BÀI 2: Đảng viên giữa rừng cao su – Niềm tin vươn lên từ gốc rễ
Trên những đồi cao su xanh thẳm của vùng Tây Bắc, có những con người không chỉ cần mẫn góp sức mình vào phát triển kinh tế mà còn là những tấm gương tiêu biểu về ý chí vươn lên, gắn bó với tập thể, với tổ chức Đảng. Từ công nhân cạo mủ đến đảng viên mẫu mực, hành trình của họ là câu chuyện thấm đẫm niềm tin và nghị lực – như những mạch nhựa sống chảy ngầm trong rừng cao su bạt ngàn.
Trưởng thành từ mủ cao su
Tại bản Pá Sáng, (xã Hứa Thanh, huyện Điện Biên cũ), anh Thào A Vừ, dân tộc Mông, 36 tuổi, là một trong những công nhân cao su tiêu biểu với gần 12 năm gắn bó cùng cây cao su. Trước kia, gia đình anh chỉ sống bằng nghề làm nương rẫy, thu nhập bấp bênh, cuộc sống quanh năm thiếu thốn. Từ ngày góp đất, gia nhập công ty và chính thức trở thành công nhân khai thác mủ cao su, anh và vợ đã có thu nhập ổn định, đời sống ngày một khá hơn.

Anh Thào A Vừ, dân tộc Mông bản Pá Sáng là công nhân kỹ thuật Công ty cổ phần Cao su Điện Biên
Từ công nhân cạo mủ nhưng không ngừng rèn luyện tay nghề, anh đã bốn lần vinh dự được Công ty Cao su Điện Biên cử dự thi “Bàn tay vàng”, trong đó có hai lần đạt danh hiệu kỹ thuật viên giỏi. Từ đó, anh Vừ được công ty đào tạo thêm kỹ thuật, rồi chuyển sang tổ kỹ thuật kiêm bảo vệ.
Anh Vừ kể: “Ngày trước chỉ mong có bữa cơm đủ no cho con. Nay, không chỉ đủ ăn, mà còn có thể cho con học hành, sửa sang lại căn nhà”. Đặc biệt, những phấn đấu không ngừng nghỉ trong công việc của anh đã được tổ chức ghi nhận và kết nạp anh vào hàng ngũ của Đảng – niềm vinh dự mà trước đây anh chưa từng dám nghĩ tới.
Là đảng viên trẻ, anh luôn nhận việc khó, đi ca sớm, trực ca muộn, chưa bao giờ chối từ nhiệm vụ. “Cao su đã giúp mình sống được, làm được, trưởng thành được. Giờ là đảng viên rồi, mình càng phải làm gương cho anh em”, anh chia sẻ và cho hay từ khi vào Đảng, anh thấy mình cần gương mẫu hơn. Cái gì chưa biết thì học, việc gì công ty giao thì cố gắng làm đến nơi đến chốn. Anh thấy mình trưởng thành từ khi làm cao su.
Những người đi trước, vững như rễ cây
Ở xã Hứa Thanh, ông Thào Tất Tòng, 50 tuổi, là Bí thư Chi bộ bản Xá Nhù suốt hơn 27 năm. Là người đầu tiên trong bản góp đất và tham gia làm công nhân cao su, ông không chỉ thay đổi cuộc sống gia đình mình mà còn trở thành người khơi nguồn thay đổi cả cộng đồng.
“Lúc mới vận động, nhiều người còn sợ trồng cao su không ra mủ, đất mất rồi lấy gì sống. Nhưng khi cây cho khai thác, đời sống thay đổi hẳn. Bây giờ hầu hết cả bản đều làm công nhân. Có thu nhập đều, có bảo hiểm, không lo đói như trước”, ông Tòng kể.

Ông Thào Tất Tòng - 50 tuổi, là Bí thư Chi bộ bản Xá Nhù - người Đảng viên kỳ cựu của công nhân Công ty cổ phần cao su Điện Biên
Hiện trong bản Xá Nhù đã có 9 đảng viên, nhiều người trưởng thành từ công nhân cao su. Ông Tòng cho biết, công ty luôn tạo điều kiện cho người lao động phấn đấu, từ học nghề đến phát triển Đảng. Nhờ đó, đội ngũ đảng viên tại các bản vùng sâu ngày càng lớn mạnh, giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới.
Một tấm gương khác là anh Sề Thế Vinh, kỹ thuật viên kiêm bảo vệ tại công ty, là đảng viên từ năm 2017. Ở tuổi 23, anh cùng vợ là chị Giàng Thị Kía - 22 tuổi, có hai con nhỏ, đang gửi ông bà chăm sóc để cả hai vợ chồng yên tâm làm việc.
Vốn học hết lớp 12, vợ chồng anh Vinh chọn ở lại quê làm công nhân cao su. Tuy nhiên, bằng những cố gắng trong công việc, cuộc sống gia đình trẻ đang ngày càng đổi thay và phát trình cùng cây cao su.
Từ mủ trắng vươn lên niềm tin đỏ
Câu chuyện của những đảng viên như Thào A Vừ, Thào Tất Tòng, Sề Thế Vinh… không chỉ là minh chứng cho tinh thần lao động hăng say, mà còn là biểu tượng của khát vọng vượt nghèo, đổi đời bằng chính sức lao động chân chính.

Đôi vợ chồng trẻ Sề Thế Vinh - Giàng Thị Kía (bên trái) nhờ cây cao su mà cuộc sống ngày càng tốt hơn
Trong rừng cao su, tiếng dao cạo lách cách mỗi sớm mai, tiếng bước chân công nhân đều đặn như nhịp sống, như lời cam kết âm thầm nhưng mạnh mẽ: Người công nhân không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn góp phần dựng xây tổ chức Đảng nơi vùng cao, củng cố niềm tin vào tương lai.
Những đảng viên giữa rừng cao su ấy – lặng thầm, kiên trì – chính là những “gốc rễ đỏ” vững vàng, từ đất mà vươn lên, chở che cho một cánh rừng niềm tin đang lớn lên từng ngày.
Gắn bó từ những ngày đầu khảo sát, làm đất, trồng cao su trên mảnh đất này cực Tây của Tổ quốc, ông Nguyễn Công Tám - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cao su Điện Biên chia sẻ: “Anh em cán bộ công ty chúng tôi không gọi những ngày đầu là khó khăn, mà là những thử thách”.
Canh tác cao su cần diện tích lớn, tương đối bằng phẳng để thiết kế rừng theo quy mô công nghiệp. Ở các vùng trồng khác, rừng cao su là những hàng cây thẳng tắp, ô tô chạy dưới tán rừng, dễ canh tác, khai thác… Còn ở Điện Biên, cao su trồng trên đồi dốc, thời tiết khắc nghiệp nên sản lượng 1,5 tấn/ha thì phải tương đường từ 2,5 – 3 tấn/ha ở vùng đồng bằng.
"Nếu như lấy con ngựa vùng cao mà đưa về đua với ngựa đồng bằng thì ngựa đồng bằng không bao giờ vượt đuổi được theo ngựa miền núi! Còn mình đi đào tạo kỹ năng về vấn đề dày răm, độ sâu… đi thi tay nghề là các anh thủ phủ miền Đông bó tay với anh Tây Bắc!’
Ông Nguyễn Công Tám - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cao su Điện Biên