàn cho biết thực hiện Quyết định số 343/QĐ-Kiểm toán Nhà nước ngày 25/3/2022 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện kiểm toán quản lý tài nguyên khoáng sản đối với thành phố Hải Phòng, ngành phát hiện có việc vi phạm pháp luật trong vấn đề thăm dò, khai thác khoáng sản. Khi phát hiện dấu hiệu tội phạm này, Kiểm toán Nhà nước khu vực VI đã báo cáo với lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước phụ trách và Tổng Kiểm toán Nhà nước theo đúng trình tự quy định của ngành về việc phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để chuyển cơ quan điều tra.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước khu vực VI cũng đã báo cáo lãnh đạo chuyển 7 vụ việc sang cơ quan điều tra về việc vi phạm pháp luật trong vấn đề thăm dò, khai thác khoáng sản.

 Ông Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực VI, (Ảnh: Vietnam+)

Ông Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực VI, (Ảnh: Vietnam+)

“Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 1 Quyết định 504/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/4/2022, các nội dung kết luận, kiến nghị xử lý của Kiểm toán Nhà nước đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm nghiêm trọng được phát hiện qua hoạt động kiểm toán thuộc Danh mục bí mật Nhà nước,” ông Vũ Khánh Toàn nói.

Chia sẻ kết quả xử lý vấn đề này, ông Vũ Khánh Toàn thông tin đối với các vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra, trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã tiếp đón Đoàn Kiểm tra của Bộ Chính trị về việc kiểm tra việc tiếp nhận, phát hiện, xử lý và chuyển giao tin tố giác tội phạm. Trên tinh thần đó, thành phố Hải Phòng đã rất trách nhiệm trong việc xử lý tin tố giác mà Kiểm toán Nhà nước khu vực VI chuyển qua.

“Đến nay, Công an thành phố Hải Phòng thông báo đã có 2 vụ việc được cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án với nội dung là Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước,” ông Vũ Khánh Toàn nêu rõ.

Ngoài việc chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc trên, ông Vũ Khánh Toàn nhấn mạnh đối với tất cả các sai sót được nêu trong Báo cáo kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đều có những kiến nghị tương ứng, phù hợp và được thẩm định, duyệt qua các bước rất chặt chẽ.

Kiên quyết chống tiêu cực nội bộ

Bên cạnh đó, Phó Tổng Kiểm toán Hà Thị Mỹ Dung khẳng định toàn ngành luôn quán triệt và sẽ tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm toán Nhà nước theo tinh thần Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Cụ thể hơn, Chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước Lưu Trường Kháng cho biết trước khi có Nghị quyết số 131-QĐ/TW, Cơ quan Kiểm toán đã có những động thái để tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành.

Vào năm 2013, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành quyết định thành lập Thanh tra Kiểm toán Nhà nước (tương đương cấp Vụ) với nhiệm vụ chính là tiến hành thanh tra công vụ trong hoạt động kiểm toán, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy định của Kiểm toán Nhà nước đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, qua đó nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành.

 Chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước Lưu Trường Kháng

Chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước Lưu Trường Kháng

Đến khi có Nghị quyết số 131-QĐ/TW, ông Lưu Trường Kháng khẳng định Kiểm toán Nhà nước đã quán triệt, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành theo tinh thần của Quy định.

Thời điểm quý 4/2023, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai xây dựng các văn bản quản lý về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra và Tổng Kiểm toán Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các Tổ soạn thảo hoàn thành việc xây dựng văn bản quản lý trong quý 1 và 2. Theo đó, các Tổ soạn thảo đã xây dựng dự thảo Quy chế giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra Kiểm toán Nhà nước trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ, Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Cụ thể, Điều 4 của Quy định số 131-QĐ/TW về những hành vi không được làm đã được cụ thể hóa, áp dụng đối với Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của Đoàn thanh tra và Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký quyết định ban hành Quy chế từ ngày 1/7/2024.

Chánh Thanh tra Lưu Trường Kháng cũng cho biết Kiểm toán Nhà nước là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện rất nghiêm túc việc kê khai, xác minh tài sản.

“Trong thời gian tới, Thanh tra Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh vai trò thanh tra, trong đó tập trung chủ yếu vào thanh tra công chức, công vụ đồng thời nâng cao chất lượng công tác thanh tra trong hoạt động kiểm toán của các đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, kiểm toán viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ kiểm toán, qua đó góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán,” ông Lưu Trường Kháng nói./.

 Kiểm toán Nhà nước là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện rất nghiêm túc việc kê khai, xác minh tài sản.. (Ảnh: Vietnam+)

Kiểm toán Nhà nước là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện rất nghiêm túc việc kê khai, xác minh tài sản.. (Ảnh: Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kiem-toan-nha-nuoc-gop-phan-lanh-manh-hoa-thu-chi-ngan-sach-post962561.vnp