Bài 2: Cuộc sống mới nơi địa đầu Tổ quốc
Vững vàng một dải biên thùy
>>>Bài 1: Hào khí Pha Long
LCĐT - Sau khi kết thúc cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương đưa người dân trở lại địa bàn biên giới để khai thác tiềm năng, lợi thế, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Nhờ chủ trương này, vùng biên giới đã hình thành nên những bản làng, cộng đồng dân cư trù phú, có nhịp độ phát triển kinh tế năng động, người dân chủ động tham gia bảo vệ chủ quyền, biên giới.
Trên chiếc xe du lịch đời mới, bon bon chạy trên con đường bê tông phẳng lỳ, mượt láng, anh Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát dẫn chúng tôi tới Tân Giang - thôn biên giới hình thành sau đợt di dân có kế hoạch vào năm 2003. Hầu hết 62 hộ trong thôn là đồng bào Dao, Mông. Chúng tôi có mặt đúng thời điểm tổ công tác của Đồn Biên phòng Trịnh Tường và thanh niên trong thôn đang thi đấu giao hữu bóng chuyền trên sân nhà văn hóa rộng rãi, khang trang. Anh Thắng cho biết, thôn Tân Giang sớm được Nhà nước đầu tư đường giao thông, điểm trường học, nhà văn hóa, công trình điện dân dụng, công trình thủy lợi nên người dân có điều kiện mở mang ruộng đất, phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Rời xã Cốc Mỳ, chúng tôi có mặt tại thôn Nậm Sò, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng. Ấn tượng ngay ban đầu về thôn biên giới này là từ trên cao, chúng tôi đã thấy rõ khu dân cư mấy chục hộ làm nhà san sát nhau giữa những vườn cây, ao cá, xung quanh bạt ngàn dứa. Nhà nào cũng xây kiên cố, kiến trúc hiện đại, nhiều nhà cao 2, 3 tầng. Đầu đường dẫn vào thôn có tấm biển mới dựng lên đề dòng chữ: “Điểm sáng biên giới”, cạnh đó là ngôi nhà 2 tầng bề thế, nền rộng hơn 130 m2 của vợ chồng trẻ Tẩn Văn Hạnh và Tẩn Thị Thương. Nhiều năm trở lại đây, anh Hạnh và chị Thương duy trì sản xuất 14 - 15 vạn gốc dứa, năm nào lãi ít cũng được 250 triệu đồng, cao thì được 350 triệu đồng. Vừa rồi, giá quả dứa thất thường nên anh Hạnh chuyển dần sang đào ao nuôi cá, trồng quế. Trong lịch sử của thôn Nậm Sò, vợ chồng anh Hạnh, chị Thương chỉ là thế hệ thứ 2, thế hệ thứ nhất là những người như bà Đặng Thị Dẩn, sinh năm 1958, Trưởng thôn.
Bà Dẩn nhớ rất rõ vào năm 2003, gia đình bà cùng 27 hộ ở 2 thôn Nậm Sưu, Thủy Điện của xã Bản Phiệt tự nguyện đăng ký chuyển tới Nậm Sò lập nghiệp. Khi đó, các hộ được Nhà nước hỗ trợ dựng nhà mới, san tạo mặt bằng và được bố trí đất sản xuất. Tiếng là được giao đất nhưng vì là thôn giáp biên nên không ai dám đặt chân tới các khu đồi rậm rạp lau lách quanh thôn vì sợ còn bom, mìn sót lại sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Vài năm sau, khi bộ đội công binh làm sạch đất, giải phóng nguy hiểm thì người dân thôn Nậm Sò mới dám khai khẩn đất hoang, ngoài cấy lúa, bà con còn trồng sắn, ngô trên đồi. Đất đai phì nhiêu nên năm sau có thêm mấy chục hộ đăng ký chuyển tới Nậm Sò xây dựng cuộc sống mới.
Khoảng năm 2010, bà con thôn Nậm Sò bắt đầu chuyển diện tích đất trồng sắn sang trồng dứa để bán cho bạn hàng bên Trung Quốc. Đến năm 2018, thôn có 74 hộ nhưng trồng tới 80 ha dứa, sang năm 2019 chỉ còn 60 ha do một số hộ chuyển sang trồng quế. Giờ đây, Nậm Sò có 26 hộ thuộc diện giàu.
Cùng với phát triển kinh tế, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Nậm Sò cũng được củng cố, kiện toàn. Bà Dẩn nhớ ngày đầu thành lập thôn (năm 2003), bà được phân công làm Trưởng thôn và cả thôn cũng chỉ có bà là đảng viên, đến nay, chi bộ Nậm Sò đã có 10 đảng viên.
Từ xã Bản Phiệt, tuyến đường nhựa sát biên giới còn dẫn tới 5 thôn vùng biên thuộc xã Bản Lầu, huyện Mường Khương là Na Lốc I, II, III, IV và thôn Cốc Phương với tổng số 314 hộ. Đây là các thôn mới hình thành từ những đợt di dân từ các xã vùng cao của huyện Mường Khương như Cao Sơn, La Pan Tẩn, Dìn Chin, Tả Gia Khâu và một số xã thuộc huyện Si Ma Cai, huyện Bắc Hà xuống.
5 thôn nói trên được sắp xếp ra ở giáp biên từ rất sớm, đó là vào năm 1989, trước thời điểm Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao trở lại (năm 1992). Tại thôn Na Lốc I, chúng tôi gặp ông Sùng Chảnh, 85 tuổi. Từ khi chuyển về Na Lốc, ông Sùng Chảnh luôn cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho người dânCao Sơn được phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống.
Ông Chảnh bảo, ở Cao Sơn vốn rất thiếu đất sản xuất, nguồn nước khan hiếm, khí hậu khắc nghiệt, trong khi ở Na Lốc I thuận lợi nhiều mặt. Con trai ông Chảnh là anh Sùng Sử, sinh năm 1969, người từng có 7 năm làm Trưởng thôn, cho biết: Na Lốc I hiện có 46 hộ thì 3 trong số đó thuộc diện nghèo do hoàn cảnh éo le. Phần đông các hộ thuộc diện giàu, tỷ phú nhờ phát triển cây dứa và trồng chuối mô, như hộ ông Giàng Dùng, Sùng Phủ, Sùng Phủng… Ngoài ra, còn có nhiều tỷ phú khác thuộc các thôn Na Lốc II, Na Lốc III, Na Lốc IV và thôn Cốc Phương, các hộ này không chỉ trồng chuối mô, dứa tại địa bàn, mà còn thuê đất, thuê lao động ở xã lân cận là Nậm Chảy và Bản Phiệt để mở rộng quy mô sản xuất.
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Mường Khương phát hành năm 2016, giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1995, huyện Mường Khương đã chuyển 500 hộ từ nội địa ra khu vực biên giới để khai hoang, phục hóa những miền đất này. Cùng với đó, huyện cũng đầu tư nhiều công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân, hỗ trợ các hộ mua máy thủy điện nhỏ. Tiếp đó, giai đoạn những năm 2001 đến 2004, huyện sắp xếp thêm 369 hộ nội địa ra khu vực biên giới, chưa kể việc phối hợp di chuyển một số hộ từ xã Pha Long, xã Dìn Chin đến lập nghiệp, hình thành nên thôn biên giới Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát.
Cùng với đó là thực hiện chủ trương hỗ trợ người dân ngói hóa nông thôn, đầu tư phát triển giao thông, kiên cố trường, lớp học, xây dựng hạ tầng điện lưới, cơ sở y tế, thiết chế văn hóa cho khu vực này.
Cùng với huyện Mường Khương, hàng trăm hộ ở huyện Bát Xát, huyện Si Ma Cai cũng được hỗ trợ để di chuyển ra biên giới, hình thành nên các thôn mới nơi địa đầu Tổ quốc. Điều đáng ghi nhận là đời sống của người dân tại các thôn mới tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ. Cùng với chăm lo sản xuất, đời sống, người dân các thôn vùng biên còn tích cực xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và trở thành những “cột mốc sống” giữ bình yên trên dải biên cương của Tổ quốc.